27/12/2024 16:19 GMT+7

Chuyến bay giải cứu: Cựu phó giám đốc sở nói ‘làm vì thương bà con’ bị tuyên 12 năm tù

Cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên khai coi 'chuyến bay giải cứu' là cơ hội để kiếm thêm thu nhập và làm vì thương bà con, bị tòa tuyên 12 năm tù với cáo buộc nhận tổng số tiền 7,7 tỉ đồng.

Cựu phó giám đốc sở nói ‘cơ hội để kiếm thêm thu nhập’ bị tòa tuyên - Ảnh 1.

Cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên bị tòa tuyên mức án cao nhất trong vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 - Ảnh: GIANG LONG

Sau 4 ngày xét xử và nghị án, chiều 27-12 Tòa án nhân dân Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2.

Cựu phó giám đốc sở lãnh án cao nhất trong vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Ông Trần Tùng (cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) bị tòa án tuyên 5 năm tù về tội nhận hối lộ, 7 năm tù về tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt 12 năm tù.

Ông bị đề nghị mức án cao nhất trong 17 người bị đưa ra xét xử.

Cùng tội nhận hối lộ có bốn người cùng bị tuyên 2 năm tù, gồm: Nguyễn Văn Văn (cựu phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam); Lê Ngọc Tường (cựu phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam); Lê Thị Phượng (nguyên chuyên viên phòng khoa giáo văn xã Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương) và Trần Thị Quyên (giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt).

Tòa tuyên án 17 người trong vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Riêng ông Nguyễn Mạnh Trường (nguyên chuyên viên phòng vận tải hàng không Cục Hàng không Việt Nam) bị tòa tuyên 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội nhận hối lộ.

Ông Vũ Hồng Quang, cựu phó phòng vận tải hàng không Cục Hàng không Việt Nam, lãnh 3 năm 6 tháng tù về tội đưa hối lộ. Ở giai đoạn một vụ chuyến bay giải cứu ông bị tuyên 4 năm tù, tòa buộc ông chấp hành bản án chung là 7 năm 6 tháng tù.

Cựu phó giám đốc sở nói ‘cơ hội để kiếm thêm thu nhập’ bị tòa tuyên - Ảnh 2.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 - Ảnh: GIANG LONG

Ông Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ công an, bị tòa tuyên 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội che giấu tội phạm.

Nhóm người bị cáo buộc đưa hối lộ cùng bị tuyên 2 năm tù, gồm: Nguyễn Mạnh Cương (cựu trưởng phòng thương mại điện tử, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet), Bùi Đăng Khoa (giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du Ngoạn), Trương Thị Mỹ Dung (giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ du lịch Ánh Sao Thiên), Phạm Quốc Thắng (giám đốc Công ty TNHH PNR), Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do).

Ông Đặng Nhật Đức (giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan) lãnh 3 năm tù về tội đưa hối lộ.

Hai người được tòa cho hưởng án treo, gồm: Trần Thị Ngân (chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Ana Travel) 18 tháng tù cho hưởng án treo, và Trần Minh Phụng (giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch và xây dựng Gia Huy) 12 tháng tù cho hưởng án treo.

Thỏa thuận ăn chênh lệch mỗi chuyến bay tiền tỉ

Hội đồng xét xử nhận định vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 là vụ án tham nhũng, chức vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm thay đổi tính nhân văn trong chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong hoàn cảnh người dân bị mắc kẹt trong đại dịch.

Chuyến bay giải cứu: Cựu phó giám đốc sở nói ‘làm vì thương bà con’ bị tuyên 12 năm tù - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Văn, cựu phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG

Tòa án cáo buộc, thời điểm COVID-19 bùng phát, từ cuối năm 2020 - 2022, ông Tùng khi đó là phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao cùng với Trần Thị Quyên đề xuất UBND tỉnh cho phép công dân từ Nhật Bản về nước được cách ly tại địa phương.

Ông Tùng đã thỏa thuận với doanh nghiệp mức giá dịch vụ trọn gói 18 triệu đồng một công dân về nước cách ly tại Thái Nguyên, nhưng giá ghi trên hợp đồng chỉ từ 10-12 triệu đồng một người. Số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng sẽ được chuyển lại cho Trần Tùng.

Theo thỏa thuận trên, mỗi chuyến bay đưa công dân về nước và cách ly tại Thái Nguyên, cựu phó giám đốc sở "ăn chênh" cả tỉ đồng.

Với sự giúp sức của Trần Thị Quyên thông qua việc ký kết hợp đồng trọn gói dịch vụ cách ly y tế cho công dân về nước, cựu phó giám đốc sở đã 3 lần nhận hối lộ của doanh nghiệp với tổng số tiền 4,4 tỉ đồng.

"Vì vậy, hành vi của Trần Tùng đã cấu thành tội nhận hối lộ, và hành vi của Trần Thị Quyên phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức", bản án nêu.

Ông Tùng còn bị cáo buộc qua 7 chuyến bay kết hợp với doanh nghiệp, đưa 1.400 công dân từ Nhật Bản về Thái Nguyên cách ly và đã hưởng lợi 3,27 tỉ đồng.

Chuyến bay giải cứu: Cựu phó giám đốc sở nói ‘làm vì thương bà con’ bị tuyên 12 năm tù - Ảnh 4.

Sau 4 ngày xét xử và nghị án tòa đã ra phán quyết với 17 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 - Ảnh: GIANG LONG

Trước đó ở phiên xét hỏi vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2, ông Tùng biện minh cho hành vi nhận hối lộ, hưởng lợi tổng 7,7 tỉ đồng, ông Tùng nói nhận thức đây là "cơ hội kiếm thêm thu nhập".

Tự bào chữa, ông Tùng cho rằng bản thân đã mặc cả với doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ trọn gói 14 ngày cách ly với mức giá "bị cáo nghĩ rằng là hợp lý" và "mong muốn có lợi nhuận ở mức độ phù hợp".

Đến khi ra tòa, ông Tùng khai đã nhận thức được hành vi của mình là nhận hối lộ. Bị cáo xin nhận tội, hết sức ăn năn hối hận.

Chi phí đưa mỗi công dân về nước bị nâng giá từ 10 triệu lên 3.000 USD

Ông Vũ Hồng Quang, cựu phó phòng vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải), bị cáo buộc có mối quan hệ với cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên trong quá trình phối hợp làm việc đợt dịch COVID-19.

Kiên trao đổi với Quang về khả năng xin được giấy phép cho các chuyến bay đơn lẻ, với giá 10 triệu đồng mỗi khách.

Ông Quang đã trao đổi với Nguyễn Mạnh Cương (cựu trưởng phòng của Vietjet) và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) về việc có thể xin văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ. Tuy nhiên, người này "nâng giá" chi phí đưa công dân về nước lên 2.000 - 3.000 USD/người.

Sau đó ông Cương, ông Dũng trao đổi với các giám đốc doanh nghiệp tư nhân làm dịch vụ đưa người về nước tránh COVID-19, yêu cầu tập hợp hồ sơ các công dân có nhu cầu. Tuy nhiên, mức chi phí được thỏa thuận chênh lên từ 100 - 500 USD/công dân.

Ông Quang bị cáo buộc đã thỏa thuận và đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên 10 triệu đồng một công dân để có được văn bản chấp thuận cho công dân về nước.

Tổng cộng ông Quang đã đưa hối lộ gần 7,5 tỉ đồng cho Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 624 công dân về nước. Qua đó ông Quang hưởng lợi gần 20 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, bị cáo đã nộp lại 19,8 tỉ đồng khắc phục hậu quả.

Trước đó, vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 1 bị đưa ra xét xử năm 2023, 54 người bị xét xử về nhiều tội danh.

Bản án đã có hiệu lực, tuyên 3 người nhận hối lộ nhiều nhất vụ án là án chung thân gồm cựu thư ký thứ trưởng Y tế Phạm Trung Kiên, cựu phó phòng tham mưu Cục quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) Vũ Anh Tuấn và cựu cục trưởng Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan.

Những người còn lại lĩnh 15 tháng tù (án treo) tới 20 năm tù.

Cựu phó giám đốc sở nói ‘cơ hội để kiếm thêm thu nhập’ bị tòa tuyên - Ảnh 5.Xử vụ chuyến bay giải cứu: Cựu phó giám đốc sở bảo làm vì 'thương bà con' nhưng nhận gần 8 tỉ

Tự bào chữa tại phiên tòa vụ chuyến bay giải cứu, cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên nói tổ chức cho công dân cách ly vì “thương bà con” và mong muốn “có lợi nhuận ở mức độ phù hợp”. Ông bị cáo buộc nhận tổng số tiền 7,7 tỉ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên