TTCT - Từ chuyện "man flu" cho thấy khoa học y học đang dần có sự hiểu biết sâu sắc hơn về tác động của giới tính đến sức khỏe và bệnh tật của mỗi cá nhân cũng như cần thiết có sự bình đẳng trong tiếp cận y học ở cả hai giới. Ảnh: sanity.ioXuất phát từ thực tế nhiều nam giới thường có triệu chứng nhiễm cúm như mệt mỏi, nghẹt mũi, ho, sốt… kéo dài và có phần nặng nề hơn so với phái nữ, tiếng Anh có thuật ngữ "man flu" mang hàm ý châm biếm rằng nam giới không đối phó tốt với bệnh tật hoặc mạnh mẽ bằng phụ nữ.Dù chỉ mang tính chất cường điệu hóa dí dỏm, man flu (nôm na là cúm đàn ông) đã thôi thúc các nhà nghiên cứu đi tìm câu trả lời thỏa đáng: có đúng là phái mạnh khi bệnh thì vật vã hơn không, và nếu vậy thì tại sao.Khoa học lý giải"Đàn ông và phụ nữ có hệ thống miễn dịch khác nhau, điều đó có nghĩa là họ phản ứng với các bệnh nhiễm trùng theo những cách khác nhau" - tiến sĩ Eleanor Fish, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Toronto, chia sẻ với tờ The Star (Canada).Hệ thống miễn dịch chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là yếu tố giới tính và đặc điểm hành vi. Yếu tố giới tính bao gồm nhiễm sắc thể giới tính, hormone sinh dục và giải phẫu sinh sản quyết định các đặc điểm thể chất và sinh lý của hai giới. Sự khác biệt về giới tính phát sinh từ sự bất bình đẳng vốn có của nhiễm sắc thể giới tính trong hợp tử XX và XY. Nhiễm sắc thể X là nơi chứa khoảng 1.100 gene và chứa một số gene điều chỉnh chức năng miễn dịch, chẳng hạn như kinase liên kết với thụ thể interleukin-1 (IL-1), 1 (IRAK1), thụ thể IL-9…Hệ thống miễn dịch bẩm sinh là tuyến phòng thủ đầu tiên và có sự khác biệt về số lượng và sự phân bố của các tế bào miễn dịch bẩm sinh theo giới tính. Ví dụ, nữ giới có số lượng bạch cầu trung tính - tế bào miễn dịch "tuyến đầu" tiêu diệt tác nhân gây bệnh, cao hơn trong máu. Các tế bào trình diện kháng nguyên (APC) từ nữ giới cũng hiệu quả hơn trong việc khởi tạo phản ứng tiếp theo từ các tế bào lympho và khả năng phản ứng đối với kháng nguyên (tác nhân gây bệnh) cũng cao hơn so với tế bào nam giới.Biếm họa về "man flu".Sự khác biệt còn xuất hiện ngay cả trước khi nhiễm trùng xảy ra. Các tế bào miễn dịch của phụ nữ phát hiện nhanh hơn những kẻ xâm lược lạ, như vi rút hoặc vi khuẩn. Khi xác định được mối đe dọa, hệ thống miễn dịch của phụ nữ giải phóng nhiều protein gây viêm hơn, được gọi là cytokine. Nó cũng sản xuất nhiều kháng thể hơn để đáp ứng với cả vi rút và vắc xin, giúp chống lại nhiễm trùng.Ngoài ra, hormone steroid sinh dục có đặc tính điều hòa miễn dịch bằng cách liên kết với các các tế bào lympho, đại thực bào và có thể có tác động trực tiếp đến quá trình chuyển hóa, phát triển và biểu hiện yếu tố độc lực của vi khuẩn.Nam giới và nữ giới đều có cả ba loại hormone sinh dục: estrogen, progesterone và testosterone. Tuy nhiên, chúng có mức độ khác nhau, phụ nữ có mức độ estrogen, progesterone (các hormone làm tăng hiệu quả của các tế bào miễn dịch) cao hơn, và ngược lại, nam giới có mức độ testosterone cao hơn."Chúng ta cũng biết rằng testosterone đóng vai trò trong việc ức chế hệ thống miễn dịch. Vì vậy, đàn ông không chỉ có nhiều hormone ức chế miễn dịch hơn mà còn có ít hormone hỗ trợ miễn dịch hơn" - chuyên gia dinh dưỡng Jenna Hope nói với báo The Times (Anh).Mặt khác, nguy cơ mắc bệnh còn liên quan đến yếu tố hành vi khi nam giới thường ít thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang hoặc rửa tay thường xuyên và có xu hướng tham gia nhiều hơn các hành vi không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu bia, thức khuya…Cuối cùng, quan điểm cho rằng đàn ông phải mạnh mẽ và có thể chịu đựng được mọi thứ có thể khiến các biểu hiên của nam giới khi mắc bệnh bị coi là yếu đuối và khiến họ ít tìm kiếm sự chăm sóc y tế hơn. Quan điểm "nam tính độc hại" này dẫn đến nguy cơ khi bệnh trở nên nặng nề hơn thì nam giới mới nhập viện.Nhìn chung, phụ nữ có phản ứng miễn dịch bẩm sinh và thích nghi mạnh hơn nam giới. Điều này cho phép cơ thể phụ nữ loại bỏ mầm bệnh và phản ứng tốt hơn với vắc xin. Tuy nhiên chúng cũng khiến phụ nữ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm và bệnh tự miễn dịch hơn. Điển hình là phụ nữ có nhiều khả năng gặp phải các hội chứng sau nhiễm trùng như Covid kéo dài hay 80% bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ…) xảy ra ở nữ giới - một phần do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức."Chúng ta muốn có một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ vì nó giúp bảo vệ khỏi bệnh tật và loại bỏ bệnh tật. Nhưng chính hệ thống miễn dịch đó, nếu hoạt động quá mức, thực sự có thể gây hại cho chúng ta" - tiến sĩ Memoli tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ nói với The New York Times.Yếu tố giới tính cần được quan tâmKhông chỉ đối với bệnh lý hô hấp, sự khác biệt rõ rệt về yếu tố giới tính trong các bệnh lý khác cũng ngày càng được các nhà nghiên cứu quan tâm và tìm hiểu.Một nghiên cứu công bố hồi tháng 5-2024 trên The Lancet khi đánh giá 20 nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật cho những người trên 10 tuổi tại bảy khu vực trên thế giới từ năm 1990 đến năm 2021 cho thấy phụ nữ thường gặp các vấn đề về cơ xương, sức khỏe tâm thần (rối loạn lo âu, trầm cảm, bệnh Alzheimer và các chứng mất trí khác) và rối loạn đau đầu. Đồng thời, nam giới là đối tượng dễ mắc phải các bệnh lý gây tử vong sớm hơn, như bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, bệnh gan, Covid-19 và chấn thương giao thông.Lấy ví dụ về bệnh loãng xương - căn bệnh ngày càng phổ biến hiện nay và các biến chứng có sự khác biệt rõ rệt liên quan đến giới tính. Loãng xương là một bệnh chuyển hóa làm giảm khối lượng xương và làm suy yếu cấu trúc xương, dẫn đến xương giòn và tăng nguy cơ gãy xương. Một bài phân tích trên Nature hồi tháng 2-2024 cho biết loãng xương nguyên phát thường gặp ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh, có tỉ lệ cao gấp 4 lần so với nam giới cùng lứa tuổi do tuổi thọ phụ nữ kéo dài hơn và sự suy giảm của estrogen - hormone sinh dục tác dụng kích thích sự hình thành xương và ức chế quá trình phân hủy xương.Nam giới ít có nguy cơ mắc bệnh loãng xương nguyên phát và gãy xương do loãng xương hơn phụ nữ do xương của họ lớn hơn, chắc hơn và tốc độ mất xương chậm hơn ở tuổi trưởng thành. Nhưng nam giới dễ bị loãng xương thứ phát hơn (loãng xương sau dùng corticoid kéo dài hoặc sau mắc bệnh lý khác) và có tỉ lệ tử vong chung do gãy xương do loãng xương cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh sự khác biệt theo giới tính trong loãng xương cũng như hiệu quả dự phòng và điều trị loãng xương chưa cao.Bình đẳng trong tiếp cận y họcMột nghiên cứu phân tích hơn 3 triệu người mắc Covid-19 công bố trên Nature năm 2020 cho thấy mặc dù không có sự khác biệt về tỉ lệ mắc bệnh của nam và nữ, nam giới có tỉ lệ nhập viện và điều trị tích cực cao gấp 3 lần và tỉ lệ tử vong cao gấp 1,5 lần so với nữ giới.Từ chuyện "man flu" cho thấy khoa học y học đang dần có sự hiểu biết sâu sắc hơn về tác động của giới tính đến sức khỏe và bệnh tật của mỗi cá nhân cũng như cần thiết có sự bình đẳng trong tiếp cận y học ở cả hai giới.Trong nhiều thập niên qua, các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng chủ yếu được tiến hành trên các mô hình động vật đực và nam giới do lo ngại về ảnh hưởng của chu kỳ hormone (ví dụ chu kỳ kinh nguyệt) đến kết quả cũng như việc xếp loại "phụ nữ là đối tượng được bảo vệ" trong các thử nghiệm lâm sàng. Do vậy, các kết luận dựa trên một giới tính đã được sử dụng để phát triển các hướng dẫn điều trị và quản lý bệnh cho cả hai giới. Ở chiều ngược lại, các loại thuốc, hướng dẫn, sàng lọc và phương pháp dự đoán nguy cơ gãy xương đều được phát triển cho phụ nữ và sau đó được điều chỉnh để sử dụng cho nam giới.Sự "bất bình đẳng" này không chỉ gặp trong bệnh loãng xương mà hiện nay yếu tố giới tính, một yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa và sàng lọc bệnh tật chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy cần có sự hiểu biết sâu hơn về sinh lý đặc hiệu theo giới tính có thể góp phần vào sự phát triển của các liệu pháp điều trị và phương pháp phòng ngừa mới, phù hợp theo độ tuổi và giới tính.Và tất nhiên, cũng đừng "trêu đùa" khi mà nam giới đang vật lộn với chứng cảm cúm, bởi dẫu gì họ cũng thực sự đang chiến đấu với bệnh tật. Theo từ điển Cambridge, "man flu" được định nghĩa là "một căn bệnh như cảm lạnh, không nghiêm trọng nhưng người mắc phải, thường là đàn ông, lại coi nó nghiêm trọng hơn thực tế". Còn theo từ điển tiếng lóng Urban Dictionary, "man flu" được coi là "đau đớn hơn cả việc sinh con".Dù "cúm đàn ông" là đề tài chế giễu trên mạng trong nhiều năm qua, The New York Times nhấn mạnh đây không phải là một căn bệnh có thể chẩn đoán và không phải nam giới nào cũng vật vã như thể sắp chết khi chỉ bị cảm lạnh thông thường. Ai cũng có thể có triệu chứng nặng, bất kể giới tính. Tags: Sức khỏe y họcSức khỏeCảm cúmBệnh
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.