Sáng 1-8, tại Trường đại học Luật Hà Nội, Sở Tư pháp TP Hà Nội cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Liên quan tới nội dung dự thảo luật đề cập việc chuyển các bệnh viện trung ương về Hà Nội quản lý, thứ trưởng Bộ Y tế, các chuyên gia y tế đầu ngành bày tỏ nhiều trăn trở, lo lắng.
Băn khoăn việc chuyển bệnh viện trung ương cho Hà Nội quản lý
Phát biểu tham luận, giáo sư Tạ Thành Văn - chủ tịch hội đồng Trường đại học Y Hà Nội - nói thực tế có nhiều quan điểm không đồng nhất với nội dung trên được nêu trong dự thảo luật.
Cụ thể, ông cho rằng hiện các bệnh viện thuộc các trường đại học y trên thế giới là nơi kết hợp nhuần nhuyễn giữa đào tạo, nghiên cứu, công tác khám chữa bệnh đều là những bệnh viện hiện đại và lớn nhất của các nước phát triển.
"Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K... khi thành lập cũng là bệnh viện thuộc Trường đại học Y Hà Nội. Việc phân bệnh các bệnh viện theo bậc thang quản lý hành chính như quốc gia, tỉnh, huyện hay phân hạng cũng không phải hình thức phổ biến trên thế giới.
Việc phân hạng của chúng ta hiện nay cũng không phù hợp với các bệnh viện lớn của các nước tiên tiến. Việc duy trì các bệnh viện thuộc Bộ Y tế cũng không phổ biến tại các quốc gia khác. Dù vậy, việc chuyển các bệnh viện thuộc bộ về Hà Nội rất nhiều ý kiến băn khoăn; cá nhân tôi cũng rất băn khoăn" - ông Văn nói.
Ông đánh giá việc chuyển giao các bệnh viện thuộc các bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương về Hà Nội hoặc các trường đại học y quản lý là phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, ông Văn nhấn mạnh việc phải ưu tiên số 1 cho các trường đại học y trên địa bàn TP quản lý bởi khi các bệnh viện thực hành trên thuộc trường đại học thì sẽ là nơi đào tạo ra đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao; ứng dụng khoa học công nghệ cho toàn ngành y Việt Nam.
"Nếu Trường đại học Y Hà Nội là trường đại học của quốc gia, khi chuyển các bệnh viện trung ương về Hà Nội sẽ có các mối nguy cơ. Trong đó, sẽ ảnh hưởng tới cơ sở thực hành của trường đại học y và chất lượng đào tạo, nên tôi rất băn khoăn", ông Văn nói thêm.
Do vậy, để tiết kiệm nguồn lực và tăng cường hiệu quả, tránh cạnh tranh dẫn đến lãng phí, ông Văn đề xuất Hà Nội ban hành các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của 3 lĩnh vực: cơ sở y tế trực thuộc trung ương hoặc trường đại học y - dược; cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân trong chiến lược chăm sóc sức khỏe cho người dân tại thủ đô.
Đề nghị bỏ "chuyển bệnh viện trung ương cho Hà Nội quản lý" khỏi dự thảo luật
Phát biểu sau đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị đưa ra khỏi dự thảo luật nội dung trên.
Ông Thuấn đánh giá việc chuyển các bệnh viện của trung ương trên địa bàn về Hà Nội quản lý là công việc hệ trọng, liên quan đường lối chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Dẫn lại nghị quyết 19 của Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017, ông cho biết quy định chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ ngành cơ quan nhà nước trung ương về địa bàn quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện thuộc các trường đại học.
"Như vậy, các bệnh viện trung ương trên địa bàn Hà Nội đều là các cơ sở chuyên khoa, đầu ngành, đương nhiên thuộc diện phải giữ lại theo nghị quyết 19" - Thứ trưởng Thuấn cho hay.
Ông cho rằng hiện các bệnh viện khi thuộc Bộ Y tế sẽ mang thương hiệu quốc gia, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, các nước phát triển cho Việt Nam.
Sau khi tiếp nhận thành công, các bệnh viện trung ương sẽ chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới cấp tỉnh, huyện, xã.
Thông tin thêm, ông Trần Văn Thuấn cho biết trước đó vào chiều 31-7, trong hội nghị có sự tham gia của 17 bệnh viện trung ương trên địa bàn, giám đốc Bệnh viện E Hà Nội chia sẻ câu chuyện 100% cán bộ y bác sĩ của bệnh viện này đã bỏ phiếu đồng ý bệnh viện tiếp tục trực thuộc Bộ Y tế quản lý.
Nội dung dự thảo Luật Thủ đô có đề cập tới nội dung sẽ chuyển giao các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn thủ đô về TP Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học y.
Đồng thời, sẽ chuyển giao các bệnh viện thuộc hạng đặc biệt, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quyết định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận