Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong - Ảnh: PHẠM THẮNG
Nêu ý kiến chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng thời gian qua, không ít đoàn thanh tra đã thanh tra theo lĩnh vực thường xuyên hoặc đột xuất, không phát hiện hoặc cố tình không phát hiện hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra nên kết luận thanh tra rất nhẹ nhàng.
Sau đó có tố cáo sau kết luận, đoàn thanh tra thứ hai tái thanh tra thì phát hiện tổ chức, cá nhân có vi phạm, tiêu cực.
"Dư luận nghi ngờ là có tiêu cực của đoàn thanh tra trước "giơ cao, đánh khẽ", có những vụ tiêu cực do báo chí phát hiện mà thanh tra không phát hiện. Nhiều vụ lực lượng công an phát hiện, truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa có hoặc thanh tra kết luận không đến nơi đến chốn.
Xin Tổng Thanh tra cho biết nguyên nhân lý do này", ông Hòa hỏi.
Trả lời nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã minh chứng bằng cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng về phòng, chống COVID-19 do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm.
Ông nêu theo báo cáo các vụ việc, tổng hợp toàn quốc, trừ vụ việc Công ty Việt Á do Bộ Công an, các địa phương đã điều tra, truy tố, xử lý thì cơ quan Thanh tra Chính phủ trực tiếp 3 cuộc.
Bao gồm thanh tra ở Bộ Y tế, TP Hà Nội, TP.HCM. Với 19 bộ và 61 tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra phần còn lại.
"Qua báo cáo với 30 vụ việc, nhóm vụ việc chuyển thông tin cho cơ quan điều tra Bộ Công an thì chủ yếu ở 3 cuộc của Thanh tra Chính phủ thực hiện. Còn lại 19 bộ và 61 tỉnh, thành phố chỉ có 2-3 cuộc chuyển", ông Phong nói và cho rằng điều này đã nói lên minh chứng.
Trước đó, theo ông Phong, kết quả thanh tra đã kiến nghị xử lý, chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật nhiều vụ việc như vụ thuốc ung thư tại Công ty cổ phần Pharma, việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin phòng, chống dịch COVID-19...
Đồng thời chuyển nội dung sai phạm của cán bộ, đảng viên sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền...
Xử lý chồng chéo trong kiểm toán, kiểm tra, thanh tra
Phát biểu sau đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng rất quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, coi đây là công tác trọng tâm.
Trong quá trình chỉ đạo thanh tra, Chính phủ yêu cầu thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động, xử lý chồng chéo trong kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, nhất là ở các doanh nghiệp.
Chính phủ đã chỉ đạo ngành thanh tra tập trung thanh tra một số lĩnh vực quan trọng như đầu tư, xây dựng, đấu thầu, chứng khoán, ngân hàng…
Thủ tướng trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo về kết luận thanh tra, nhất là với những vấn đề phức tạp, qua đó nhiều cuộc thanh tra đạt kết quả tốt, xử lý nghiêm các vi phạm.
Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc thu hồi tài sản cho Nhà nước, phát hiện vi phạm pháp luật, xử lý sau thanh tra.
Phó thủ tướng cho biết 9 tháng đầu năm, trên 3.000 kết luận thanh tra đã được ngành thực hiện, chiếm trên 60% tổng số kết luận thanh tra. Đây là kết quả đáng ghi nhận.
Theo Phó thủ tướng, trong một số trường hợp, kết luận thanh tra còn chưa đảm bảo rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp.
Để khắc phục điều này cần nâng cao chất lượng công tác thanh tra thông qua hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cán bộ, quy định chặt chẽ quy trình công tác thanh tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận