16/08/2024 13:27 GMT+7

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 4: Theo chân ngư phủ săn cá hanh trắng sông Thu Bồn

Cá hanh trắng sông Thu Bồn toàn thân trắng phau, vẩy màu sáng bạc ánh lên giữa làn nước trong xanh được nói là loài cá hanh đẹp nhất.

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 4: Theo chân ngư phủ săn cá hanh trắng sông Thu Bồn- Ảnh 1.

Cá hanh trắng dính lưới - Ảnh: LÊ TRUNG

"Người ta nói rằng ở hạ du sông Thu Bồn có ba loài cá hanh. Cá hanh đỏ đuôi đẹp, có hai chót đuôi màu đỏ nhưng ăn tạp. Cá hanh lươm có hai chót đuôi màu đen, không ăn tạp nhưng không đẹp. Cá hanh trắng toàn thân trắng phau, vẩy màu sáng bạc ánh lên giữa làn nước trong xanh là loài cá hanh đẹp nhất.

Ngư dân quê tôi cho rằng cá hanh trắng rất... tình cảm. Chúng thường bơi theo từng cặp, một đực một cái, tìm nơi dòng nước ngọt và nước mặn giao nhau để sống. Nơi ấy, người ta gọi là nước chè hai.

Làng tôi ở hạ du sông Thu, nơi dòng nước mặn cửa biển và nước ngọt thượng nguồn giao nhau…" - trích hồi ký của Vũ Đức Sao Biển, cố nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo và nhà giáo quê Quảng Nam (đăng trên báo Quảng Nam).

Đi tìm cá hanh trắng sông Thu

Cá hanh trắng là cá gì? Lần theo những dòng viết ấy, chúng tôi tìm về quê quán của ông xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, nơi hạ du con sông Thu Bồn, để tìm loài cá được ngư dân mệnh danh đặc sản cuối dòng sông này.

Hạ du sông Thu Bồn nơi giao thoa giữa cửa biển và sông, con nước lợ lý tưởng cho loài cá hanh trắng sinh trưởng. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến ngôi làng sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, thôn Trà Đông, xã Duy Vinh nép mình bên sông Thu, nơi hàng chục hộ dân sống nghề chài lưới, đánh bắt cá hanh.

"Mùa này nước êm, tiết trời mát, cá hanh nhiều, đêm bắt ít nhất vài ký, nhiều thì hơn chục ký. Tí nữa bủa lưới, đi với tôi cho biết săn cá hanh ra sao" - anh Huỳnh Nam, một ngư dân Trà Nhiêu, rủ chúng tôi theo ghe. "Trời này đi ghe dọc sông Thu Bồn lúc chiều đẹp, mát mẻ" - anh Võ Tưởng, hàng xóm anh Nam, hồ hởi.

Ráng chiều đổ xuống dòng Thu Bồn vàng vọt, anh Tưởng cầm mái chèo bơi chiếc ghe ra giữa sông, còn anh Nam tay cầm mẻ lưới, cả hai bắt đầu một chuyến săn cá hanh trắng. "Đánh lưới cá hanh thời điểm nào trong ngày cũng được, nhưng thường chúng tôi đi buổi chiều hoặc tối bắt được nhiều cá hơn", anh Tưởng rành rọt.

Gió sông mát rượi, chiếc ghe nhỏ chầm chậm lướt trên sóng nước. Anh Nam thoăn thoắt thả mẻ lưới xuống dòng nước, anh Tưởng cầm mái chèo đập xuống thành ghe để xua đuổi cá dính lưới.

"Từ làng tôi men theo sông Thu Bồn là xuống Cửa Đại, Hội An. Đây là cửa biển, nơi giao thoa với sông Thu Bồn, nước hơi lợ nên cá hanh trắng sống nhiều. Cá rộ nhất là từ tháng chạp âm lịch đến cỡ tháng hai, ba năm sau, còn những tháng khác đánh lưới lai rai cũng có", anh Nam kể.

Chừng nửa giờ sau anh kéo lưới lên, xen lẫn những loài cá nâu, dìa, liệt là cá hanh trắng dính lưới. Anh gỡ lưới một con cá hanh với bộ vảy hơi sẫm ở phần lưng, phần bụng với bộ vảy trắng óng ánh, đặc biệt phần vây lưng hình răng cưa nhìn rất đẹp mắt.

Anh Nam nói cá hanh thuộc họ cá chép, thân hình thuôn dài, mình to, phần lưng hơi cong, vẩy xám sẫm phần trên lưng nhưng trắng từ phần bụng. Da cá khá dày, có nhiều lớp nhớt, sống ở nước ngọt, nước lợ hay nước biển đều được, nhưng ở cuối sông Thu Bồn cá có vảy trắng sặc sỡ đẹp mắt.

Nương tay chèo, anh Tưởng kể cá hanh sống chủ yếu ở vùng nước sâu khoảng 3-4m, thời điểm thích hợp thả lưới là ban đêm khi tiết trời mát dịu, gió hiu hiu, dòng nước tĩnh, ít chảy, nước đứng bắt được nhiều. "Mình thả lưới đủ nơi dọc sông, chỗ này không có thì chỗ khác. Ngoài đánh lưới thì có thể câu. Hôm qua tôi đánh lưới bắt được con nặng khoảng 1,2kg", anh Tưởng nói…

Một buổi lênh đênh trên sông, hai người kiếm được vài ký cá hanh và nhiều loại cá khác. Được ngồi ghe lướt trên sông gió mát rượi, có cảm giác bồng bềnh và thật dễ chịu.

Nơi hạ du sông Thu Bồn thơ mộng giao biển Cửa Đại, vùng nước lợ có loài cá hanh trắng đặc sản - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Nơi hạ du sông Thu Bồn thơ mộng giao biển Cửa Đại, vùng nước lợ có loài cá hanh trắng đặc sản - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Loài cá đặc sản sông Thu Bồn

Làng Trà Nhiêu với hàng chục ngư dân sống bằng nghề giăng lưới đánh cá sông Thu Bồn. Anh Nam, anh Tưởng nhìn trẻ nhưng đã có tuổi nghề ngót hai chục năm làm lưới cá, từ thời còn trai trẻ. Họ gắn thanh xuân của mình với sông nước nơi hạ du sông Thu Bồn với những loài cá đặc sản có giá trị cao, nghề lưới cá mang lại nguồn sống cho gia đình.

Anh Nam nói rằng cá hanh ngon nhất, giá trị cao nhất thì phải nói đến cá ở cuối sông Thu Bồn. Giá mỗi ký cá hanh trắng tầm 150.000 - 170.000 đồng cho loại cá trung, còn cá lớn thì giá tầm 200.000 đồng/kg.

Một đêm bủa lưới cá hanh ít thì kiếm vài ký, nhiều thì hơn chục ký, có thể kiếm vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. "Nhưng không phải lúc nào cũng bắt được vì cá hanh trắng quý hiếm, khó bắt hơn những cá khác và cá này cũng khó nuôi", anh Nam kể.

Anh Tưởng kể rằng thời điểm bắt cá hanh nhiều nhất có lẽ vào tháng chạp gần Tết, có bữa anh thả lưới được gần chục ký, kiếm được vài triệu đồng mỗi đêm. "Hôm bắt được nhiều nhất là 20kg, bán gần 4 triệu đồng", anh khoe.

Cá hanh được thương lái săn đón đầu tiên, chỉ cần bắt được là họ đến nhà mua ngay, không cần đem ra chợ bán. Và loài cá này thường có mặt ở các nhà hàng sang trọng, nơi phục vụ những thượng khách sành ăn. Thịt cá hanh trắng, thơm, ngọt thanh, không bở, chắc thịt, ít xương, hơi tanh nhẹ, giàu protein, omega 3, sắt, canxi và lượng vitamin phong phú.

Cá hanh có thể chế biến nhiều món ăn ngon như canh chua, lẩu, hấp, kho, nấu ngót, nướng, chiên xù hay nấu cháo đều được. "Cá hanh sông Thu Bồn đặc trưng món hấp là ngon nhất. Cá rất chắc thịt, ngọt thơm, mỗi lần đánh bắt về gia đình tôi chỉ ăn những con cá nhỏ, còn cá lớn vì giá cao nên chỉ để bán kiếm tiền", anh Tưởng tự hào khoe loài cá quý trên con sông quê hương.

Vùng nước của nhiều loại cá đặc sản

Con nước cuối sông Thu Bồn, nơi giao thoa giữa biển và sông tạo thành nước lợ là nơi lý tưởng cho nhiều loại cá đặc sản sinh trưởng, phát triển, có thể kể đến như cá nâu, cá hanh trắng, cá dìa. Chẳng hạn như cá nâu có giá đến 300.000 - 400.000 đồng/kg. Đây là những loại cá có giá trị cao ngất ngưởng, cũng chính vì thế mà ngư dân ở cuối sông này nhờ nghề bủa lưới mà có cuộc sống ổn định, thu nhập cao.

Đàn ông đánh cá còn những người vợ thì bán cá nhưng không cần phải đem ra chợ mà bán cá bằng mạng xã hội Facebook, Zalo. Khi chồng đánh bắt những loại cá đặc sản này chỉ cần đăng lên mạng thì rất nhanh sau đó, tiểu thương đã có mặt tận nhà thu mua. "Vợ tui còn ship những loại cá ngon này tới tận Quảng Ngãi, Bình Định, cá đánh về không đủ bán, nhất là cá hanh, cá nâu, họ rất thích ăn cá làng tôi, nơi cuối sông Thu Bồn", anh Tưởng nói.

Ở làng sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu rất gần với phố cổ Hội An nên hằng ngày có nhiều tốp khách du lịch nước ngoài đến tham quan, ngư dân lại kiêm thêm nghề lái ghe chở khách du lịch đi bủa lưới. Anh Nam kể rất nhiều lần anh chở khách lênh đênh trên sông xem anh bủa lưới, rồi họ tự tay thả lưới bắt cá. "Ấy vậy mà khách thích lắm, họ muốn thưởng thức món cá thì mình chế biến luôn, mình còn có thêm tiền boa", anh Nam kể.

-------------------------

Trường Giang, con sông dài dọc bờ biển Quảng Nam, ở hai đầu bắc và nam sông đều thông với biển, không có thượng nguồn và chẳng có hạ lưu.

Kỳ tới: Thủy thủ ghe bầu Trường Giang một thuở

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 3: Làng cổ ven sông Thu BồnChuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 3: Làng cổ ven sông Thu Bồn

Có một ngôi làng cổ với những câu chuyện thú vị đặc biệt còn được lưu giữ suốt chiều dài lịch sử lập làng cho đến nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên