Công nhân làm việc tại Công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh, huyện Nhà Bè, TP.HCM trưa 18-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh như vậy khi lần đầu tiên trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội hôm qua 12-11.
Tập trung hỗ trợ con người, lo an sinh xã hội
Nhắc lại thông điệp của Thủ tướng hồi đầu nhiệm kỳ về việc xây dựng chính phủ "đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ", ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) hỏi Thủ tướng sẽ có những định hướng, giải pháp gì để thực hiện. ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp căn cơ, có tính đột phá để thực hiện các mục tiêu cho năm nay.
Trả lời trực tiếp từng ĐB, Thủ tướng cho hay các cơ quan của Chính phủ đang phối hợp với Quốc hội xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế. Ngoài quỹ an sinh xã hội hiện có, sắp tới Chính phủ sẽ nghiên cứu thành lập quỹ phòng chống dịch. Theo Thủ tướng, bên cạnh các chính sách an sinh xã hội là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Thủ tướng đánh giá các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể phục hồi chậm hơn nên cần có chính sách hỗ trợ.
Một giải pháp nữa, theo ông là đầu tư hạ tầng, đẩy nhanh hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ. Theo ông, từ thực tế chỉ giải ngân được 50% vốn đầu tư công, vấn đề đặt ra tới đây là khi có gói kích thích kinh tế thì phải đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào để kích thích được nền kinh tế.
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng cho hay dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng với các chính sách hỗ trợ cần có quy mô đủ lớn để hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp, đặc biệt với các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
"Phương châm là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả, gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát" - Thủ tướng nói.
Đồ họa: T.ĐẠT
Tính toán liều lượng, hiệu quả gói hỗ trợ
Cũng là thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn liên quan đến gói hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế nhưng phải hiệu quả để tăng thu ngân sách, giữ được bội chi ngân sách.
Ông tính toán mỗi năm bỏ ra 20.000 tỉ đồng (trong 2 năm 2022-2023) thì với lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp khoảng 4%, sẽ huy động được khoảng 1 triệu tỉ đồng mà không làm tăng bội chi ngân sách, nợ công.
Ngoài ra sẽ phát hành trái phiếu chính phủ hoặc phát hành công trái hoặc trái phiếu bằng ngoại tệ để huy động tiền trong dân. Gói này chúng ta huy động khoảng 180.000 tỉ đồng, mỗi năm cũng chỉ tăng bội chi ngân sách 1%, tức giữ được bội chi ngân sách cho cả giai đoạn.
Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định trước Quốc hội là cần phải tính toán phù hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa làm sao để cho hài hòa, hợp lý, đảm bảo được mục tiêu vừa tạo ra động lực tăng trưởng vừa kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19. Việc xây dựng gói kích thích phải chú trọng cả vấn đề tổng cung và tổng cầu, không chỉ là phục hồi kinh tế mà cả vấn đề phục hồi, phát triển xã hội, bao gồm cả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp với các chính sách vĩ mô khác.
Chương trình tổng thể phục hồi chỉ trong hai năm 2022-2023, phải có trọng điểm, có tính khả thi cao, dẫn vốn vào khu vực cấp bách, cần thiết, có khả năng hấp thụ được vốn. Xây dựng chương trình quản lý rủi ro, phân bổ nguồn lực công khai minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí...
Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay 100% công nhân Công ty may mặc Dony (quận Tân Bình, TP.HCM) đi làm ổn định nên các đơn hàng xuất khẩu luôn đúng tiến độ - Ảnh: TỰ TRUNG
Phải khắc phục hạn chế, yếu kém của y tế dự phòng, y tế cơ sở
Trả lời ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) và ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Thủ tướng nhìn nhận công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa qua có việc làm được, có việc chưa làm được.
Để chống dịch hiệu quả, Thủ tướng cho hay thời gian tới phải khắc phục những hạn chế, yếu kém của hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở. Trong đó ngoài yêu cầu về nguồn lực tài chính, cần phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực y tế và có chính sách thu hút nhân lực xuống cơ sở.
Thủ tướng nêu rõ: "Dịch bệnh làm bộc lộ yếu kém về hệ thống y tế dự phòng và cơ sở, cần củng cố bằng các biện pháp khác nhau. Nhưng quan trọng nhất, theo tôi là phải đầu tư cho nguồn nhân lực, dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh, sớm nhưng đào tạo ngành y phải nhiều năm. Tôi lo nhất là đào tạo nguồn nhân lực, do đó phải tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nguồn nhân lực này tới cơ sở".
Khi có công ăn việc làm, người dân sẽ yên tâm ở lại quê hương
Nêu vấn đề về dòng người lao động về quê khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đặt câu hỏi về giải pháp, chính sách của Chính phủ cũng như các địa phương, trong đó có cơ chế liên vùng để giúp người dân an cư lạc nghiệp trên mảnh đất quê hương?
Vậy giải quyết áp lực này như thế nào? Thủ tướng nêu rõ: thứ nhất, trung ương phối hợp với địa phương để nâng cao năng lực y tế. Thứ hai, tăng cường năng lực cung cấp vắc xin. Thứ ba là bảo đảm an sinh xã hội. Thứ tư, kêu gọi sự hỗ trợ của các thành phần kinh tế để giúp giảm áp lực cho các tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Cho biết thêm về các chính sách căn cơ, Thủ tướng nêu rõ tạo sinh kế, công ăn việc làm mang tính quyết định. "Khi có công ăn việc làm thì người dân sẽ yên tâm ở lại quê hương" - ông nói.
Bà Mai Thị Sáng (quận 3, TP.HCM) vui mừng nhận tiền hỗ trợ - Ảnh: TỰ TRUNG
Yêu cầu đặt ra hậu chất vấn
Sau hơn hai ngày chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ,
trong đó có Thủ tướng và nhiều bộ trưởng lần đầu tiên trả lời chất vấn, các yêu cầu đặt ra hậu chất vấn là gì?
* Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang): Mong Thủ tướng sẽ đưa ra giải pháp cụ thể
Trong hai ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã điều hành rất linh hoạt, điều phối giữa người chất vấn và trả lời chất vấn hài hòa, phù hợp, cân đối hợp lý giữa người hỏi và trả lời hay tranh luận. Nhờ vậy khi chất vấn chúng tôi có điều kiện để nêu vấn đề rõ hơn, được tranh luận lại khi vấn đề chưa rõ.
Trong khi đó, các thành viên Chính phủ và Thủ tướng cũng đã trả lời rõ ràng, cụ thể, đi thẳng vào yêu cầu được đặt ra. Điều tôi tâm đắc nhất là câu trả lời của Thủ tướng, khi nhìn nhận vấn đề cần khắc phục trong công tác phòng chống dịch đó là nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, đầu tư nhiều hơn nữa về vật chất và nguồn lực con người. Tôi mong rằng tới đây Thủ tướng sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể để thực hiện vấn đề này.
* Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Mong những lời hứa đi vào thực chất
Đợt chất vấn trong kỳ họp này các đại biểu, trong đó có tôi, lại tiếp tục nêu vấn đề. Việc Thủ tướng ủng hộ và cho hay đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù cho phát triển ĐBSCL khiến đại biểu và cử tri đều vui, thỏa mãn mong muốn.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn theo dõi và chờ đợi sự quyết liệt chỉ đạo cũng như vào cuộc thực chất của các bộ, ngành phối hợp với lãnh đạo các địa phương để nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển vùng.
Trước hết phải đẩy nhanh việc hoàn thành quy hoạch ĐBSCL. Các đại biểu của ĐBSCL cũng sẽ theo đuổi và gặp Thủ tướng để thúc đẩy vấn đề. Cử tri ĐBSCL chờ đợi bao lâu nay, rất mong những lời hứa đi vào thực chất.
* Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn): Nâng cao hơn nữa quản trị nhà nước
Cơ bản Thủ tướng đã làm rõ hơn thông điệp cũng như các vấn đề liên quan đến chỉ đạo điều hành, đặc biệt là quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kỷ cương, vì nhân dân phục vụ.
Một trong những vấn đề đặt ra trong ứng phó đại dịch, phát triển kinh tế - xã hội là ngoài việc ưu tiên cải cách thể chế thì yêu cầu cần nâng cao hơn nữa quản trị nhà nước. Do đó, Chính phủ phải có đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn, xây dựng thể chế nhà nước đồng bộ, hoàn thiện, hiệu lực, hiệu quả, ứng phó vấn đề phát sinh, đặc biệt trong đại dịch; chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội phải đi đúng hướng, đi đúng mục tiêu.
Quản trị nhà nước liên quan tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống pháp luật, liên quan con người, phân công trách nhiệm, đặc biệt người đứng đầu... Thực tế giữa chủ trương đường lối và thực thi vẫn còn khoảng cách. Đây là vấn đề đã được chỉ ra, phải từng bước thực hiện và không thể đạt được một sớm một chiều. Thủ tướng nhấn mạnh việc phân cấp phân quyền, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.
Đây là xu hướng phải làm, là định hướng nguyên tắc cơ bản tạo nên bộ máy đủ mạnh, đảm bảo sự thống nhất. Bởi nếu không làm thì đùn đẩy công việc, sự chậm trễ vẫn xảy ra. Để làm được thì chính sách phải điều chỉnh để phân quyền mạnh hơn, để mỗi địa phương được chủ động sáng tạo.
N.AN - T.LONG ghi
Cần chăm lo tốt hơn sinh kế người lao động
Tôi rất hài lòng với các nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng sáng 12-11. Trong các nội dung trả lời chất vấn, tôi quan tâm nhiều đến chủ trương, quyết sách của Chính phủ nhằm ổn định đời sống, sinh kế cho người lao động và dài hơi hơn là phát triển thị trường lao động.
Dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều tỉnh thành thu hút nhiều lao động như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã khiến hàng triệu lao động khó khăn, bế tắc phải bỏ về quê. Điều này có nguyên nhân là người lao động không được chăm lo tốt, không được bảo đảm nơi ở, đời sống sinh hoạt khổ cực bấp bênh…
Tôi mong Chính phủ thúc đẩy các tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương thực hiện giải pháp chăm lo nhà ở, ổn định việc làm và đời sống để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, với địa phương. Chính phủ cần tạo cơ chế đặc thù cho các địa phương chủ động triển khai quyết sách phù hợp trong việc chăm lo, thu hút lao động, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế.
Đồng thời Chính phủ cần sớm thúc đẩy gỡ nút thắt hạ tầng, căn cơ tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động gắn bó với phát triển vùng ĐBSCL.
Luật sư BÙI QUỐC TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận