Hình ảnh ông nội (NSƯT Hữu Danh) trao lại mặt nạ tuồng cho cháu gái (Minh Thư) như lời nhắn nhủ thế hệ trẻ hãy gìn giữ tinh túy của nghệ thuật dân tộc - Ảnh: T.T.D
Sắc - Ấn ngọc Nam phương - cuộc hành trình ngược dòng thời gian của cô gái trẻ trở về thời điểm nghệ thuật hát bội cực thịnh ở miền Nam Việt Nam - Video: T.T.D.
Nghệ sĩ Tuấn Nguyễn (trái) hóa trang cho vai Tạ Lôi Nhược - Ảnh: T.T.D.
Với sự chỉ đạo của Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM đã thực hiện chương trình Sắc - Ấn ngọc Nam phương (kịch bản: Quỳnh Xuân) với mong muốn thu hút, chinh phục người trẻ, những người chưa bao giờ xem hát bội và hướng đến du khách trong và ngoài nước.
Cô gái trẻ chỉ mê loại hình giải trí sôi động bỗng lạc vào giấc mơ với thế giới các nhân vật hát bội - Ảnh: T.T.D
Chương trình dài khoảng 60 phút với sự tham gia của gần 60 diễn viên và nhạc công. Bao gồm các diễn viên, nhạc công của nhà hát; các diễn viên múa đương đại Arabesque; các diễn viên xiếc từ Nhà hát nghệ thuật Phương Nam…
Biên đạo múa Tấn Lộc, người rất thành công với nhiều show diễn hiện nay như À ố show, Sương sớm… lần đầu tiên hợp tác với nhà hát trong vai trò đạo diễn chương trình.
Để tôn vinh nét tinh túy và hành trình lịch sử của hát bội ở vùng đất phương Nam, ê kíp đã sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật như múa, âm nhạc, xiếc, mỹ thuật… kết hợp với trọng tâm là hát bội.
Cảnh Tạ Ôn Đình chém đầu Khương Linh Tá - Ảnh: T.T.D
Câu chuyện bắt đầu với một cô gái trẻ chỉ mê những loại hình giải trí hiện đại, sôi động. Rồi bất chợt cô rơi vào giấc mơ. Một giấc mơ kỳ lạ đưa cô về mái đình, nơi bà con nông dân chờ đón sự xuất hiện của những ông chúa, bà hoàng lộng lẫy trong những vở hát bội.
Cứ thế, cô như trôi đi giữa thăng trầm lịch sử, và nghệ thuật hát bội cũng đi theo những biến thiên ấy… GIấc mơ kỳ lạ đã giúp cô gái nhận ra vẻ đẹp lấp lánh của "viên ngọc" hát bội, để ý thức rằng người trẻ hôm nay cần nâng niu, giữ gìn viên ngọc quý đó.
Và rùng rùng với Đức thánh Trần Hưng Đạo ra quân - Ảnh: T.T.D
Có thể nói, Sắc - Ấn ngọc Nam phương là nỗ lực của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM với mong muốn loại hình nghệ thuật này có thể tiếp cận được người trẻ, đi cùng thời đại và tiếp tục được lưu truyền.
Tuy nhiên, để chương trình hấp dẫn và khán giả cảm thấy "đã" khi xem, Sắc - Ấn ngọc Nam phương cần hoàn thiện thêm để tạo điểm nhấn đắt giá.
Nghệ thuật xiếc tái hiện quang cảnh nghệ thuật đường phố trong hội chợ đấu xảo Paris khi hát bội được sang Pháp biểu diễn - Ảnh: T.T.D
Có lẽ đường dây xuyên suốt nên làm đậm hơn để câu chuyện liền mạch. Xiếc được đưa vào chưa đủ phát huy tạo không khí hoạt động nghệ thuật đường phố của một hội chợ đấu xảo, cảm giác như chưa ăn khớp vào tổng thể.
Phần hát bội cũng nên chắt lọc, chọn những gì tinh túy nhất đẩy lên khiến người ta sững sờ trước vẻ đẹp của nghệ thuật hát bội để không tạo cảm giác xem bị ngán. Phần nhân vật ông nội hướng dẫn cháu gái biểu diễn trình thức đào văn, đào võ cũng nên được nghiên cứu thể hiện sao để tránh vở bị chùng xuống…
Ông nội hướng dẫn cháu gái trình thức biểu diễn của đào võ trong nghệ thuật hát bội - Ảnh: T.T.D
Nhóm Arabesque trong lớp múa tôn vinh nghệ thuật hát bội sống mãi trong lòng người dân - Ảnh: T.T.D
Ông Hoàng Vũ - giám đốc nhà hát - cho biết nhà hát sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp và chỉnh sửa từ từ qua nhiều giai đoạn với mong muốn có một chương trình hấp dẫn nhất với người xem. Sau khi ra mắt và hoàn thiện chương trình, nhà hát sẽ thăm dò khán giả để quyết định lịch biểu diễn định kỳ hằng tháng tại Nhà hát thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận