31/01/2017 14:10 GMT+7

Chuyện bên cội mai vàng xóm Cống dân mạng đang rôm rả

HOÀNG TIẾN
HOÀNG TIẾN

TTO - Những ngày tết Đinh Dậu 2017 này, trên mạng xã hội loan truyền hình ảnh cội mai vàng độc đáo mà nhiều người hào hứng gọi là Lão mai vàng hoặc Cụ mai vàng.

Vợ chồng ông Ba Đối bên cây mai cổ thụ - Ảnh: HOÀNG TIẾN

Có người phong luôn cho cây mai này là Cội mai vàng huyền thoại.

Đó là cây mai vàng 5 cánh quen thuộc với sắc vàng rực rỡ. Chiều cao tới đỉnh ngọn mai khoảng 6m, chiều cao tán lớn của gốc mai hơn 4m, đường kính tán rộng hơn 6m. 

Gốc mai sần sùi với nhiều nu sáp hình móng lạ lẫm, chu vi gốc mai đo được 102cm. Cây mai vàng này hiện thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Đối,  68 tuổi, ở ấp Đông Hậu, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long. Ông thứ ba nên người trong vùng gọi là Ba Đối.

Điều hấp dẫn lớn nhất ở gốc mai này khiến nhiều người thốt lên rằng họ cảm thấy “nín thở” vì vẻ đẹp tự nhiên của gốc mai. Chưa hẳn là một gốc mai bề thế nhất nhưng cội mai vàng này chứa chất trong nó một phong thái tự nhiên,  có cái “hồn cốt”  của miệt vườn quê, tự nhiên mà chan chứa.

Gốc mai cổ thụ - Ảnh: HOÀNG TIẾN

Ngày tết, châm chén trà, ông Ba Đối kể về cây mai vàng và cội rễ vùng đất mình đang sống: “Cây Mai này ba tôi trồng lâu lắm rồi, thời tôi chưa ra đời. Đất này là vùng đất ba tôi và bác tôi  phát cỏ lác, cỏ năng ... cao lút đầu người để khai phá. Những đêm trăng sáng, hai người thức thâu đêm mà phát ruộng.

Sau đó, ba tôi dựng cái chòi, cột làm bằng cây đủng đỉnh, loại cây chỉ tồn tại được khoảng một mùa mưa nắng. Thời đó, mái chòi lợp rơm hoặc lá dừa nước, chủ yếu là nơi trú mưa nắng, canh giữ lúa lúc vào vụ mùa, làm cỏ, bón phân, hái gặt. Quanh chòi người ta trồng cây bầu cây bí làm thức ăn. Còn tôm cá thì ... thiếu gì. Ba tôi phát đất một hồi đã bắt đầy rắn rùa, riêng cá thì con lớn mới bắt, cá nhỏ thả đi.

Buổi tối, ba tôi bơi xuồng tam bản đi nơm cá trê bầy. Một bầy cá có thể nổi lên táp mồi rợp cả một vùng nước vài thước vuông. Một cái nơm lớn chụp xuống có khi đầy xuồng cá. Khuya, ông bơi xuồng về, cả nhà phải thức dậy phân loại cá mắm....”.

Cứ thế, câu chuyện trải dài theo ký ức ông Ba Đối. Đó là cái thời hào phóng của đất đồng: ngó lên trời là chim bay, ngó xuống nước là cá tôm rùa rắn. Khai đất, cấy mạ là lúa đầy bồ. Cuộc đời sung sung túc và con người sống giản đơn. 

Nhưng hẳn giữa đông nước mênh mông khi mùa tết kề, cơn gió chướng kéo nước nổi lên, tâm hồn người xao động mơ mộng tí với nhánh mai vàng mang sắc tết phương nam.

Cây mai nhà ông Ba Đối có thể là hạt trôi dạt theo thân đủng đỉnh hay dấu chân chim, rồi nảy mầm bám rễ, rồi được người cha thuận tay đắp bồi gò đất, rồi lặng lẽ lớn lên trong góc chòi lá, sau này thành căn nghiệp của cháu con.

Nó lớn lên, chứng kiến mọi đổi thay của xóm Cống Cây Gòn. Hết chiến tranh đến mừng hòa bình, rồi sau đó đến thời tập đoàn, con người uể oải làm theo nhịp kẻng, trống ơ hờ cho đến khi rã tập đoàn, đất đai trở lại sinh khí mần ăn tự do thoải mái.

Xưa xóm Cống đi lại bằng ghe xuồng, giờ chuyển dần sang xe đạp, xe máy, rồi có cả những lứa cháu con học hành thành luật sư, tiến sĩ.... xứ sở từ quê mùa lên thành thị xã mà đất đồng vẫn hẻo lánh và chưa giàu.

Cội mai vàng vẫn khiêm nhường trong góc sân ít người biết đến. Cho đến khi nó xuất hiện trên mạng xã hội, tất cả mọi người nín thở la lên: Sao có "lão mai" đẹp như thế mà mình không biết?

Ông Ba Đối cười hề hề: "Cuộc sống vốn nó tự nhiên, hãy để nó khoe sắc chú à. Làm quá thì mất tự nhiên. Lúc trước có dạo đồn quy hoạch xóm này thành khu công nghiệp, lập tức có người dẫn dân chơi mai tới nói nếu anh không bán đi mai mốt họ lấp đất chết hết. Tui cười nói mọi thứ là ký ức ông bà, mồ hôi nước mắt, đâu phải ai muốn lấp là lấp?" 

Tin mới nhất là khu công nghiệp đã quy hoạch bên kia sông. Cây mai mùa này vẫn ngạo nghễ vươn mình oằn nhánh nở bông vàng rực. Dù trăm công ngàn viêc vụ tết với vườn bưởi năm roi, chanh không hạt... vợ chồng ông Ba Đối vẫn dành sáu ngày công lặt từng chiếc lá để cội mai vàng bung nở đúng ba mươi tết, chờ đón phút giao mùa mới cũ.

Cội mai vững bền như lòng người, chung thủy như miền đất đồng phì nhiêu, giàu có hay nghèo khó vẫn hào phóng ban tặng cho đời những mùa tết ngọt ngào. Ở đó, những biến động thời gian chỉ làm nó trưởng thành và đậm đà thêm. Vẫn chờ đợi như một niềm mong mỏi tương lai mùa xuân xứ này sẽ đổi thay để đời người nông dân bớt khổ hơn cha ông mình.....

Nụ cười miền Tây của ông Ba Đối bên cây mai cổ thụ - Ảnh: HOÀNG TIẾN
Rục rỡ lão mai ngày tết Đinh Dậu 2017 - Ảnh: HOÀNG TIẾN

 

 

HOÀNG TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên