13/07/2013 12:22 GMT+7

"Chuột bạch" thơ ngây

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Vì nghèo, nhiều bệnh nhân ở Ấn Độ dễ trở thành “chuột bạch” cho các công ty dược phẩm thử nghiệm sản phẩm dưới mác “chữa bệnh miễn phí”.

0xq9Aw8t.jpgPhóng to
Ông Niranjan Lal Pathak bị chứng mất trí sau khi bị lừa tham gia thử nghiệm thuốc của một bệnh viện ở Indore - Ảnh: AFP

Ông Niranjan Lal Pathak, 72 tuổi, không thể tin mình quá may mắn khi được Bệnh viện Maharaja Yashwantrao ở thành phố miền trung Indore thông báo sẽ được chữa bệnh tim miễn phí trong một chương trình đặc biệt. “Họ bảo chúng tôi sẽ không tốn một xu - Alok, cháu trai của ông Pathak, kể với AFP - Với điều kiện là khi hết thuốc chúng tôi không được tới các dược sĩ địa phương mà đến thẳng chỗ bác sĩ ở bệnh viện”.

Họ không thể ngờ rằng ông Pathak được điều trị bằng Atopaxar, một sản phẩm đang thử nghiệm của Công ty dược Eisai tại Nhật. Tác dụng phụ của thuốc khiến ông Pathak mất trí, theo đơn kiện của gia đình ông vừa nộp lên Tòa án tối cao Ấn Độ. “Ông ấy chẳng còn nhận ra chúng tôi. Cuộc đời ông ấy coi như chấm dứt cùng với hi vọng của chúng tôi muốn nhìn thấy ông khỏe mạnh và vui vẻ trở lại” - Alok nói.

Tham lợi

Ngày càng nhiều người như ông Pathak tố cáo họ bị lừa để tham gia thử thuốc. Họ thường có điểm chung là nghèo túng, sống trong các khu ổ chuột. “Trên nhãn thuốc không hề ghi rõ dùng cho mục đích thử nghiệm và kết cục người ta bị sử dụng như loài chuột thí nghiệm” - nhà hoạt động Amulya Nidhi, thuộc tổ chức đấu tranh cho các bệnh nhân Swasthya Adhikaar Manch, cho biết. Theo luật, các đối tượng thử thuốc phải viết đơn chấp thuận và được hưởng chính sách bảo hiểm.

Những yêu cầu đó ít diễn ra tại Ấn Độ. Kênh RT ước tính khoảng 2 triệu người Ấn Độ tham gia các đợt thử thuốc trong năm 2010, nhiều người thậm chí không biết họ sẽ trở thành chuột thí nghiệm. “Các hoạt động thử thuốc đang tăng ở đây vì chỉ tốn bằng 1/6 so với tại phương Tây. Hệ thống quản lý tham nhũng và các công ty dược có thể dễ dàng đăng ký bệnh nhân và tiến hành thử nghiệm - chủ tịch Anand Rai của Hiệp hội Bác sĩ nội trú bang Madhya Pradesh cho biết - Ở các nước phát triển phải mất sáu tháng để đăng ký năm bệnh nhân trong khi tại Ấn Độ họ đã có thể thử nghiệm trên 6.000 người”.

Thử thuốc ở các nước đang phát triển

Các hãng dược phương Tây chi hàng chục tỉ USD mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển với hàng chục ngàn thử nghiệm tiến hành trên toàn cầu. Nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... cũng đang tiếp nhận nhiều hoạt động thử thuốc. Trong các số liệu y tế nộp lên các cơ quan chức năng châu Âu để xin phép bán thuốc ra thị trường, khoảng một nửa lấy từ các thử nghiệm ở những nước kém hoặc đang phát triển. Báo cáo của Văn phòng tổng thanh tra Mỹ năm 2010 cho thấy 80% các loại thuốc được nộp để xin cấp phép được thử ở nước ngoài.

Theo Hiệp hội Các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ, các công ty dược nước này đang chuyển các hoạt động nghiên cứu và phát triển dược phẩm ra những nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia vì có cùng nét đặc trưng về bệnh tật, dân số...T.P.

Trong một trường hợp khác, cha mẹ bé gái 13 tuổi Sarita Kudumula không hề biết con mình bị đem ra thử thuốc cho đến khi cô bé đột ngột tử vong vài ngày sau khi được tiêm mẫu thử văcxin ngừa ung thư cổ tử cung.

“Chẳng ai hỏi xin sự cho phép của chúng tôi” - cha của Kudumula cho biết.

Trong khi đó, ban giám hiệu trường của cô bé chỉ giải thích đây là một dự án của chính phủ, phối hợp với Tổ chức Bill & Melinda Gates của Mỹ nên họ không cần xin ý kiến của học sinh và phụ huynh.

Liên hiệp Công nghiệp Ấn Độ ước tính các công ty tiết kiệm đến 60% chi phí khi tiến hành, hoặc thuê các tổ chức nghiên cứu ngoài luồng thực hiện các thử nghiệm ở nước này so với tại các nước phát triển.

Đối với những đối tượng tình nguyện tham gia, chi phí chi trả chỉ từ 150 USD/người/cuộc thử nghiệm thay vì phải trả 150 USD/người/ngày ở Mỹ.

Việc thuê các cố vấn thuyết phục các cơ quan chức năng cấp thuốc chỉ mất khoảng 5.000 USD. Các hoạt động này tạo ra thị trường với lợi nhuận gần 500 triệu USD và có tốc độ phát triển 12% giai đoạn 2010-2011.

Cái giá phải trả cho việc thử thuốc là các đối tượng phải nhận lấy những tác dụng phụ nguy hiểm, đôi khi cả mạng sống.

Chính quyền Ấn Độ thống kê có 1.700 người thiệt mạng trong các đợt thử nghiệm từ năm 2007-2010.

Lo ngại về đạo đức

Báo cáo “Thử nghiệm y tế ở Ấn Độ: quan ngại về đạo đức” đăng trên trang của Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo việc thiếu kiểm soát các thử nghiệm đang làm gia tăng các lo ngại và kêu gọi minh bạch, siết chặt quy định đối với các hoạt động này.

Nhiều ý kiến khác tại Ấn Độ cũng ủng hộ việc cải tổ các quy định để theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của thị trường thử nghiệm y tế. Tham nhũng, thiếu minh bạch trong quy định và chậm chạp trong việc cấp phép, quản lý của các cơ quan chức năng Ấn Độ là những nguyên nhân tiếp tay cho những hoạt động thử thuốc trái phép.

Sonia Shah, tác giả quyển sách The body hunters: Testing new Drugs on the world’s Poorest patients, cho rằng cần tìm ra giải pháp cân bằng giữa nhu cầu thử nghiệm và việc bảo vệ bệnh nhân.

“Các bệnh viện eo hẹp về tài chính có được chuyên môn, tài trợ và thiết bị mới khi thử nghiệm y tế. Bệnh nhân không thể tiếp cận được dịch vụ y tế chính quy có thể được điều trị - bà Shah thừa nhận - Nhưng câu hỏi là các lợi ích này liệu có theo kịp các ưu tiên về sức khỏe hay chúng đã lấn át các nguy cơ”.

Trước các áp lực ngày càng gia tăng, New Delhi đang xem xét sửa đổi luật về thuốc và mỹ phẩm nhằm gia tăng trách nhiệm đối với các công ty và những hội đồng thẩm định các vấn đề đạo đức chịu trách nhiệm về thử nghiệm y tế. Năm ngoái, chính quyền bang Madhya Pradesh đã xử 12 bác sĩ bị phát hiện thử thuốc trái phép trên trẻ em và bệnh nhân tâm thần. Tuy nhiên mức phạt dành cho mỗi bị cáo chỉ chưa đến 100 USD!

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên