Đến nay 100% các sở, ban ngành và địa phương đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số. Tỉ lệ dân số trưởng thành trong toàn tỉnh sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 99%; tỉ lệ hộ gia đình có kết nối Internet ước đạt trên 80%.
Đặc biệt hiện 100% các cơ quan nhà nước có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, cũng như bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tham mưu công tác chuyển đổi số và an toàn thông tin.
Đạt nhiều kết quả thực
Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đến nay đã kết nối với Trung tâm giám sát quốc gia về chính phủ số và đã chuyển đổi sang công nghệ IPv6.
Hiện Quảng Trị đã hợp nhất cổng dịch vụ công với hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, tạo thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đến nay đã cung cấp 747 dịch vụ công trực tuyến một phần và 959 dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh.
Bên cạnh đó địa phương cũng đã thiết lập thêm kênh Zalo để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến đến tận người dân và doanh nghiệp.
Toàn tỉnh hiện có 737 doanh nghiệp công nghệ số, với 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có triển khai nền tảng hóa đơn điện tử.
Ngoài sàn thương mại điện tử của tỉnh, Quảng Trị hiện có 3.757 sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử Voso và Postmart (đứng thứ 6/19 tỉnh, thành trong khu vực), với 16.000 giao dịch thương mại điện tử được thực hiện trên các sàn thương mại điện tử này.
Theo thống kê, hiện 100% cơ sở khám chữa bệnh và trường học đã tiến hành thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra địa phương này hiện có 86.936 hồ sơ đăng ký định danh điện tử, trong đó có 11.768 tài khoản đã được kích hoạt; Quảng Trị có 487.083 tải khoản thanh toán đang hoạt động, tỉ lệ bình quân dân số có tài khoản thanh toán ước đạt trên 65%.
IOC - Bộ não số của Quảng Trị
Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) Quảng Trị dần trở thành "bộ não số" hội tụ dữ liệu của các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trung tâm đã kết nối thành công các hệ thống thông tin như hệ thống thông tin về giám sát, điều hành giao thông và an ninh công cộng; hệ thống giám sát thông tin báo chí và truyền thông; hệ thống giám sát dịch vụ hành chính công trực tuyến của tất cả các sở, ban, ngành, địa phương; hệ thống thông tin kinh tế - xã hội tỉnh...
Cơ sở dữ liệu y tế; cơ sở dữ liệu giáo dục; cổng thông tin phản ánh hiện trường; trung tâm hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân và trung tâm phân tích dữ liệu; triển khai thử nghiệm hệ thống giám sát thông tin báo chí và truyền thông.
Chuyển đổi số - nắm bắt thời cơ phát triển
Quảng Trị đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10-10; vận hành hiệu quả Trung tâm IOC tỉnh…
Cụ thể với ngành thương mại, Sở Công Thương đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ, bồi dưỡng, đào tạo và phổ cập thương mại điện tử đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm tạo sức lan tỏa, hình thành thói quen mua sắm, thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngành nông nghiệp tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, giúp hình thành nền nông nghiệp 4.0. Hội Nông dân tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông; đào tạo cho hội viên, nông dân; tập huấn về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh…
Tuy nhiên, việc đạt được các mục tiêu chuyển đổi số đề ra còn chậm, gặp nhiều khó khăn… chưa đạt như kỳ vọng.
Theo số liệu mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố, năm 2023, chỉ số DTI của địa phương này xếp thứ 55; trong đó chính quyền số xếp thứ 55, kinh tế số xếp thứ 51 và xã hội số xếp thứ 54.
Vì vậy, tại hội thảo "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị" vừa được Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị tổ chức, diễn ra vào đầu tháng 10-2023, ông Nguyễn Văn Tường - giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị - đã nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất, điều hành dựa trên các công nghệ số; đây thực sự là một quá trình thay đổi, đòi hỏi sự nhất quán, quyết tâm trong chỉ đạo điều hành.
Vì vậy, lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương cần quan tâm, tập trung thúc đẩy chuyển đổi số tại ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý; phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu về chuyển đổi số mà nghị quyết Tỉnh ủy đã đề ra".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận