Quảng Nam, rẻo đất miền Trung với sông ngòi dày đặc. Trong đó ba hệ thống sông chính gồm Vu Gia, Thu Bồn và sông Trường Giang rất quan trọng để sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, huyết mạch giao thương hàng hóa xưa nay.
Mỗi dòng sông là những dòng chảy văn hóa, lịch sử mang nhiều sắc màu độc đáo.
Tuổi Trẻ góp nhặt những câu chuyện bên các dòng sông xứ Quảng một thuở, bây giờ với nhiều lát cắt thú vị về hành trình đời sông, phận người.
Hội Khách, Tân Đợi, Đồng Chàm, Đầu Gò (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) là những vùng đất nằm ở phía thượng nguồn sông Vu Gia, nơi hợp lưu giữa ba sông Cái, Bung và Vu Gia. Nơi đây từ xưa đến nay, dân làng còn lưu giữ truyền thuyết về một loại trái mọc ở đồi núi ven sông Vu Gia: trái lòn bon, bòn bon, loòng boong, hay cái tên mỹ miều Nam trân.
Chuyện trái Nam trân nuôi người qua cơn đói
"Đại Lộc ơi, nhớ lại ngày xưa. Chuyện trái Nam Trân nuôi người qua cơn đói". Lời trong bài hát Đại Lộc quê mình của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa mà người dân địa phương thường hay hát hoặc truyền miệng câu: Đói lòng ăn trái lòn bon.
Người dân thượng nguồn Vu Gia đến nay vẫn còn nhắc nhớ truyền thuyết về trái Nam trân hay trái lòn bon gắn với vua triều Nguyễn.
Tương truyền, lúc công tử Nguyễn Phúc Ánh chạy theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam, không may bị quân Tây Sơn phát hiện, phải trốn lên thượng nguồn Ô Gia (tức Vu Gia). Nhiều ngày lẩn trốn, lương thực cạn kiệt, may thay giữa lúc đó họ gặp ở rừng có loại trái cây rất ngon ngọt, làm dịu cơn khát, đỡ đói.
Sau này khi lên ngôi, vua lấy niên hiệu Gia Long, ban tên cho trái ấy là Nam trân, có nghĩa là trái quý ở phương Nam, dân xứ Quảng gọi là lòn bon, cây còn có tên gọi khác là phụng quân mộc (cây gặp vua).
Triều Minh Mạng quy định mỗi kỳ trái chín phải tiến vua, ban hành quy chế riêng đối với các khu rừng lòn bon và đặt chức Quản Nam Trân để quản lý vườn cây trái thiên nhiên này, có quyền huy động dân đinh ba xã Tân Đợi, Hội Khách, Hữu Trinh (thuộc khu vực phía tây huyện Đại Lộc ngày nay) canh giữ vườn trái.
Khi đúc bộ Cửu đỉnh, vua Minh Mạng cho khắc hình tượng cây Nam trân ở tầng trên của Nhân đỉnh.
Cũng theo truyền thuyết, Vua Gia Long ra lệnh xả trái vào mùa lòn bon hằng năm, từ đó vùng Đại Lộc mới có lệ ngày xả trái đông vui để dân vào rừng hái ăn, đó là ngày 14 tháng 8 âm lịch hằng năm. Trong dân gian tương truyền câu thành ngữ "nhất trường thi, nhì trường trái" ám chỉ sự náo nức như lễ hội về vụ thu hoạch lòn bon.
Thực hư truyền thuyết khó đoán định nổi, tuy nhiên về lệ ngày xả trái thì có thật, đến nay người dân thượng nguồn sông Vu Gia vẫn truyền nhớ rõ mồn một.
"Vườn trái Nam trân ở phía thượng nguồn sông, nơi giáp giữa thôn Đồng Chàm và Đầu Gò. Lúc xưa đến ngày xả trái, mẹ thường hay chèo ghe chở tôi lên đó hái ăn", ông Lương Minh (52 tuổi, người dân thôn Hội Khách) chỉ tay ngược về phía núi.
Theo chân ông, từ cầu Hội Khách chúng tôi men theo con đường bê tông dọc sông để đến vườn trái Nam trân thuở xưa. Nhìn từ trên cao, sông Vu Gia như một dải lụa mềm xanh màu ngọc bích, dọc hai bên là những cánh đồng lúa xanh rờn.
Đến thôn Đồng Chàm, nơi có những dãy núi xếp chồng lên nhau in bóng xuống sông, ông Minh nói đó là vườn trái Nam trân, lúc xưa có nguyên khu rừng lòn bon tự nhiên mọc và cũng là nơi chính quyền tổ chức ngày xả trái.
"Nhìn vậy thôi chứ đến vườn phải qua đò, đi bộ cỡ một giờ đồng hồ nữa mới đến", ông Minh nói.
Đông vui như lệ xả trái
Theo người dân, cây lòn bon cao khoảng 10-15m, trái hình tròn đường kính khoảng 5cm, vỏ dẻo, cơm màu trắng đục, chia thành 5-6 múi, mỗi múi có một hột. Vị hơi chua, khi chín thì ngọt hơn, trái kết thành chùm ở thân cây, cành. Đến mùa trái rộ nhất, chín vàng đẹp mắt từ tháng 7, tháng 8 và kéo dài đến tháng 10.
Là dân gốc thôn Đồng Chàm, bà Nguyễn Thị Hoàng (56 tuổi) vẫn nhớ như in thuở xưa lúc còn nhỏ theo cha mẹ tham gia lệ xả trái Nam trân.
Những năm sau ngày đất nước thống nhất, lúc đó bà chừng hơn 10 tuổi, đến ngày xả trái vào giữa tháng 8 âm lịch, dân nườm nượp đổ vào rừng lòn bon ở Đồng Chàm. Người dưới xuôi chèo ghe ngược sông Vu Gia tham gia, đông vui như hội, ghe thuyền tấp nập cả một đoạn sông dài.
Lúc đó vườn trái dưới sự quản lý của chính quyền địa phương, cử du kích xã trông coi, chỉ đến ngày xả trái vào giữa tháng 8 mới cho người dân vào rừng hái trái.
"Đến ngày xả trái, họ bán vé để dân mua vào rừng hái trái. Lúc đó những cây lòn bon tự nhiên cao lắm, muốn hái phải trèo. Người dân chỉ hái vừa đủ đem về ăn, trái vàng óng, có vị ngọt thanh, ít chua, càng ăn càng ghiền", bà Hoàng nhớ lại.
Còn bà Nguyễn Thị Trúc (91 tuổi, mẹ của ông Minh) kể lại rằng mỗi lần đến lệ xả trái, dân ba xã Lục Ninh, Lục Vĩnh, Lục Bình (tức là tên cũ của các xã Đại Sơn, Đại Lãnh, Đại Hồng bây giờ) đi đông như trẩy hội. Mỗi lần hái xong, người dân nộp tiền cho quản lý vườn trái của chế độ cũ.
"Trái Nam trân lúc đó ngon ngọt, có thêm vị chua, dân làng thích ăn vì mỗi năm chỉ một lần được nếm vị của trái", bà kể.
Bà nhớ thời kỳ trước năm 1975, mỗi lần dân làng chạy lánh chiến sự trên rừng, khi lương thực đã cạn kiệt thì bà con hái trái lòn bon ăn trừ cơm như là một cách chống đói.
Trải qua bể dâu, chiến tranh tàn phá cũng như sự khai thác bừa bãi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà rừng lòn bon thượng nguồn Vu Gia bị tàn phá, hư hại nặng nề. Giờ vẫn có một số cây lòn bon trên rừng nhưng số lượng ít, do người dân phá để trồng cây keo, cây dứa. Tự bao giờ, lệ xả trái cũng ngừng hẳn.
"Cách đây hơn chục năm thì trên rừng vẫn còn nhiều cây. Nhưng giờ đây mỗi khi đến mùa vẫn thấy bóng dáng người dân lên vườn trái hái lòn bon, nhưng số lượng cây tự nhiên còn rất ít, phải đi sâu vào khu rừng mới tìm thấy quả ngon", ông Nguyễn Thanh Tuấn (44 tuổi), dân làng Đồng Chàm, kể.
Cách đây hơn chục năm, để bảo tồn loại trái quý hiếm này, chính quyền huyện đã triển khai dự án phục hồi rừng cây bòn bon tại thôn Đồng Chàm, hỗ trợ cây giống để dân trồng. Tuy vậy, dân làng kể rằng sau nhiều năm cây cũng chết dần, hiện số lượng trên rừng còn ít và họ tiếc nuối rừng Nam trân quý một thuở, lệ xả trái giờ đây chỉ còn hiển hiện trong ký ức người làng.
Không chỉ có ở thượng nguồn Vu Gia của huyện Đại Lộc, mà hiện nay cây lòn bon cũng đã được trồng ở những địa phương khác của tỉnh như Tiên Phước, Nam Giang, Đông Giang.
Theo người dân, có một đặc điểm trái lòn bon ở Đại Lộc khác với những địa phương là vị đậm đà hơn, đó là vị của núi rừng tự nhiên chứ không phải loại cây dân trồng vườn đồi.
--------------------------
Giao Thủy, ngôi làng nơi ngã ba sông Thu Bồn và Quảng Huế hội nhau với bãi bồi một thời nức tiếng vườn dâu.
Kỳ tới: Sóng vỗ Giao Thủy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận