20/11/2021 11:00 GMT+7

Chương trình tư vấn: Bệnh động mạch vành - Cẩm nang phòng và chống

T.D.V
T.D.V

Đối với bệnh động mạch vành, đau thắt ngực là triệu chứng điển hình nhất, thường gặp ở hơn 50% người bệnh. Chẩn đoán và điều trị bệnh sớm là yếu tố quan trọng giúp người bệnh phòng ngừa các biến cố tim mạch nguy hiểm có thể xảy ra.

Chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch vành

GS TS BS. Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) cho biết, đau thắt ngực là một trong những triệu chứng quan trọng của bệnh tim mạch nói chung và bệnh động mạch vành nói riêng. Một cơn đau thắt ngực điển hình thường có 3 dấu hiệu chính: xuất hiện khi người bệnh gắng sức, giảm trong vòng 5 phút sau khi nghỉ và đau kiểu bóp nghẹt hoặc đè nặng sau xương ức, có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai hoặc cánh tay.

Theo ThS BS. Vũ Hoàng Vũ – Trưởng khoa Tim mạch can thiệp BV ĐHYD TPHCM, trong trường hợp người bệnh không xuất hiện cơn đau thắt ngực hoặc có cơn đau không điển hình, Bác sĩ cần thực hiện một số thăm dò để xác định bệnh như: điện tâm đồ, nghiệm pháp gắng sức, siêu âm tim, xạ hình tim, chụp cắt lớp điện toán động mạch vành có cản quang hoặc chụp mạch vành chọn lọc dưới máy DSA…

Chương trình tư vấn: Bệnh động mạch vành - Cẩm nang phòng và chống - Ảnh 1.

ThS BS. Vũ Hoàng Vũ - Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp BV ĐHYD TPHCM chuẩn bị can thiệp tim mạch cho người bệnh

Đối với bệnh lý động mạch vành có tình trạng đau thắt ngực, mục tiêu điều trị cần đảm bảo giảm thiểu tối đa tần suất cũng như cường độ cơn đau thắt ngực, phòng ngừa biến cố nhồi máu cơ tim cấp và ngăn chặn tiến triển bệnh trên hệ thống động mạch vành. Để đạt được mục tiêu trên, tùy vào mức độ, tình trạng người bệnh mà Bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phù hợp như: điều trị bằng thuốc kết hợp với việc thay đổi lối sống, giảm yếu tố nguy cơ hoặc tái thông động mạch vành bằng cách can thiệp mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Chương trình tư vấn: Bệnh động mạch vành - Cẩm nang phòng và chống - Ảnh 2.

Ê-kíp can thiệp tim mạch cho người bệnh

Phòng ngừa các biến cố tim mạch

GS TS BS. Trương Quang Bình cho biết, điều trị bệnh mạch vành hiệu quả cần hoàn thành kết hợp 2 mục tiêu: giảm đau thắt ngực cho người bệnh và phòng ngừa các biến cố tim mạch trong tương lai. Tùy vào độ tuổi và tình trạng bệnh nền, Bác sĩ sẽ cá thể hóa người bệnh để áp dụng các nguyên tắc dinh dưỡng, tập luyện và điều trị sao cho phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của Bác sĩ, uống thuốc đầy đủ và tái khám đều đặn để phòng ngừa biến cố tim mạch. Nếu có các dấu hiệu của cơn đau thắt ngực hay nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp như: đau ngực dữ dội, lo lắng, vã mồ hôi, ngát xỉu.. người bệnh cần được đưa đến bệnh viện nhanh chóng để được chẩn đoán và cấp cứu, điều trị kịp thời.

Nhằm cung cấp kiến thức cho cộng đồng về các phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa các biến cố của bệnh động mạch vành, Trung tâm Truyền thông BV ĐHYD TPHCM phối hợp với Công ty Servier thực hiện chương trình tư vấn Sống khỏe – Sẻ chia với chủ đề: "Bệnh động mạch vành – Cẩm nang phòng và chống", theo dõi tại: https://bit.ly/phongchongbenhdongmachvanh

bệnh động mạch vành cẩm nang phòng và chống

Với sự tư vấn của GS TS BS. Trương Quang Bình và ThS BS. Vũ Hoàng Vũ, chương trình cung cấp các thông tin hữu ích về chẩn đoán bệnh động mạch vành, điều trị đau thắt ngực và phòng ngừa các biến cố tim mạch.

Chương trình tư vấn: Bệnh động mạch vành - Cẩm nang phòng và chống - Ảnh 4.

Chương trình tư vấn: Bệnh động mạch vành - Cẩm nang phòng và chống

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên