Chiều 20-7, nhóm bị cáo là các chủ doanh nghiệp bị xét xử tội "đưa hối lộ" trong phiên tòa vụ chuyến bay giải cứu được tự bào chữa, tranh luận với quan điểm buộc tội từ cơ quan công tố.
Trong phần tự bào chữa, bà Trần Thị Mai Xa, giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục Masterlife, dùng từ "rất giận" với việc gây khó dễ từ cán bộ Cục Lãnh sự, Cục Quản lý xuất nhập cảnh khiến bà "không có sự lựa chọn khác", lần đầu tiên được cấp phép chuyến bay giải cứu là do đã chi tiền "bôi trơn" nên những lần sau "cứ theo thông lệ".
Phiên tòa 'chuyến bay giải cứu': 'Lần đầu ép phải đưa rồi, lần sau cứ thế phải đưa thôi'
"Phải làm theo cơ chế cảm ơn đi"
Tại tòa, bà Mai Xa giãi bày muốn trình bày cụ thể hơn bối cảnh xin cấp phép chuyến bay giải cứu bị gây khó khăn, bị bức ép "không còn lựa chọn nào khác", chỉ để cảm thấy nhẹ lòng hơn.
Nữ giám đốc đề nghị hội đồng xét xử và viện kiểm sát kiểm tra một số bút lục, tài liệu lưu trong hồ sơ vụ án thể hiện giai đoạn đầu khi xin cấp phép chuyến bay giải cứu bị Cục Quản lý xuất nhập cảnh từ chối dù đã có sự đồng ý của ba bộ khác.
Bà Xa trần tình khi làm hồ sơ, doanh nghiệp đã phải đóng tiền cọc thuê máy bay, nhưng vẫn bị từ chối, bị gây khó dễ. "Bị cáo từng bị mất chuyến bay và phải bán nhà để mua chuyến khác", bà Xa nói.
Rơi vào hoàn cảnh như vậy, khi tiếp tục xin cấp phép chuyến bay, dù Cục Lãnh sự đã đồng ý nhưng vẫn nói còn vướng mắc ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh nên "yêu cầu bị cáo liên hệ với bên đó", lời bà Xa.
"Lúc đó bị cáo rất run, như chim sợ cành cong, không còn nhà để bán", bà Xa trình bày cảm xúc của mình khi bị gây khó dễ xin cấp phép chuyến bay.
Tiếp tục trình bày, bà Xa cho biết đã tìm cách liên lạc với ông Vũ Sỹ Cường (cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh) thì được xác nhận là khó có ý kiến đồng thuận cho hồ sơ của Masterlife.
Thế nhưng lý do của việc khó mà ông Cường nói với bà Xa là "sếp không biết doanh nghiệp của em là ai". Bà Xa nói "khi đó trong lòng bị cáo rất ấm ức, mình đang làm những điều tốt, làm theo chủ trương nhân đạo của Nhà nước mà giờ bị từ chối chỉ vì 'sếp không biết doanh nghiệp em là ai'".
Bà Xa khẳng định Vũ Sỹ Cường cũng "mở lối" cho bị cáo muốn giải quyết nhanh phải "làm theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì sẽ khó lắm".
Đứng trước tình thế "không còn sự lựa chọn nào", bị cáo phải đi xoay tiền thì mới được ý kiến đồng thuận từ các cơ quan ban ngành, lời của bà Xa tại tòa.
Nữ giám đốc tiếp tục nói "bị cáo rất ấm ức" bởi ý kiến đồng thuận cho các doanh nghiệp là trách nhiệm của các bộ ngành, chứ không phải để doanh nghiệp phải đi xin.
"Lẽ ra Cục Lãnh sự phải giải quyết, chứ không phải bị cáo. Bây giờ đứng đây bị cáo rất giận, giận các anh chị ở Cục Lãnh sự lắm", bà Xa nói và cho rằng sự gây khó dễ của các bộ ngành "là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sai phạm của bị cáo".
Mỗi chuyến bay giải cứu chở 10 hũ tro cốt của đồng bào
Bà Xa tiếp tục trình bày về những việc bị gây khó dễ trong quá trình xin cấp phép chuyến bay giải cứu và dẫn đến "phải đưa tiền trong vô thức".
"Bị cáo làm một cách vô thức, không hề cảm nhận được. Nhưng vì lần đầu đã như thế, thì lần sau cũng phải đưa thôi, nó như một thông lệ", bị cáo trình bày.
Tiếp tục bào chữa, bà Xa cho biết trên những chuyến bay giải cứu do công ty của mình thực hiện, mỗi chuyến có 240 chỗ thì có khoảng 10 hũ tro cốt của những công dân tử vong vì dịch bệnh được đưa cùng về nước.
Kể câu chuyện trên, bà Xa tiếp tục nhắc lại chuyện bị gây khó dễ, khi hỏi cựu cán bộ công an Cường vì sao không cấp phép thì được trả lời do "chưa có sự cấp thiết".
"Bị cáo hỏi rằng trong lúc dịch bệnh cả thế giới hoảng loạn thì thế nào là cấp thiết? Hũ tro cốt những người chết vì dịch được mang về chỉ 10 người, nếu một nửa chuyến bay là tro cốt thì có cấp thiết hay không?", bà Xa đặt vấn đề và tiếp tục nói rất ấm ức "vì làm những việc tốt cho đồng bào mà bị gây khó khăn".
Gửi lời đến những cựu quan chức nhận hối lộ, bà Xa nói: "Hôm nay các anh có nhận ra lỗi lầm của mình nhưng trong lòng em cảm thấy rất trách. Đấy là cảm nhận của bị cáo trước phiên tòa hôm nay. Những gì không dám nói ra đã nói hết rồi".
Cuối phần trình bày, bà Xa giải thích thời điểm xin cấp phép chuyến bay giải cứu đã "có cái nhìn hơi sai về chính quyền" dẫn đến thực hiện hành vi sai phạm, nên mong hội đồng xét xử "có cái nhìn cảm thông" và khoan hồng với bị cáo cũng như "các anh chị em đồng nghiệp là khối doanh nghiệp" bị đưa ra xét xử.
Bào chữa cho bà Xa, luật sư cũng đưa ra lập luận quá trình xin cấp phép chuyến bay giải cứu, thủ tục gặp muôn vàn khó khăn. Thời điểm đó, nhiều địa phương không đón khách cách ly, rất thiếu khách sạn cho công dân Việt Nam về nước.
Vì thế, doanh nghiệp muốn đón khách đưa về nước phải đặt cọc khách sạn trước cả tháng. Việc cấp phép chuyến bay chậm trễ đã khiến bị cáo Mai Xa khi lần đầu tổ chức chuyến bay đã bị mất toàn bộ 1,5 tỉ đồng tiền đặt cọc khách sạn. Bị cáo đã phải bán nhà để bù khoản lỗ này.
"Nhưng những khó khăn đó chưa là gì so với sự nhũng nhiễu của những công chức nhà nước. Họ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, đòi chi mỗi chuyến 150 triệu đồng. Việc doanh nghiệp phải đưa tiền cho nhiều người ở nhiều cơ quan nhà nước, đó là rào cản đáng sợ", lời luật sư.
Theo cáo trạng, quá trình tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu, Trần Thị Mai Xa đã sử dụng pháp nhân của 4 công ty tổ chức được 18 chuyến bay.
Để được giải quyết cấp phép các chuyến bay giải cứu, từ tháng 6-2021 đến tháng 1-2022, bà Xa đã liên hệ, đặt vấn đề và đưa hối lộ cho 8 cá nhân có thẩm quyền, tổng số 19 lần, số tiền 8,1 tỉ.
Cụ thể bà Xa đã đưa hối lộ cho Vũ Sỹ Cường 2,1 tỉ, đưa cho Vũ Anh Tuấn (cựu phó phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh) 20.000 USD, đưa cho cựu cục trưởng Cục Lãnh sự 55.000 USD…
15h30 phiên tòa nghỉ, ngày mai tiếp tục với phần nêu quan điểm đối đáp từ viện kiểm sát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận