TTCT - Hai nhà đồng sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin vừa chính thức lui vào hậu trường và đưa Sundar Pichai - gương mặt đại diện của họ trong nửa thập kỷ qua - lên một nấc thang sự nghiệp mới. Pichai bước thêm một bước ra ngoài sáng, trong khi bộ đôi Page và Brin lùi sâu hơn vào bóng tối. Điều này có ý nghĩa gì cho “người được chọn”, khi nó diễn ra trong thời điểm gã khổng lồ công nghệ đối mặt với nhiều thách thức cả trong nội bộ lẫn từ bên ngoài? Sundar Pichai sẽ thay hai nhà đồng sáng lập Google đương đầu mọi thách thức. Ảnh: FT Trước khi bàn “chuyện 3 người” ở Google, cần nhắc lại một mốc quan trọng vào tháng 8-2015, khi Google tái cấu trúc và lập nên công ty holding (chỉ nắm giữ cổ phần các hãng khác) Alphabet Inc, quản lý một tập hợp các công ty bao gồm Google, Công ty công nghệ sinh học Calico, Hãng nghiên cứu xe tự lái Waymo… Khi đó, Brin giữ chức chủ tịch Alphabet, còn Page để lại chức CEO Google cho Pichai để làm CEO của công ty mẹ mới thành lập. Bộ máy lãnh đạo đó tồn tại đến ngày 3-12, khi Page và Brin cho rằng Alphabet và Google “không còn cần có 2 CEO và 1 chủ tịch nữa”, qua đó Brin từ chức chủ tịch Alphabet, còn Page rời vị trí CEO Alphabet cho Pichai lên thay. Giờ đây, khi đồng thời là CEO của cả Google lẫn công ty mẹ Alphabet (giá trị vốn hóa thị trường ở thời điểm đó là hơn 890 tỉ USD), Pichai lãnh trọng trách không chỉ phát triển những “con gà đẻ trứng vàng” của hãng mà còn các dự án “viễn tưởng” mà Brin và Page gọi là “những canh bạc khác” (The Other Bets) như xe tự lái, thiết bị giao hàng không người lái, thuốc chống lão hóa... Hai người lùi sâu trong bóng tối Khác với cố CEO Hãng Apple Steve Jobs và người đương nhiệm Tim Cook vốn thường xuyên xuất hiện trước công chúng hay trong các buổi ra mắt sản phẩm mới, Larry Page và Sergey Brin được đánh giá là bí ẩn và kín đáo nhất trong giới lãnh đạo công nghệ ở Thung lũng Silicon. Bộ đôi cùng 46 tuổi đã gầy dựng Google từ khi cùng là sinh viên cao học ở Đại học Stanford hồi năm 1998 gần như không hề xuất hiện trong 5 năm qua. Thực tế Page và Brin đã giảm bớt vai trò quản lý trong hoạt động hằng ngày của Google kể từ khi thành lập Alphabet vì đã có Pichai là gương mặt đại diện. Trong khi Pichai lèo lái Google và cỗ máy kiếm tiền cho hãng (dịch vụ tìm kiếm và quảng cáo), hai nhà đồng sáng lập tập trung vào “những canh bạc khác”, những thứ khiến họ thực sự quan tâm hơn đế chế khổng lồ mà mình đã cùng tạo ra. Page quan tâm đặc biệt đến xe bay (flying car) khi đầu tư cho các công ty theo đuổi công nghệ này như Kitty Hawk, Wisk Aero và Opener, trong khi Brin hứng thú với các lĩnh vực kinh doanh đến lúc này vẫn chưa hái ra tiền như xe tự lái, kính áp tròng thông minh và kính thông minh (smart glasses). Trong nửa thập kỷ, Sundar Pichai đã là gương mặt của Google, còn Page và Brin luôn nằm ngoài “vùng phủ sóng” với công chúng, truyền thông và cả các nhà đầu tư. Sự thay đổi các vị trí quản lý điều hành ở Alphabet và Google vì thế không thật sự bất ngờ. Nó chỉ chính thức hóa những gì đã diễn ra trước đó và đánh dấu việc bộ đôi sáng lập Google lùi thêm một bước lại phía sau, đồng thời “đẩy” Pichai tiến thêm một bước. Một người bước thêm ra ngoài sáng Sundar Pichai, “người được chọn”, cũng hội đủ các yếu tố cho câu chuyện “thần tiên” của mình: từ một người lớn lên không biết máy tính là gì đến giám đốc điều hành cả một đế chế công nghệ. Sinh năm 1972 tại Chennai (Ấn Độ), Pichai theo học kỹ thuật luyện kim tại Học viện công nghệ Kharagpur và mãi đến khi sang Mỹ nhờ học bổng của Stanford mới có được một bộ máy tính đàng hoàng của riêng mình. “Sếp” của hàng loạt kỹ sư máy tính ở Google thực tế không xuất thân từ công nghệ. Pichai học ngành khoa học vật liệu chứ không phải khoa học máy tính ở đại học và cao học, rồi lấy thêm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và làm cho Hãng tư vấn McKinsey trước khi về Google năm 2004. Pichai được phỏng vấn tại Google vào ngày 1-4, ngày Gmail lần đầu ra mắt. Cũng như Gmail không phải là trò “cá tháng tư”, việc Pichai gia nhập Google hôm đó là khởi đầu cho hành trình lịch sử, liên tục thăng tiến, kinh qua nhiều vị trí trọng yếu của anh. Pichai ghi dấu ấn đầu tiên ở Google với việc phát triển Toolbar, thanh công cụ đưa bộ máy tìm kiếm Google Search vào các trình duyệt web, sau đó là Chrome, sản phẩm giúp Google không phải phụ thuộc vào trình duyệt của bên thứ ba. Nhân viên Google tài năng này sau đó lần lượt được giao các sản phẩm quan trọng khác, rồi năm 2014 được bố trí làm giám đốc sản phẩm, phụ trách toàn bộ sản phẩm và nền tảng của Google từ tìm kiếm, bản đồ, kho ứng dụng đến Android, Chrome và Gmail. Đây là bước đệm để Pichai trở thành “lựa chọn đương nhiên” cho ghế CEO Google, khi nó thành công ty độc lập với Alphabet. Tháng 7-2017, Pichai gia nhập hội đồng quản trị Alphabet. Ngoài năng lực đã được chứng minh, Pichai được tin tưởng có lẽ còn vì một yếu tố không kém quan trọng khác: là người có thể thấu hiểu và diễn dịch tầm nhìn của Page và huy động các đội ngũ cần thiết để hiện thực hóa chúng, theo trang Inc. Trong hơn 4 năm điều hành Google, Pichai vẫn phải báo cáo cho cấp trên là CEO và chủ tịch Alphabet. Giờ anh là người duy nhất nắm quyền điều hành. Ít nhất là về vai vế trên giấy tờ. Larry Page (phải) và Sergey Brin "rút lui", để lại một Google giữa nhiều rối ren cho Sundar Pichai. Ảnh: Business Insider Sự thật sau cuộc chuyển giao Người ta vẫn thường mô tả những công trình tâm huyết là “đứa con” của người tạo ra chúng, và Page và Brin rất thích lối ẩn dụ “phụ huynh và con trẻ” này. Năm 2004, bộ đôi viết trong “thư từ nhà sáng lập” rằng nếu Google là con người thì tính từ lúc sinh ra năm 1998 đến thời điểm đó, “nó hẳn đã vào tiểu học hồi cuối mùa hè qua và hôm nay đang sắp sửa học xong lớp 1”. 15 năm sau, “đứa trẻ Google” đó thành người thanh niên 21 tuổi và “đã đến lúc phải rời tổ”, như lời Page và Brin viết trong thư thông báo ngày 3-12. “Dù đã luôn có được vinh dự to lớn được tham gia sâu sát vào việc quản lý mỗi ngày ở công ty trong thời gian dài, chúng tôi tin rằng đã đến lúc nhận lấy vai trò của những phụ huynh đầy tự hào - cho đi lời khuyên và tình thương, chứ không phải cằn nhằn mỗi ngày” - cả hai viết. Trớ trêu thay, chính cái lối ẩn dụ “phụ huynh và con trẻ” này mới phơi bày bản chất của cuộc chuyển giao. Dù không nắm chức vụ quản lý điều hành nào, Page và Brin vẫn nằm trong hội đồng quản trị của Alphabet và cả hai đều là cổ đông cá nhân nắm giữ nhiều cổ phần công ty nhất. Cả hai cũng sở hữu đa số cổ phần biểu quyết của Alphabet, cho phép họ có quyền kiểm soát ban quản trị và giữ cho tiếng nói của mình có trọng lượng trong công ty. Brin đúng là từ chức chủ tịch Alphabet, còn Page rời vị trí CEO, nhưng thực tế họ không “vứt bỏ” chút quyền lực nào. Cấu trúc cổ phần của Alphabet cho phép Page và Brin có quyền sa thải Pichai, người không sở hữu bất kỳ cổ phần biểu quyết nào. Và di sản để lại Chuyện Sundar Pichai thêm ghế mới vì thế hóa ra lại là chuyện “Tái ông thất mã”, thăng chức chưa hẳn là tin vui. Cây bút Steve Kovach giật hẳn tít trên CNBC ngày 4-12 rằng “Sundar Pichai vừa nhận công việc tệ nhất Thung lũng Silicon”. Là bởi cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra trong bối cảnh Google đang giữa muôn trùng vây. Bên ngoài thì bị các chính trị gia và cơ quan quản lý soi về các bê bối vi phạm luật cạnh tranh, thu thập thông tin, còn trong nội bộ là các trào lưu phản kháng và đình công của nhân viên vì lạm dụng tình dục, bình đẳng giới, đa dạng chủng tộc… Thay “cha đẻ” của Google làm gương mặt của hãng không có nghĩa là Pichai chỉ xuất hiện ở những sự kiện ra mắt sản phẩm hoành tráng, mà còn là ngồi trước Quốc hội Mỹ để điều trần xoay quanh chuyện Google xâm phạm quyền riêng tư của người dùng. Và với cương vị CEO của cả Google và Alphabet, Pichai sẽ còn phải đến Đồi Capitol để điều trần về chuyện vi phạm luật cạnh tranh. Natasha Bernal trên Wired ngày 5-12 lại càng gay gắt hơn khi cho rằng sự “rút lui” của Brin và Page chỉ là “ảo ảnh thị giác gian giảo”, vì Pichai chẳng nắm thực quyền mà còn phải thay “bộ đôi ngày càng không đáng tin” này đương đầu với hàng loạt thách thức. Bernal cho rằng Pichai sẽ là “tấm khiên hoàn hảo”, người sẽ nhận mọi chỉ trích mà không có quyền quyết định thật sự với đường hướng của công ty. Page và Brin đã hoàn tất việc “chuyển mình” từ những nhà lãnh đạo công khai sang người kiểm soát mọi thứ từ trong bóng tối. Phần việc còn lại - đưa Google vượt qua bão tố - là của Sundar Pichai.■ Vậy lời tạm biệt của hai “người cha” với đứa con mà họ đã thai nghén và nuôi dưỡng từ trong garage 21 năm về trước có ý nghĩa gì? “Nó chẳng khác gì một ông bố giao cho con quản lý công ty trong khi ông ta vẫn là chủ” - Michael Jones, cựu nhân viên từng làm cho Google 11 năm và từng đồng phát triển ứng dụng Google Earth, nói với The New York Times. Tags: GoogleSergey BrinLarry Page
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.