12/07/2018 19:09 GMT+7

Chuyện bảo tồn kiến trúc Pháp ở Huế lại nóng phiên chất vấn HĐND

M. TỰ - NHẬT LINH
M. TỰ - NHẬT LINH

TTO - Vấn đề bảo tồn quỹ kiến trúc Pháp tại TP Huế đã nóng trở lại trong phiên chất vấn của HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế chiều 12-7.

Chuyện bảo tồn kiến trúc Pháp ở Huế lại nóng phiên chất vấn HĐND  - Ảnh 1.

Nhà thờ Dòng chúa cứu thế xây năm 1959 nhưng vẫn có tên trong danh sách 27 công trình tiêu biểu - Ảnh: NHẬT LINH

Chất vấn về quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu tại thành phố Huế để bảo tồn mà dư luận đang rất quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị UBND tỉnh cho biết các tiêu chí để lựa chọn 27 công trình này.

Bảo tồn công trình "mang giá trị kiến trúc Pháp" hay là "kiến trúc xây dựng thời Pháp"?

Ông Hoàng Hải Minh - giám đốc Sở Xây dựng - cho biết dựa trên năm tiêu chí: công trình có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật; có giá trị lịch sử; chất lượng hiện trạng công trình; đảm bảo khả năng an toàn cho việc tiếp tục sử dụng; đảm bảo phù hợp, cảnh quan khu vực, quy hoạch không gian được phê duyệt.

Theo ông Minh, danh sách này không dừng lại 27 công trình, mà sẽ tiếp tục bổ sung trong thời gian tới.

Chuyện bảo tồn kiến trúc Pháp ở Huế lại nóng phiên chất vấn HĐND  - Ảnh 2.

Nhà thờ Phủ Cam xây dựng vào năm 1960, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, nhưng vẫn có trong danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu - Ảnh: NHẬT LINH

Đại biểu Hồng Hạnh tiếp tục chất vấn: trong danh mục này có nhà thờ Phủ Cam và nhà thờ Dòng chúa cứu thế không phải xây dựng vào thời Pháp thuộc, vậy thì quyết định này là nhằm bảo tồn kiến trúc thời Pháp hay là công trình mang phong cách kiến trúc thời Pháp?

Ông Hoàng Hải Minh cho biết trong quá trình nghiên cứu đã lấy ý kiến các sở ngành, các chuyên gia, thì "việc này là dựa trên giá trị nghệ thuật kiến trúc mang giá trị kiến trúc Pháp, chứ không phải là xây dựng thời Pháp". (Công bố 27 kiến trúc Pháp ở Huế, sẽ đập bỏ biệt thự 26 Lê Lợi).

Theo dõi qua truyền hình trực tiếp, nhiều cử tri thắc mắc, nếu bảo tồn kiến trúc Pháp mà không phải là công trình "xây dựng thời Pháp" thì các công trình mới xây dựng sau này "mang phong cách kiến trúc Pháp" có đưa vào danh mục bảo tồn không?

Đại biểu Hồng Hạnh cho biết do thời hạn chất vấn đã hết nên sẽ tiếp tục chất vấn với giám đốc Sở Xây dựng về điều khó hiểu này.

Biệt thự 26 Lê Lợi không có giá trị tiêu biểu

Liên quan đến việc bảo tồn kiến trúc Pháp, đó là ngôi biệt thự 26 Lê Lợi, hiện đang là trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, có thông tin sẽ giải tỏa để lấy đất xây khách sạn.

Đại biểu Hồ Đăng Thanh Ngọc đề nghị UBND tỉnh cho biết ứng xử của chính quyền với một công trình kiến trúc Pháp có giá trị, nhưng không được đưa vào danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp cần được bảo tồn ('Mái nhà văn nghệ' Huế sẽ bị tháo dỡ- văn nghệ sĩ bất bình).

Chuyện bảo tồn kiến trúc Pháp ở Huế lại nóng phiên chất vấn HĐND  - Ảnh 3.

Ngôi biệt thự 26 Lê Lợi - “mái nhà văn nghệ” của Huế - Ảnh: MINH TỰ

Câu trả lời không trình bày tại phiên chất vấn mà chỉ gửi bằng văn bản cho đại biểu. Theo văn bản này, UBND tỉnh cho biết việc bảo tồn công trình này thì đã nằm trong nội dung trả lời của Sở Xây dựng (trên đây).

Còn lý do di dời, theo quy hoạch chi tiết khu trung tâm phía nam TP Huế đã phê duyệt năm 2005, thì sẽ chuyển đổi trụ sở các cơ quan trên đường Lê Lợi sang mục đích phục vụ công cộng và dịch vụ du lịch.

Đổng thời tỉnh cũng đã kêu gọi đầu tư vào khu vực này. Theo đó, các trụ sở trên đường Lê Lợi đoạn từ đường Bà Huyện Thanh Quan đến Hoàng Hoa Thám sẽ di dời đến nơi làm việc mới; thời gian di dời tùy thuộc yêu cầu của nhà đầu tư.

Công bố 27 kiến trúc Pháp ở Huế, sẽ đập bỏ biệt thự 26 Lê Lợi

TTO - UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP. Nhiều dấu hỏi được đặt ra đằng sau quyết định này.

M. TỰ - NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên