15/05/2013 06:15 GMT+7

Chương trình tạm trữ lúa gạo: Sẽ giao lại các địa phương?

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TT - Sáng 14-5, tại buổi họp thông báo về kết quả mua tạm trữ lúa gạo đông xuân 2012-2013, dù khẳng định nông dân được hưởng lợi nhưng đại diện Bộ NN&PT-NT cho biết không thể xác định nông dân được hưởng lợi bao nhiêu.

18D74tte.jpgPhóng to
Giá lúa trong thời gian mua tạm trữ tăng 38-46% so với trước đó, nhưng khó xác định nông dân hưởng lợi được bao nhiêu. Trong ảnh: thu hoạch lúa đông xuân tại Nông trường Cờ Đỏ, TP Cần Thơ (ảnh chụp tháng 2-2013) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết VFA đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo chuyển việc điều hành mua tạm trữ gạo về cho địa phương...

Khó xác định nông dân hưởng lợi bao nhiêu

Từ ngày 20-2 đến 31-3, đã có 116 doanh nghiệp thuộc VFA triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo vụ đông xuân 2012-2013 ở các tỉnh ĐBSCL. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong ba tháng, từ 20-2 đến 20-5. Doanh nghiệp thực hiện mua lúa gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh và VFA sẽ tổ chức việc phân giao cho các đơn vị trực tiếp có kho chứa lúa gạo đúng quy chuẩn.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, cục trưởng Cục Chế biến - thương mại nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho biết trong thời gian thu mua, giá lúa loại thường tại ruộng đã nhích lên 5.100-5.300 đồng/kg, cao hơn thời điểm trước tạm trữ 100-200 đồng/kg. “Với giá thành sản xuất lúa bình quân toàn vùng ĐBSCL vụ đông xuân vừa qua theo như Bộ Tài chính là 3.616 đồng/kg, giá thu mua thực tế trong đợt mua tạm trữ đã cao hơn từ 38-46%” - ông Thừa nói.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi nông dân được hưởng lợi bao nhiêu trong khoản chênh lệch này, ông Thừa đã thừa nhận rằng khoản chênh lệch này không phải vào hết túi nông dân. “Để nông dân lãi 30% so với giá thành thì giá bán lúa phải không dưới 4.700 đồng/kg. Nhưng khi mua tạm trữ, chênh lệch giá lên tới 38-46% thì chắc chắn người dân đã được hưởng lợi từ chính sách này” - ông Thừa khẳng định.

Ông Trương Thanh Phong cũng cho rằng hầu hết nông dân ĐBSCL bán lúa ngay tại ruộng, nên phần chênh lệch giữa giá thành và giá bán có cả công đoạn vận chuyển, sấy, xay xát... nên khó xác định đã hưởng lợi bao nhiêu từ chênh lệch giá lúa. Cũng liên quan đến câu hỏi này, theo ông Phạm Đồng Quảng - phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), do vẫn chưa có điều tra cụ thể nên rất khó biết người dân được hưởng lợi bao nhiêu trong thời gian thực hiện mua tạm trữ lúa gạo.

Tuy nhiên theo ông Quảng, một điều chắc chắn là chính sách mua tạm trữ lúa gạo đã gián tiếp hỗ trợ, giúp đỡ người trồng lúa. “Việc Chính phủ cho mua tạm trữ gạo chỉ là gián tiếp hỗ trợ nông dân, góp phần kích cầu thị trường lúc dư thừa lúa gạo. Còn hỗ trợ trực tiếp, người nông dân đã có rất nhiều chính sách rồi” - ông Quảng nói.

Địa phương điều hành, VFA giám sát?

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng khẳng định chương trình mua tạm trữ năm nay là “kịp thời, giúp nông dân hưởng lợi gián tiếp từ chính sách do giá lúa gạo trên thị trường giữ được ổn định và tăng lên”. Những năm trước, việc tạm trữ thường được quyết định khi giá lúa hàng hóa trên thị trường thấp hơn giá định hướng, thời điểm tạm trữ vào cuối vụ, khi đã thu hoạch gần xong nên người nông dân được hưởng lợi không nhiều từ chính sách tạm trữ.

Phát biểu tại buổi họp báo, đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và VFA đều khẳng định không thể “cân đo” việc Nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp 100% lãi suất để mua 1 triệu tấn lúa gạo (khoảng 200 tỉ đồng), mà phải thấy qua việc mua 1 triệu tấn lúa gạo, dù chỉ 15% tổng sản lượng thôi thì đã tác động tích cực đến mặt bằng giá của 85% tổng sản lượng còn lại. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận việc phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và sự phân bổ của các doanh nghiệp tham gia tại các tỉnh cũng khác nhau, gây phản ứng trong dư luận.

Trước những ý kiến đề xuất giao việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ về cho các địa phương, ông Nguyễn Trọng Thừa cho rằng thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa VFA và UBND các tỉnh. Tuy nhiên, ông Trương Thanh Phong lại cho biết tổ chức này đã kiến nghị Chính phủ chuyển giao và đưa về UBND các tỉnh điều hành việc mua tạm trữ lúa gạo. “Nếu cái gì có lợi cho nông dân, dù một xu, một cắc cũng cần phải làm. Và nếu việc UBND các tỉnh điều hành việc này có lợi cho dân thì cũng nên đưa về cho địa phương làm. Bộ NN&PTNT hay VFA sẽ giám sát việc này” - ông Phong nói.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên