Vùng chè 31 hecta tại xã Đam B’Ri (TP Bảo Lộc) đang mất dần. Nơi này đã bị phân lô, công an đang điều tra vụ việc - Ảnh: MAI VINH
Công an tỉnh Lâm Đồng đang vào cuộc điều tra, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Lâm Đồng báo cáo. Người dân muốn có câu trả lời những dấu hỏi bao năm qua.
Do đâu mà băm nát đồi chè? Vì đâu mọc lên những khu biệt thự giữa rừng? Quy hoạch đến đâu? Quán triệt, thực thi, kiểm tra và giám sát như thế nào? Công khai, minh bạch ra sao?
Đành rằng, sự phát triển của Bảo Lộc, Bảo Lâm đồng nghĩa với buộc đánh đổi đất nông nghiệp, đất rừng, nhưng phải trong giới hạn cho phép. Việc đó nhằm phục vụ lợi ích người dân, hài hòa phát triển vùng đất cao nguyên vốn được mẹ thiên nhiên ân sủng!
Những gì đang xảy ra ở Bảo Lộc, Bảo Lâm và một số địa phương khác, tàn sát rừng, xé nát đất nông nghiệp để phân lô, bán nền, chằng chịt lợi ích "đất vàng" thì khó có thể nói rằng lãnh đạo không biết!
Vì thế, những người có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm không thể chia sẻ theo kiểu "hòa cả làng"! Dù có liên quan đến rất nhiều người cũng cần xử nghiêm.
Mới đây, chính quyền Lâm Đồng chủ trương mở rộng đường đèo Prenn gấp đôi hiện nay. Nếu cân phân, có bù đắp việc hàng chục hecta và có thể nhiều hơn - rừng thông - bị đốn bỏ? Vẫn biết kế hoạch luôn đi kèm với hoàn nguyên, phục hồi, song trong thực tế việc này thường bị lãng quên và mất dấu khi "hoàng hôn nhiệm kỳ".
Con đường nối Đà Lạt với Nha Trang có đèo Khánh Lê, vào mùa mưa bão là bị sạt lở nghiêm trọng. Giữa lợi ích và việc rừng bị san bằng khi làm con đường này có được đánh giá đầy đủ, khách quan?
Rừng cùng đặc sản trên đất nông nghiệp là hàng hóa, phục vụ cho quốc kế dân sinh, mang lại sự phát triển mạnh mẽ mà bền vững, được quy hoạch và triển khai thực hiện bằng những giải pháp sáng - trí, trong - tâm.
Người xưa đã dặn: "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt". Thà một lần đau, hãy truy tận gốc, không bỏ sót, nghiêm trị những cá nhân, tổ chức sai phạm, cảnh tỉnh những ai toan tính làm giàu phi pháp từ đất rừng, đất nông nghiệp.
Căn cơ hơn, hãy xây dựng chính sách để từ 20 đến 30 năm nữa, B’Lao hồi sinh màu xanh trù phú, những khu rừng mà từ bao đời trước nuôi sống, ôm ấp, che chở, là ngôi nhà chung hạnh phúc của các dân tộc Tây Nguyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận