22/08/2017 08:09 GMT+7

Chương trình phổ thông mới: chậm từ trên xuống

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT đồng loạt kiến nghị lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhiều nơi vẫn chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng chương trình phổ thông mới. Trong ảnh: lớp học giữa rừng ở làng Đăk Rao Lớn, thị trấn Đăk Tô, Kon Tum - Ảnh: KIM SƠN

Chương trình mới chậm là từ trên xuống. Lẽ ra khi bàn để xây dựng chương trình mới thì tinh thần đổi mới phải thấm tới từng cơ sở, từng giáo viên chứ không chờ tới bây giờ mới bắt đầu chuẩn bị.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Lý do được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017, triển khai năm học mới 2017 - 2018 sáng 21-8 của Bộ GD-ĐT là còn quá nhiều việc phải chuẩn bị.

Bộ GD-ĐT quá vội vã?

Nói về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bà Nguyễn Thị Minh Giang - giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang - cho rằng điều quan trọng khi thực hiện chương trình mới là các điều kiện phải đồng bộ về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và chương trình, sách giáo khoa.

“Nếu bắt đầu triển khai từ năm 2018 - 2019 cũng phải làm dần từng năm. Nên chọn bắt đầu làm từ đâu, cái gì làm trước. Tôi đề xuất nên bắt đầu từ việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, tổ chức dạy thí điểm rồi mới nhân rộng mô hình” - bà Giang nói và thẳng thắn: điều kiện hiện nay dù nỗ lực chuẩn bị cũng không thể kham nổi nếu thực hiện toàn bộ chương trình.

Đề cập hàng loạt vấn đề cần được xem xét, thay đổi khi triển khai chương trình mới, bà Giang đưa thực tế đang tồn tại ở Kiên Giang: “Chúng tôi thiếu khoảng 1.000 giáo viên. Trong đó riêng bậc mầm non thiếu khoảng 500 giáo viên...”.

Theo ông Phạm Văn Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, Bộ GD-ĐT phải tính toán để có khoảng thời gian đủ cho tất cả giáo viên đều được tập huấn, bồi dưỡng và hiểu tinh thần đổi mới giáo dục. “Thừa Thiên - Huế không phải địa phương có số giáo viên lớn nhưng để 17.000 giáo viên của chúng tôi thấm được tinh thần đổi mới, cần có thời gian đủ để chín”, ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Một số đại diện các sở GD-ĐT cho rằng để chương trình mới không “tam sao thất bản” và được triển khai đúng với mục đích đã đặt ra, Bộ GD-ĐT cần có kế hoạch cụ thể. “Chúng tôi mong không chỉ cán bộ quản lý mà cả giáo viên trực tiếp đứng lớp cũng được tham gia các lớp tập huấn do chính các chuyên gia xây dựng chương trình mới trực tiếp đứng lớp”, lãnh đạo một sở GD-ĐT nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: V.D.

Không nên ra quân đồng loạt

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long - nhấn mạnh hiện các thành phố lớn có điều kiện để xã hội hóa nhưng vùng sâu, vùng xa khó có nguồn nào khác để cải tạo cơ sở vật chất. Vì thế, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các bộ ngành khác ban hành chuẩn cơ bản về cơ sở vật chất, đủ khả thi khi đi vào thực tế, phù hợp với từng vùng miền, từng địa phương.

“Sĩ số học sinh/lớp ở nhiều địa phương quá đông. Chuẩn bị cho chương trình mới, Bộ GD-ĐT cần quy định chuẩn tối thiểu về sĩ số để Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính căn cứ vào đó phân bổ biên chế, tài chính cho phù hợp” - bà Thanh đề nghị.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng chỉ riêng chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo thực hiện tốt chương trình đã không đơn giản. Trong đó với mỗi vùng miền lại có những yêu cầu khác nhau. Rồi hàng loạt quy định, chính sách liên quan tới hoạt động dạy học, quản lý chuyên môn, quản lý lao động của giáo viên cần phải rà soát, điều chỉnh thay đổi.

“Đây không phải việc có thể dùng ý chí để làm ngay một lúc trong thời gian ngắn” - lãnh đạo một sở GD-ĐT quả quyết.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang đề nghị “không nên đợi đến một lúc rồi ra quân đồng loạt” và nhấn mạnh Bộ GD-ĐT khi đã ban hành mô hình giáo dục mới cần phải nghiên cứu cẩn trọng, đảm bảo khoa học, có cơ sở thực tiễn, xem nhu cầu xã hội có thực sự cần không... Theo bà Giang, một khi đã ban hành thì phải theo đuổi tới cùng.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ sẽ... cân nhắc, tiếp thu ý kiến góp ý của các sở, các trường về chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trao đổi về vấn đề trên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc chậm triển khai xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới là một hạn chế của năm học 2017 - 2018. Theo ông Đam, chương trình mới chậm là từ trên xuống. Lẽ ra khi bàn để xây dựng chương trình mới thì tinh thần đổi mới phải thấm tới từng cơ sở, từng giáo viên chứ không chờ tới bây giờ mới bắt đầu chuẩn bị.

Ông Vũ Đức Đam cũng cho rằng hiện còn quá nhiều quy định cứng nhắc, bất cập, những quy định mang tính cầm tay chỉ việc làm giảm tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo của các cấp giáo dục, của cán bộ quản lý, giáo viên.

Theo ông Đam, những quy định bất cập trên cần phải được rà soát, lược bỏ, thay thế vào đó các quy định mới phù hợp với yêu cầu khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một lớp học ghép lớp 4 và 5 tại xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, Lào Cai - Ảnh: NGỌC BẰNG

Ông Phan Thanh Bình (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Không triển khai để lại đổi mới và sửa

Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Ngành giáo dục đã nhiều lần triển khai chương trình đổi mới. Đã đến lúc không thể tiếp tục triển khai để lại đổi mới và sửa. Tránh thay đổi nhiều, gây biến động xã hội.

Khi thay đổi, chúng ta cần nghĩ đến vùng sâu, vùng xa và các em dân tộc thiểu số. Liệu ở đó có đủ điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng chương trình mới không và liệu học sinh miền núi sẽ học như thế nào? Học sinh vùng cao có phải học đúng như miền xuôi không? Các em có học ngày hai buổi không? Chúng ta không đặt các em thấp hơn học sinh đô thị, đồng bằng, nhưng chương trình cần phù hợp với điều kiện của các em...

Theo nghị quyết của Quốc hội, năm sau (năm 2018 - PV), chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai. Quan điểm của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là làm sao có chương trình phổ thông tốt nhất cho các em. Chúng ta phải chuẩn bị chương trình, phương pháp, thầy cô trọn vẹn, đầy đủ.

Thầy Hoàng Long Trọng (giáo viên Trường THCS Văn Lang, Q.1, TP.HCM):

Đổi mới đội ngũ giáo viên trước

Tôi nghĩ năm học 2018 - 2019 chưa phải là thời điểm phù hợp để áp dụng chương trình phổ thông tổng thể. Cần phải có lộ trình, không nóng vội.

Đổi mới giáo dục trước tiên phải đổi mới về đội ngũ nhà giáo và có điều kiện cơ sở vật chất phù hợp. Còn hiện tại, đội ngũ giáo viên - những người trực tiếp thực hiện chương trình, quyết định sự thành bại của chương trình phổ thông tổng thể - đa số vẫn chưa có sự chuẩn bị để đón nhận.

Khi chương trình mới ra đời, giáo viên cần được tập huấn về các phương pháp, các nội dung mới. Nhưng nội dung này vẫn chưa có kế hoạch thực hiện cụ thể từ sau khi có dự thảo. Thậm chí nhiều đồng nghiệp của tôi còn chưa hề nghe nói đến chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Thầy Đặng Trần Thuần (hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Khuyến, huyện Ea Kar, Đắk Lắk):

Quá gấp gáp

Trong năm học trước, Phòng GD-ĐT có gửi bản dự thảo về chương trình giáo dục tổng thể để trường họp, đóng góp ý kiến. Việc chương trình giáo dục mới sẽ áp dụng trong năm học 2018 - 2019 tôi cho rằng sẽ quá gấp gáp, khó mà áp dụng được. Hiện nay với chương trình mới chúng tôi chưa thấy có phương án cho từng công việc cụ thể. Hơn nữa, hiện nay các trường quản lý, giảng dạy đều vẫn đang thực hiện theo chương trình giáo dục cũ, chưa trải qua tập huấn theo chương trình mới.

Ngay bản thân tôi mới chỉ xem qua bản dự thảo để góp ý chứ cũng chưa được tập huấn công tác quản lý. Ngoài ra, nếu áp dụng chương trình mới, tôi chưa rõ bộ sẽ chỉ thay đổi cho khối 6 thôi hay là cho tất cả các khối?

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM:

Cần sớm tập huấn cho giáo viên

Tôi nghĩ không nên quá vội vàng áp dụng, nên lùi lại ít nhất một năm nữa. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đòi hỏi rất nhiều thứ, đặc biệt là năng lực của giáo viên và cơ sở vật chất. Nếu vội vàng khi hai yếu tố đó chưa được chuẩn bị kỹ càng, phù hợp thì hỏng bét. Tôi cũng đề nghị phải có chương trình tập huấn, có sách giáo khoa sớm và phổ biến rộng rãi để giáo viên nắm được chương trình.

TRUNG TÂN - PHƯƠNG NGUYỄN ghi

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên