Dòng sông lịch sử
Hòn Kẽm Đá Dừng là một trong những địa danh nổi tiếng ở thượng nguồn sông Thu Bồn, thuộc xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, Quảng Nam.
Mỗi dòng sông đều là nhân chứng sống cho những thăng trầm của quê hương. Là nơi kể chuyện tình yêu và cả những câu chuyện hào hùng không thể nào quên. Với người yêu thương con sông Thu Bồn thì chắc chắn sẽ yêu nét văn hóa sông quê.
Dòng sông bao đời đắp bồi nên bờ bãi tốt tươi cho dân quanh sông được trở mình từ những thớ đất đầy ắp phù sa.
Ở quê tôi, người quê thường có những đám khoai, đám bắp, đậu xanh và cả những bờ dâu nằm dọc sông Thu Bồn. Đây là một trong những nguồn hoa lợi nuôi sống người dân. Khoai lang trồng xen canh với bắp, dâu hay cải xanh được gieo dưới luống đậu để cải thiện thu nhập mỗi dịp cuối năm, cận Tết.
"Mùa cuối năm, đất bồi từ hai bờ sông Thu Bồn cùng thời tiết mưa nhiều, mát dịu, ẩm cao khiến cho các loại rau thơm sinh sôi, phát triển nên người dân hai bên sông được hưởng trọn mùa rau Tết" - chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, cán bộ Hội Phụ nữ xã Quế Lâm, chia sẻ.
Về dòng sông thắm màu lịch sử này có lẽ phải kể đến nét văn hóa lễ hội bà Thu Bồn được tổ chức hằng năm ở một vài địa phương như Duy Xuyên, Nông Sơn của Quảng Nam.
Được biết, bà Thu Bồn là công chúa vua Mây. Theo truyền thuyết người dân hay kể, khi bị bao vây kinh thành, nhà vua và công chúa chạy lánh nạn, bà bị ngã ngựa chết, thi thể trôi lập lờ trên dòng sông, dân trong làng thương xót mang bà lên bờ chôn cất.
Năm đó, dân làng Thu Bồn bị đại dịch đậu mùa, ai nấy cũng cầu mong trời đất phù hộ, độ trì cho dân chúng thoát nạn, bà Thu Bồn linh ứng cứu giúp dân lành thoát khỏi đại dịch.
Lại cũng có truyền thuyết cho rằng bà Thu Bồn là nữ tướng vua Chăm rất xinh đẹp. Vị nữ tướng này có mái tóc đen dài óng mượt. Khi bị quân vua Lê đánh bại, bà phi ngựa chạy về hướng làng Thu Bồn thì mái tóc dài vướng vào chân bạch mã, bà tử nạn, thi thể trôi lập lờ trên dòng sông.
Dân chúng đưa lên khâm liệm bà bằng lá cây và nhập chốn bồng lai vào giờ ngọ, ngày 12-2. Năm đó, trời hạn hán, mất mùa, đồng khô, cỏ cháy, dân làng cơ cực, đói khổ, bà linh ứng cho mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi, mùa màng trĩu hạt.
Trong khi đó, một biến dị khác kể rằng bà Thu Bồn là nữ tướng nhà Lê, bị giặc đuổi đánh. Khi chạy đến Phường Rạnh, nay thuộc huyện Nông Sơn, thì bà ngã ngựa, bị quân thù đuổi kịp, giết chết, đẩy thi thể xuống dòng sông.
Thi thể bà trôi theo dòng nước trong xanh được một đoạn rồi tấp vào ven bờ một ngôi làng phía hữu ngạn. Bấy giờ cư dân của làng này còn thưa thớt, cuộc sống của họ chủ yếu chài lưới, trồng tỉa ven sông. Khi thấy thi thể bà nữ tướng xinh đẹp bị giặc sát hại, dân làng xúm nhau đưa bà lên bờ tổ chức khâm liệm để bà thanh thản đi vào chốn thiên thu.
Thế là vong linh người nữ tướng luôn hiện hữu trong đời sống của bà con nơi đây để độ trì cho dân lành luôn được tai qua, nạn khỏi, cuộc sống no ấm.
Bà bị giặc giết trôi trên dòng sông và được dân làng lo liệu, chôn cất với cả tấm lòng tiếc thương vô hạn nên từ đó dòng sông nhuốm máu bà và cái làng nhỏ bé bà yên nghỉ mang tên Thu Bồn... Về sau bà được các vua triều Nguyễn sắc phong "Mỹ đức thục hạnh Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần".
Dòng sông nuôi dưỡng bao lớp người xứ Quảng
Sự nuôi dưỡng của sông Thu Bồn với người Quảng đa diện, từ đời sống - kinh tế, văn hóa - tinh thần, tình yêu thi ca, văn chương...
Trong bài viết "Văn hóa Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn và vai trò của nó trong quá trình hình thành cảng thị Hội An", tác giả Nguyễn Chiều thuộc khoa lịch sử (Trường đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: Đồng bằng sông Thu Bồn không được rộng lớn và màu mỡ như Đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam hay Đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc. Nhưng nó vẫn là một vùng đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu vào bậc nhất ở miền Trung.
Về mặt địa lý, lưu vực sông Thu Bồn là một khu vực rộng lớn, bao gồm hầu như toàn bộ địa phận tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Sông Thu Bồn được hình thành bởi sự hợp lưu của một hệ thống sông ngòi chằng chịt và bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ ở phía tây, chảy ngoằn ngoèo về phía đông, qua dải đồng bằng hẹp xen lẫn núi đồi thấp rồi đổ nước ra Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Thực tế sông Thu Bồn có diện tích lưu vực rộng 10,350km2, là một trong những lưu vực sông nội địa lớn nhất Việt Nam, bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh thuộc huyện Dak Glei, tỉnh Kon Tum và đổ ra biển tại Cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn (TP Đà Nẵng).
Trước khi đổ ra biển tại Cửa Đại, một phần nước của sông chảy vào sông Trường Giang để đổ ra vịnh An Hòa Tam Quang, huyện Núi Thành.
Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia, hợp lưu tại Đại Lộc tạo thành hệ thống sông lớn có vai trò rất quan trọng đối với đời sống và tâm hồn người Quảng.
Phần lớn diện tích lưu vực sông chảy trong địa phận Quảng Nam và TP Đà Nẵng, phần thượng nguồn một phần nằm trên đất Kon Tum và Quảng Ngãi.
Tìm về nguồn gốc của sông Thu Bồn mới thấy đúng như tác giả Nguyễn Chiều nói, dòng sông đã kiến tạo nên một vùng đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu bậc nhất ở miền Trung. Người dân ở đây đã được ân hưởng rất nhiều từ dòng sông này.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Chiều, với vị thế tựa lưng vào núi ở phía tây, ngoảnh mặt nhìn ra biển ở phía đông, khí hậu quanh năm ấm áp, cây cối bốn mùa tốt tươi nên lưu vực sông Thu Bồn đã sớm thu hút được con người đến cư ngụ. Trên cơ sở nhiều cứ liệu lịch sử đã chứng tỏ nền thương mại ở khu vực này đã khá phát triển.
"Đặc biệt là sự xuất hiện những đồng tiền Ngũ Thù của Trung Quốc thời Hán ở Gò Tây An (Duy Xuyên) và Hậu Xá (Hội An) đã khẳng định chắc chắn rằng trong thời gian cận kề công nguyên, việc buôn bán ở khu vực này không chỉ dừng lại ở hình thức vật đổi vật - hình thức thương mại nguyên thủy - mà đã đạt đến trình độ cao", tác giả Nguyễn Chiều khẳng định.
Gìn vàng giữ ngọc cho muôn sau
Với những ký ức đẹp về dòng sông quê ấy, bất cứ người con xứ Quảng nào cũng mong dòng sông sẽ tiếp tục mang đến những giá trị cho người dân, đất nước. Muốn vậy, chắc chắn mỗi người cần phải nắm lịch sử quê, nuôi lớn tình yêu đối với sông nước, văn hóa dân tộc.
Phát huy các giá trị của dòng sông như các lễ hội để thu hút du lịch, kết hợp các nghề, làng sinh thái ở Quảng Nam.
Tại địa phương có hai di sản văn hóa thế giới đó là Mỹ Sơn (Duy Xuyên) và Hội An. Câu chuyện dòng sông Thu Bồn gắn liền với hai địa danh, hai điểm đến này nên chắc chắn sẽ còn rất nhiều tiềm lực để phát triển.
Giữa màu xanh cho những bãi bồi ven sông, những làng du lịch như Đại Bình (Nông Sơn) hay lễ hội bà Thu Bồn ở Duy Xuyên và Nông Sơn cần được phát triển với nét đặc sắc hơn, không chỉ là mang tính tâm linh của người làng mà nên thành sản phẩm du lịch. Năm 1997, lăng bà Thu Bồn được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Với giá trị của mình, lễ hội bà Thu Bồn có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng thượng lưu sông Thu Bồn; mang màu sắc tín ngưỡng dân gian; thể hiện lòng thành kính, tôn vinh, tri ân công đức của bà và các vị tiền nhân trong công cuộc mở cõi, lập làng; đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn.
Văn hóa còn thì dân tộc còn. Gìn vàng giữ ngọc chính là gìn giữ văn hóa cho dòng sông Thu Bồn mãi xanh trong lòng người xứ Quảng…
Sáng 14-3-2022, tại Khu di tích lăng bà Thu Bồn (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên), UBND tỉnh Quảng Nam và huyện Duy Xuyên tổ chức đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội bà Thu Bồn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận