03/09/2017 21:13 GMT+7

Chuyện bà ngoại người dưng và hai đứa cháu nuôi đại học

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Tôi hỏi bà: “Vì sao lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ cho hai đứa trẻ không máu mủ ruột rà”. Bà trả lời gọn trơn: “Vì thương”.

Chuyện bà ngoại người dưng và hai đứa cháu nuôi đại học - Ảnh 1.

Bà Ba cùng Truyền (bìa phải) và Sa chụp ảnh cùng nhau trước khi hai anh em vào TP.HCM học đại học - Ảnh: NVCC

Sáu năm trước ở thôn An Trường (xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) có hai đứa trẻ mồ côi được một bà lão lo lắng chăm sóc. Hai đứa trẻ gọi bà là ngoại, còn bà thì thương chúng hơn con ruột.

Công ơn của bà quá to lớn với tụi em. Có nói bao nhiêu lời cũng không hết được

LÊ THANH TRUYỀN

Tình người dưng

Hai cậu bé ngày nào giờ đã bước vào đại học. Cậu anh đang là sinh viên năm ba Đại học Y dược TP.HCM tên Lê Thanh Truyền, cậu em vừa đậu Đại học Mở TP.HCM tên Lê Phù Sa. 

Khi Truyền lên 1 tuổi và Sa vừa tròn 1 tháng tuổi thì mẹ bỏ đi. Cả hai không biết bên ngoại của mình là ai ngoài mấy lời trăng trối trước khi cha mất: "Mẹ các con ở Huế".

Những ngày người cha bị tai biến nằm một chỗ, hai đứa trẻ ấy đã chiến đấu để sinh tồn và lúc ấy, bà Nguyễn Thị Ba (68 tuổi), sống gần đó đã đến với bọn trẻ bằng tất cả yêu thương. Chính những bữa cơm bà Ba nấu mang đến nhà đã giúp hai anh em Truyền đủ sức đến trường.

Từ bữa cơm đầu tiên ấy, ngày nào bà Ba cũng mang đến cho bọn trẻ chút cá chút rau. Tình thương yêu lớn dần lên như chính nỗ lực từng ngày của anh em Truyền. Bà Ba nhớ nhất là ngày cha mất, hai đứa bơ vơ như chim lạc bầy. 

Rồi bà Ba bảo chúng về bà ngủ. Lạ chỗ, hai đứa thức mãi. Rồi trong đêm tối chúng gọi bà là ngoại như một lẽ tự nhiên. 

"Hai đứa bảo bà Ba cho chúng gọi bà bằng ngoại chứ cuộc sống của chúng giờ chỉ có mỗi mình bà quan tâm chăm sóc. Cũng chưa bao giờ hai đứa được gọi từ ngoại cả" - bà Ba kể.

Nỗi lo của người bà

Ngày Truyền nhận được giấy trúng tuyển Đại học Y dược TP.HCM, bà Ba mừng lắm. Trong niềm hạnh phúc ấy, bà lại lo lắng không biết đứa cháu nhà quê có thể thích nghi với cuộc sống thị thành hay không. 

Thế rồi bà gọi cho con ruột của mình ở TP.HCM sắp xếp chỗ ở cho Truyền. Đã qua hai năm học, Truyền nhận được sự cưu mang từ những đứa con của bà Ba. Truyền học tốt, đạt nhiều thành tích và tham gia tích cực hoạt động xã hội đã khiến bà hạnh phúc.

Truyền nói: "Cho đến giờ ngoại vẫn lo lắng đủ thứ cho tụi em. Từ chuyện nhà ở đến học hành. Thậm chí bà dặn cứ lo học hành, thiếu gì bà bán lúa, bán bắp lo cho, đừng làm thêm quá sức rồi đổ bệnh".

Dăm bữa nửa tháng bà lại điện vào thăm hỏi Truyền. Trong lời dặn dò ấy, bà muốn Truyền an tâm học khi ngoài quê đã có bà chăm lo cho Phù Sa.

Khi Phù Sa có số điểm thi đại học cao nhất Trường THPT Lương Thế Vinh thì ai cũng biết sau lưng thành công ấy là sự lặng lẽ chăm chút của bà Ba.

Cách đây mấy ngày, Phù Sa nhận suất học bổng đặc biệt trị giá 10 triệu đồng từ học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ khiến bà Ba mừng lắm. Bà nhẩm tính cả hai đã được gần chục học bổng khác nhau.

Hai đứa cháu không máu mủ ruột rà mà bà chăm bẵm lâu nay bắt đầu tung cánh bay đi tìm cuộc sống cho mình. Bà Ba vẫn ngồi ở quê nhà với bao nỗi lo lắng về con đường đi của chúng...

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên