14/08/2024 11:16 GMT+7

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 2: Sóng vỗ Giao Thủy

Giao Thủy, một ngôi làng nằm nép mình sau rặng tre, nơi ngã ba hai con sông gặp nhau là Thu Bồn và Quảng Huế.

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 2: Sóng vỗ Giao Thủy- Ảnh 1.

Làng Giao Thủy xanh mát trên bờ sông Thu Bồn - Ảnh: LÊ TRUNG

Nhìn từ trên cao, ngôi làng hiện ra với những dãy nhà và bãi bồi hoa màu xanh ngắt.

Làng nơi ngã ba sông

Ngôi làng ở nơi ngã ba sông ấy một thời nức tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, mang niềm nhớ của bao lớp người xa quê.

Sông Thu Bồn chảy từ thượng nguồn về đến Giao Thủy thì hợp với sông Quảng Huế tạo thành ngã ba sông. Từ đầu cầu Giao Thủy về phía huyện Đại Lộc, làng Giao Thủy nằm nép mình sau rặng tre dọc sông. Phía bên kia là xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên.

"Con tằm Đại Lộc xe tơ/ Bãi dâu Đại Lộc lờ mờ bên sông". Câu ca xưa người dân địa phương ngân nga một thuở để nói lên rằng nơi bên sông Thu Bồn này từng nổi tiếng với nghề ươm tơ.

"Người ơi Giao Thủy đôi dòng nước/ Gặp gỡ nhau chi để ngại ngùng". Giao Thủy - ngôi làng ngã ba sông ấy từng là chiếc nôi tơ tằm của Đại Lộc. Một thuở nhờ phù sa sông mẹ bồi đắp hằng năm nơi đây xanh ngát những ruộng dâu bạt ngàn và nghề nuôi tằm, ươm tơ rất thịnh, từng có Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy vang bóng một thời.

Ông Lưu Anh Rô (nhà nghiên cứu lịch sử), một người con của làng, chia sẻ Giao Thủy - đó là vùng đất gặp nhau của hai dòng sông Quảng Huế và Thu Bồn. Có lẽ vì thế nên từ rất xưa, làng này có tên là Giao Xuyên. Theo một số ghi chép của các sử gia triều Nguyễn trong cuốn Đại Nam nhất thống chí thì đến thời Minh Mạng, làng Giao Xuyên được đặt tên là Giao Thủy.

Quốc sử quán triều Nguyễn gọi đích danh làng này trong một đoạn văn sau: "Sông Quảng Huế chảy qua làng Giao Thủy thuộc huyện Diên Phước rồi hợp với Thu Bồn, qua xã Văn Ly thì nổi lên một bãi lớn dài 30 dặm (tục gọi là Gò Nổi)". Sách Đại Nam nhất thống chí viết vào triều Duy Tân (năm 1909) thì cho biết vị trí bến đò Giao Thủy ở chỗ đối ngạn với làng Cù Bàn của huyện Duy Xuyên.

Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ một thời vang bóng

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 2: Sóng vỗ Giao Thủy- Ảnh 2.

Ông Dương Văn Lâm vẫn giữ lại hơn chục chiếc nong thuở xưa gia đình nuôi tằm để làm kỷ niệm - Ảnh: LÊ TRUNG

Do là làng ven sông nên Giao Thủy là một trong những trung tâm trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ kéo kén nổi tiếng khắp Trung Kỳ xưa. Dưới thời Pháp thuộc, chủ tư bản là Délignon - người Pháp - đã đến đây mua đất, đắp đường mở tiệm ươm tơ tại Giao Thủy, thu hút hàng trăm lao động xuất thân từ nông nghiệp vào làm thuê, tạo nên "giai cấp công nhân" đầu tiên của Quảng Nam.

Ông Dương Văn Lâm (75 tuổi, dân làng Giao Thủy) kể rằng từ sau năm 1975, làng Giao Thủy thịnh nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, hầu như nhà nào cũng theo nghề. Hồi đó bãi bồi của làng hầu hết là trồng dâu, làng có gần 200 hộ theo nghề với 50ha đất chỉ dành trồng dâu, riêng nhà ông có 7 sào đất trồng loại cây này.

Ông cho hay mình từng là phó chủ nhiệm hợp tác xã phụ trách làng nghề Giao Thủy. "Lúc đó làng nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, sản phẩm xuất khẩu luôn đó", ông Lâm kể.

Theo ông, do là làng ven sông Thu Bồn, địa hình đất "tân bồi" nên qua hai trận lụt lịch sử năm 1996 và 1998, dòng sông cuồng nộ đã "bứng sạch" 35ha đất canh tác của làng Giao Thủy xưa. Thêm nữa là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây dâu cũng dần vắng bóng trên bãi bồi đồng ruộng, số người trồng dâu nuôi tằm ít dần đi và Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy cũng giải thể, từ những năm 2000 nhà máy bị bỏ hoang.

Ông Lâm dẫn chúng tôi ra nơi từng làm kho, xưởng ươm tơ một thuở của xí nghiệp. Giờ đây chỉ còn hai dãy nhà cũ kỹ, hoang tàn, như một chứng nhân cho nghề tằm tơ thời vang bóng. Còn những bãi đất trồng dâu lúc xưa thì không còn nữa, bởi sạt lở xuống sông hết rồi.

"Hàng chục ha đất đã bị sạt lở. Dòng chảy đã chuyển, nay chỉ còn bãi bồi phía bên kia bờ xã Duy Hòa là trĩu nặng phù sa với hoa màu xanh ngát", ông Lâm tiếc nuối.

Làng nghề tàn lụi nhưng trong nhà dân làng Giao Thủy vẫn giữ lại những chiếc nong tre nuôi tằm lúc xưa để làm kỷ niệm. Ông Lâm vẫn giữ lại chừng chục chiếc nong tre thuở xưa nuôi tằm, làm từ năm 1977, đến nay gần nửa thế kỷ. "Đó là kỷ niệm, tui giữ lại để nhắc nhớ con cháu làng Giao Thủy cái nghề vang bóng của làng một thời", ông Lâm bùi ngùi.

Sóng vỗ Giao Thủy vậy đó. Nhưng qua phía bên kia sông, bãi bồi ven sông xã Duy Hòa đang là những cánh đồng tươi tốt, nông dân đang cặm cụi sản xuất. Vợ chồng bà Lê Thị Chín (70 tuổi) đang tất bật thu hoạch lứa đậu cove trắng ở ruộng hơn 3 sào.

"Năm ni được mùa, trời đẹp từ trổ bông đến lúc thu hoạch. Đậu tròn nhẵn, trắng trẻo", bà Chín chia sẻ. Ngơi tay, bà nhìn ra sông nói: "Sóng vỗ từ sông nên bờ bên kia Giao Thủy sạt lở hết mà bên ni thì bồi, hoa màu tốt tươi".

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 2: Sóng vỗ Giao Thủy- Ảnh 3.

Dòng nước xanh biếc nơi ngã ba sông Thu Bồn - Quảng Huế - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Mang hồn quê ra phố

Ít ai biết, sự ra đời của mì Quảng mang thương hiệu Giao Thủy hiện có đến chín cơ sở trải từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi lại chính từ cơ duyên của đôi vợ chồng nơi ngã ba sông này.

Quá trưa, khi khách đã vãng, ông Tào Viết Mười, chủ của thương hiệu mì Quảng Giao Thủy, mới ngơi tay để tiếp chuyện. Bên ly nước chè xanh, dòng quá khứ của người đàn ông 67 tuổi miên man như con nước sông Thu Bồn: "Đến nay, nhà tui đã dành cả đời cho mì Quảng".

Ông vốn là người thôn Phú Lạc (xã Duy Hòa) phía bên kia dòng sông Thu Bồn. Vợ ông cũng tên Mười là người làng Giao Thủy, bên này sông. Từ nơi con sông quê, họ đã nên nghĩa vợ chồng.

Bấy giờ có bến đò Kiểm Lâm nối hai bờ sông, cách duy nhất qua sông là bằng đò. Bởi chiếc cầu Giao Thủy bằng gỗ đã gãy từ trước giải phóng, mãi đến năm 2017 cầu mới được xây, khánh thành. Và ngay ngã tư Kiểm Lâm, vợ chồng ông Mười đã mở quán chỉ với tên gọi bình dị như bao vùng quê nơi này: Mì Quảng.

"Vợ chồng tôi bán các loại mì, nhưng ngon nhứt vẫn là mì lươn. Đó là loại lươn bắt từ đồng Công Điền, rau thơm, cải con, bắp chuối sứ, bánh tráng... thơm ngon lấy từ làng quê mình cả. Khách ăn ai cũng tấm tắc", ông hồi tưởng.

Năm 2009, vợ chồng ông rời quê hương đến Đà Nẵng khởi nghiệp, khi đó ông ngoài 50 tuổi. Đặt chân xuống phố, họ quyết định chọn tên làng Giao Thủy để đặt tên mì Quảng Giao Thủy khắc ghi khởi nguồn nơi họ đã yêu nhau. "Mất 5 năm đầu chật vật mọi thứ mới dần ổn định", ông Mười nói.

Ông Tào Viết Mười, chủ của thương hiệu mì Quảng Giao Thủy - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Ông Tào Viết Mười, chủ của thương hiệu mì Quảng Giao Thủy - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Những buổi đầu, mỗi chiều ông lại chạy xe máy hơn 35km về quê lấy gà, lươn, rau rồi chở xuống Đà Nẵng. Tối đến, hai vợ chồng lọ mọ nhặt nhạnh từng cọng rau, rạng sáng hôm sau thức dậy nấu mì.

Ông kể có những hôm chạy xe mệt, phải ghé dọc đường mua hai trái bắp nướng để vừa đi vừa ăn cho đỡ buồn ngủ. "Một thời gian sau, chúng tôi thuê đất để trồng rau, tự tráng mì luôn", ông tâm sự.

Trải qua tháng ngày vất vả, nay vợ chồng ông và các con gây dựng được chuỗi mì Quảng Giao Thủy. Không chỉ phục vụ người dân địa phương mà du khách thập phương, kể cả khách nước ngoài cũng ghé đến thưởng thức hương vị mì Quảng khởi nguồn từ đôi bờ Giao Thủy. Nhiều khách phương xa khoái món này nên hằng tuần, mì Giao Thủy đều đóng thùng gửi ra Hà Nội.

Nhấp ngụm chè xanh, ông Mười nhìn ra cửa nói: "Đi mô cũng nhớ về quê. Vợ chồng tôi không chỉ lấy tên Giao Thủy để đặt tên quán, mà đứa con đầu cũng tên là Thủy. Nhắc để luôn nhớ nguồn cội".

Đưa mì Quảng bình dân vào APEC

Khi diễn ra buổi tiệc chiêu đãi chính thức APEC CEO Summit với sự tham gia của gần 1.200 đại biểu tại cung Tiên Sơn (Đà Nẵng) vào tối 9-11-2017, có 1.300 tô mì Quảng được phục vụ.

Được giao trọng trách cung cấp 1.300 tô mì Quảng cho buổi tiệc đó là quán mì Quảng Giao Thủy trên đường Ba Đình, Đà Nẵng. Và đó là quán mì của vợ chồng ông Tào Viết Mười.

-------------------------

Bờ nam dòng sông Thu Bồn có một làng cổ mang tên Mỹ Xuyên với những câu chuyện thú vị đặc biệt còn được lưu giữ suốt chiều dài lịch sử lập làng đến nay.

Kỳ tới: Làng cổ ven sông Thu Bồn

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 1: Trái quý Nam trân ở thượng nguồn Vu GiaChuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 1: Trái quý Nam trân ở thượng nguồn Vu Gia

Mọc ở đồi núi ven sông Vu Gia, trái lòn bon còn gọi là bòn bon, loòng boong hay cái tên mỹ miều Nam trân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên