"Nghèo hơn chữ nghèo"
Tiết trời miền Tây những ngày ẩm ương, đang nắng bỗng chợt đổ mưa. Chị Hương không kịp trở tay, những dòng nước mưa theo lỗ dột từ trên mái chảy thẳng xuống nền nhà lầy lội, ẩm ướt. Căn nhà không còn chỗ nào khô ráo, ba mẹ con đành phó mặc, xúm nhau ngồi co cụm lại dưới gian bếp chờ trời tạnh rồi mới dọn dẹp.
Nỗi niềm 'đứa nào học, đứa nào nghỉ' của người mẹ nghèo có hai con đậu đại học
Căn nhà nhỏ được lợp bằng lá dừa nước nằm xiêu vẹo bên cạnh mương nước ở xã Minh Đức (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) này là nơi nương náu của chị Hương và hai đứa con Nguyễn Thị Thanh Tuyền và Nguyễn Thành Lam từ nhiều năm nay - kể từ khi chị ly dị chồng, tay trắng ra đi.
Chị Hương kể lấy chồng năm 27 tuổi rồi có hai mặt con, những tưởng cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua, nhưng không ngờ đến một ngày chồng lại bỏ ba mẹ con theo người phụ nữ khác.
Khi đứa con gái út của chị là Nguyễn Thị Thanh Tuyền được 9 tháng tuổi, hai vợ chồng chị chính thức ly hôn. Chị Hương ẵm con gái về sống bên ngoại, chồng nuôi con trai, nhưng khi chồng rước người phụ nữ khác về ở cùng, con trai cũng về ở với mẹ.
Những ngày đầu ra ở riêng, chị đã làm đủ công việc để kiếm tiền như mò cua bắt ốc, chăn nuôi, làm mướn… nhưng luôn gặp trắc trở, nợ nần chồng chất.
Chị Hương còn mắc chứng động kinh, cứ mỗi lần lao lực hoặc suy nghĩ nhiều lại lên cơn co giật. Do đó, phần đất mẹ ruột thừa kế cũng phải bán đi để trị bệnh. Ngôi nhà của ba mẹ con hiện đang ở đậu trên đất của người khác.
Năm con gái của chị học lớp 2, chị bấm bụng gửi con cho ngoại để đi TP.HCM làm mướn. Công việc rửa chén thuê cho quán ăn chỉ mang lại thu nhập 1,8 triệu đồng mỗi tháng, đủ trang trải và trả một phần nợ nần dưới quê. Tuy nhiên xa con sợ ảnh hưởng đến việc học và tương lai của con nên chị đành quay về quê.
Nhìn con gái ốm nhom, xanh xao, chị xót lòng và quyết tâm sát cánh cùng con dù cuộc sống có khó khăn đến mấy. Cũng từ đó, chị theo nghề may, nhưng dù có khéo vun vén cũng thiếu trước hụt sau.
Biết ơn thầy cô, quyết tâm trở thành người đưa đò
Những vất vả, thiếu thốn chất chồng đó không ngăn nổi tinh thần ham học của hai anh em Tuyền. Suốt những năm học cấp 2, cấp 3, cả hai anh em liên tục đạt học sinh giỏi, khá. Năm cấp 3, Tuyền đoạt giải khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh môn giáo dục công dân.
Ông Nguyễn Trọng Úc - chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Tân Hòa (xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) - cho biết trong xóm không có ai nghèo như nhà chị Hương. "Nhà dột trước dột sau, mưa lớn thì ngoài cũng như trong, nhưng được một cái là các cháu chăm ngoan học giỏi nên ai cũng thương.
Mỗi lần có đoàn từ thiện nào về xã hoặc có các suất quà là chúng tôi đều ưu tiên cho ba mẹ con chị Hương. Chỉ mong sao các nhà hảo tâm tiếp sức để các cháu tiếp tục đến trường mới có hy vọng thay đổi tương lai, chứ gia đình không có đất canh tác, không học thì biết làm gì bây giờ", ông Úc chia sẻ.
Không chỉ chính quyền địa phương, ngay cả các thầy cô Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng biết về hoàn cảnh của ba mẹ con chị Hương nên ai cũng hết lòng giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để hai anh em Lam - Tuyền được đến trường.
"Còn nhớ hồi ba năm trước khi bé Tuyền thi đậu vào cấp 3, cô Cao Thị Thu Thủy - là giáo viên cũ của tui và cũng có dạy bé Tuyền - tức tốc đi mua một bộ đồ dài cho con bé. Tui ngại lắm vì trước đó cô cũng dạy thêm cho các con của tui nhưng không lấy tiền, giờ nghe con đỗ đạt còn tặng quần áo. Ơn nghĩa đó biết khi nào mới trả hết", chị Hương xúc động nói.
Thanh Tuyền cũng chia sẻ chính những tình cảm của các thầy cô, bạn bè là động lực lớn nhất để mình cố gắng hơn nữa.
"Con biết những người cô, người thầy của con thu nhập dù không cao là mấy nhưng ai cũng giúp đỡ con. Con muốn học thật giỏi để sau này có điều kiện gặp gỡ những hoàn cảnh khó khăn như con, con cũng sẽ giúp đỡ lại họ", Thanh Tuyền nói lý do vì sao chọn học ngành Giáo dục chính trị Trường đại học Đồng Tháp.
Ngày Nguyễn Thị Thanh Tuyền báo tin đậu đại học, chị bần thần hết đứng lại ngồi vì vừa vui vừa lo. Vui bởi những cố gắng không ngừng nghỉ của cả ba mẹ con cuối cùng cũng có thành quả, nhưng chị lo không kiếm đâu ra tiền cho con đi nhập học.
Thanh Tuyền cùng anh trai của mình là Nguyễn Thành Lam đều đậu vào một trường đại học ở TP.HCM, nhưng cả hai sau khi bàn bạc với nhau thì cùng rẽ sang hướng khác là chọn học một trường đại học ở tỉnh lẻ để giảm bớt chi phí.
Lam muốn làm thầy giáo dạy toán, còn Tuyền thích làm cô giáo dạy môn giáo dục công dân. Và hành trình bước tiếp của hai anh em vẫn đang đầy chông chênh...
Cô Lương Thị Bích Liên - giáo viên chủ nhiệm của em Nguyễn Thị Thanh Tuyền - cho biết cô dạy cả hai anh em Lam, Tuyền. Cả hai đều rất chăm ngoan, học giỏi dù hoàn cảnh có khó khăn. Riêng Tuyền chăm chỉ và rất ngoan ngoãn nên thầy cô, bạn bè đều rất mến. Biết gia đình khó khăn nên mỗi lần có học bổng là đều ưu tiên cho em.
"Những ngày qua, các thầy cô giáo cũng nghe chuyện hai anh em Lam - Tuyền đều chuẩn bị học đại học nhưng điều kiện không cho phép nghe rất xót xa...", cô Liên nói.
Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận