14/01/2018 14:42 GMT+7

Chương trình phổ thông mới: Hay, nhưng cần hoàn thiện

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ ghi
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ ghi

TTO - Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của các chuyên gia giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh... xoay quanh dự thảo hệ thống môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được Bộ GD-ĐT công bố.

Chương trình phổ thông mới: Hay, nhưng cần hoàn thiện - Ảnh 1.

Một tiết học toán của học sinh lớp 9/10 Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

TS NGUYỄN CAM (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): "Toán học cho mọi người" là cần thiết

Định hướng chương trình môn toán theo hướng "Toán học cho mọi người" là đúng đắn và hợp lý. Các nước tiên tiến họ đã làm từ lâu. Chương trình môn toán hiện tại quá hàn lâm và lý thuyết, học trò không biết mình học toán để làm gì.

Theo định hướng trên, chương trình mới sẽ hướng học sinh áp dụng môn toán vào cuộc sống và các ngành khoa học liên quan là rất cần thiết.

Nhưng tôi hơi băn khoăn với cách làm chương trình quá gấp gáp và cập rập của Bộ GD-ĐT. Thật ra đây mới chỉ là định hướng khung chương trình môn học, chứ chưa có chương trình chi tiết của mỗi môn học. 

Đáng lẽ chương trình chi tiết mỗi môn học phải được công bố trước đó, để các trường sư phạm cải cách phương thức đào tạo giáo viên. Đối với những giáo viên đang giảng dạy cũng cần được đào tạo lại bài bản, đủ sức đảm đương nhiệm vụ theo yêu cầu của chương trình mới.

Ông TẠ VIẾT QUÝ (nguyên chuyên viên môn tin học Sở GD-ĐT TP.HCM): Đổi mới phương pháp tập huấn giáo viên

Chương trình môn tin học như Bộ GD-ĐT vừa công bố là tạm ổn, tiếp cận được xu hướng phát triển của thế giới, giúp học sinh có những kỹ năng và cách nhìn đúng về thế giới số.

Tuy nhiên, để chương trình mới thành công, tôi cho rằng vai trò của lực lượng giáo viên rất quan trọng. Vì vậy, trước hết cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp tập huấn và phương pháp đào tạo giáo viên, làm sao để người đứng lớp hiểu được tường tận mục tiêu của bài học. 

Không để lặp lại tình trạng mỗi trường cử 1-2 giáo viên đi tập huấn qua loa, rồi về trường không truyền đạt lại được cho đồng nghiệp. Thế nên mặc dù đã dự tập huấn nhưng nhiều người vẫn dạy sai mục tiêu.

Th.S NGUYỄN VIẾT ĐĂNG DU (tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM): Bớt số liệu, sự kiện cho môn sử

Chương trình mới môn sử có nhiều điểm tích cực nhưng cần xác định lại rõ ràng: bậc THPT dạy sử cho học sinh thông qua chủ đề và chuyên đề. Vậy mục tiêu của những chủ đề, chuyên đề ấy là gì: bồi dưỡng tinh thần yêu nước hay đơn thuần chỉ là cung cấp kiến thức lịch sử cho học sinh?

Mặt khác, chương trình mới môn sử sẽ giảm bớt số liệu, sự kiện... Tôi cho rằng điều này không cần thiết vì đặc thù của môn sử là như vậy. Cái cần giảm chính là thời lượng kiến thức. Đừng bắt học sinh học quá nhiều nhưng cái gì cũng bao quát, dàn trải khiến các em học trước quên sau. 

Nếu nội dung chương trình được giảm bớt, chỉ tập trung vào một số chủ đề nhưng chuyên sâu (dành cho học sinh THPT) sẽ khiến học sinh yêu sử hơn và cảm thấy môn sử thú vị hơn.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng nên có định hướng kết nối chương trình môn sử với chương trình hoạt động trải nghiệm/hướng nghiệp vì rất cần thiết trong quá trình học sinh tìm hiểu về lịch sử.

HOÀNG THU DUNG (cựu học sinh Trường THPT Marie Curie, TP.HCM): Hứng thú với môn giáo dục thể chất

Tôi rất vui khi đọc trên báo và được biết môn giáo dục thể chất sẽ được thực hiện mang tính "mở", tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể lực, nguyện vọng của bản thân.

Đây là điều tôi và nhiều bạn đồng trang lứa mong muốn suốt những năm chúng tôi ngồi trên ghế nhà trường.

Chúng tôi mong ước giờ thể dục không phải học theo chương trình định sẵn một cách nhàm chán và buồn tẻ. Thích hay không thích chúng tôi đều phải học giống nhau, bởi nếu không học sẽ không có điểm.

Vài năm nữa các thế hệ đàn em sẽ được chọn lựa học bóng bàn hay bóng rổ, cầu lông... trong tiết thể dục. Điều này thật tuyệt vời. Nhưng tôi cũng băn khoăn vì không biết các trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện như vậy không?

anh_hoctrainghiem_13

Một tiết hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM: trải nghiệm làm tên lửa nước - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thầy HÀ XUÂN NHÂM (hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội): Không nên tách hoạt động trải nghiệm thành môn học

Hoạt động trải nghiệm không nên coi là một môn học độc lập, riêng biệt. Cũng không nên hiểu là hoạt động tách rời khỏi hoạt động dạy - học các môn học khác trong nhà trường.

Nếu coi là môn học độc lập, giáo viên phải có kiến thức sâu về rất nhiều bộ môn, nhiều lĩnh vực, mà điều này sẽ rất khó đáp ứng trong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, để giải quyết hoặc tìm hiểu một vấn đề trong thực tiễn cần rất nhiều kiến thức thuộc các bộ môn khác nhau (liên môn).

Ngược lại, nếu chỉ tổ chức hoạt động thực tiễn mà không dạy lý thuyết trên lớp, không gắn lý thuyết với những vấn đề của cuộc sống ở ngay trong tiết học thì môn học sẽ không có ý nghĩa và hiệu quả khi cho học sinh thực hành, thực nghiệm.

Như vậy, nên coi hoạt động trải nghiệm là phương pháp, cách thức tổ chức các hoạt động học tập tích cực cho học sinh. Trong đó tùy từng hoạt động mà có nội dung đơn môn, hoặc liên môn phù hợp.

Không nên hiểu cứ trải nghiệm là nhất thiết phải đưa học sinh lên ôtô, đi ra khỏi khuôn viên trường học. Bởi trải nghiệm không phải là đi tham quan.

Trải nghiệm học tập có xác định mục tiêu rõ ràng, có phân công nhiệm vụ cho học sinh và nhóm học sinh, có thời hạn thực hiện (phỏng vấn, viết bài, làm phim, sáng tác...) và có báo cáo trải nghiệm.

Nếu hiểu điều đó thì không nhất thiết phải cần nhiều kinh phí, tổ chức hoành tráng tốn kém, mà mỗi nhà trường có thể tùy theo điều kiện, đặc thù của địa phương để lựa chọn cách thức trải nghiệm khác nhau.

Làm sao để hoạt động đó gần gũi, bổ ích, hấp dẫn và ít nhiều tác động tới nhận thức, suy nghĩ, hành vi, kỹ năng và cả tình cảm của học sinh.

PGS.TS ĐỖ NGỌC THỐNG (chủ biên chương trình môn tiếng Việt - ngữ văn): Có thể sử dụng ngữ liệu mới

Chương trình mới được xây dựng với định hướng mở, linh hoạt. Thể hiện trước hết ở việc không dạy theo lịch sử văn học, mà tập trung vào dạy cách đọc các thể loại tiêu biểu thông qua những tác phẩm tiêu biểu.

Để bảo đảm định hướng này, chương trình chỉ chọn một số tác phẩm lớn đặc biệt mang tính bắt buộc. Các tác phẩm khác trước đây từng có trong chương trình - sách giáo khoa (SGK) sẽ đưa vào phụ lục để các tác giả SGK và giáo viên hình dung về thể loại, đề tài, độ khó, sự phù hợp tâm lý lứa tuổi...

Tác giả viết SGK và giáo viên, học sinh hoàn toàn có quyền được chọn các ngữ liệu nằm ngoài phụ lục của chương trình để đưa vào các cuốn SGK và để dạy học. Vì khối lượng cần cho việc dạy ngữ văn trong 12 năm là rất nhiều.

Định hướng, mục tiêu cuối cùng của môn học nhằm hình thành và phát triển cách đọc hiểu, cách tiếp nhận văn bản, phương pháp đọc, để học sinh tự đọc chứ không chỉ tập trung vào dạy một số tác phẩm cụ thể quy định trong chương trình.

Chương trình và SGK mới sẽ có thêm một số văn bản mới nhưng không nhiều (chỉ 20-30%), nghĩa là 70-80% văn bản vẫn được kế thừa ở chương trình hiện hành.

Với chương trình thiết kế như thế này, giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh.

Việc kiểm tra, đánh giá cũng phải thay đổi theo hướng kiểm tra năng lực, không kiểm tra việc ghi nhớ kiến thức thuần túy, không phụ thuộc vào bất kỳ một cuốn SGK cụ thể nào, chỉ dựa vào các yêu cầu cần đạt (tức chuẩn của chương trình) để ra đề thi.

Học sinh sẽ phải vận dụng những hiểu biết đã được học về cách đọc hiểu, cách phân tích một văn bản tác phẩm để thực hành với một văn bản tác phẩm khác, ngữ liệu mới, không thuộc một cuốn SGK cụ thể nào.

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên