TTCT - Mất 9 năm để có thể bắt đầu một cuộc đổi mới giáo dục với chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng chỉ trong khoảng 1 tháng bị phản đối việc đưa môn lịch sử vào nhóm môn lựa chọn ở lớp 10, chương trình này có nguy cơ phải điều chỉnh khi chưa kịp thực hiện ở cấp THPT. Minh họaPhủ quyết trên bàn họpTrong khoảng một tháng, sau khi có một số ý kiến trên báo chí cho rằng môn lịch sử sẽ có nguy cơ bị “xóa sổ” ở bậc THPT khi nó nằm trong nhóm môn học lựa chọn, Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội đã có 2 phiên họp tập trung nhiều vào nội dung môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD-ĐT có một cuộc họp với các chuyên gia cũng về nội dung này. Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022 - 2026 cũng bàn thảo việc này. Rồi môn lịch sử được bàn đến trong cuộc họp Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp Quốc hội vào tháng 5-2022 và nóng bỏng trên nhiều trang báo chính thống, xôn xao trên nhiều cộng đồng mạng xã hội.Theo thiết kế chương trình này, hệ thống giáo dục quốc dân sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản trong 9 năm (đến hết lớp 9) sẽ trang bị đủ kiến thức cơ bản ở tất cả các lĩnh vực (môn học/hoạt động) đủ cho học sinh có nền tảng kiến thức, kỹ năng phổ thông để tiếp tục học lên cao hoặc phân luồng học nghề, tham gia thị trường lao động. Bậc THPT là giai đoạn giáo dục phân hóa, định hướng nghề nghiệp.Vì mục tiêu này nên hệ thống môn học ở bậc THPT được chia các nhóm: bắt buộc (7 môn học, hoạt động), lựa chọn (lựa chọn 5 trong số 9 môn học của 3 nhóm môn học lựa chọn). Ngoài ra còn có một số môn học tự chọn như ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc (có thể học, có thể không học). Học sinh cũng phải chọn 3 trong số các cụm chuyên đề đi kèm theo các môn học, hoạt động. Đây là các chuyên đề nâng cao hoặc chú trọng ứng dụng, thực hành phục vụ định hướng nghề nghiệp hoặc đáp ứng sở thích của người học.Môn lịch sử nằm ở 1 trong 3 nhóm môn học lựa chọn. Nó được thiết kế theo các chủ đề chuyên sâu gồm cả lịch sử Việt Nam và thế giới, lịch sử trong các lĩnh vực đời sống khác nhau như văn hóa, kinh tế… Và đây là chương trình không phù hợp dành cho đại trà.Trên thực tế, trong tháng 5 nhiều trường THPT trên cả nước đã dự kiến các tổ hợp môn học chuẩn bị cho tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Ngay tại Hà Nội, có những trường có 80-85% học sinh chọn môn lịch sử. Nhưng một nỗi lo bâng khuâng rằng “học sinh quay lưng với lịch sử”, “học sinh sẽ không được giáo dục lòng yêu nước” đã châm ngòi cho một cuộc bàn cãi, với nhiều ý kiến trái chiều, rồi tạo nên một làn sóng phản ứng dữ dội việc môn lịch sử là môn học lựa chọn.“Có cảm giác như một sáng thức giấc, cả xã hội cùng bừng tỉnh nhận ra không thể thiếu môn lịch sử trong nhóm môn học bắt buộc ở bậc THPT” - một người làm giáo dục lâu năm chia sẻ. Bừng tỉnh và bức xúc, phản đối là những cảm xúc lấn át mọi lý lẽ trong một tháng qua, ngay cả cơ quan có thẩm quyền là Bộ GD-ĐT cũng rơi vào sự bối rối, những tiếng nói phản biện yếu dần.Tại cuộc họp cuối tháng 5-2022 của Ủy ban Văn hóa giáo dục Quốc hội (Quốc hội khóa 15), bà Nguyễn Thị Mai Hoa - phó chủ nhiệm ủy ban - nói rằng “đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn lịch sử cấp trung học phổ thông thành môn lựa chọn”. Lý do các chuyên gia được mời họp phản đối môn lịch sử là môn học lựa chọn vì: lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử. Lịch sử cũng giúp bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.Sau phiên họp này, có thể hiểu số phận môn lịch sử đã nghiêng hẳn về hướng bắt buộc. Việc của Bộ GD-ĐT hiện thời chỉ là tìm ra phương án để điều chỉnh chương trình. Lúc này chỉ còn 3 tháng nữa là bắt đầu năm học mới. Và thực sự không còn kịp thời gian cho các nhà trường chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, và kế hoạch tổ hợp môn học khi chỉ còn khoảng 2-3 tuần là tới kỳ tuyển sinh vào lớp 10.Ta đã quên mất điều gì?Vì làn sóng quá dữ dội, kéo theo các cơ quan, cá nhân có tiếng nói trọng lượng trong xã hội nên có lẽ nhiều người đã quên mất một điều: chương trình mới được triển khai dựa trên hai nghị quyết lớn: nghị quyết 29/NQ-TW năm 2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và nghị quyết 88/2014/QH13 năm 2014 về đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông. Có nghĩa nó đã được định hướng, nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng từ 9 năm trước. Tới năm 2018, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đến nay, chương trình này thực hiện được 2 năm, ở cấp tiểu học và THCS. Minh họaTrở lại những ngày đầu xây dựng chương trình mới, mặc dù đã thống nhất chương trình THPT là đẩy mạnh phân hóa, hướng nghiệp, hướng đến giáo dục cá nhân chứ không phải đại trà như giai đoạn nền tảng, nhưng việc đưa môn nào vào bắt buộc, môn nào lựa chọn cũng đã xảy ra tranh cãi, góp ý, thay đổi rất nhiều.Từ ban đầu, trong dự thảo chương trình năm 2014 chỉ có 4 môn học bắt buộc, nhưng tới chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có tổng cộng 7 môn học, hoạt động bắt buộc. Điều này phản ánh áp lực rất lớn từ những người xây dựng chương trình. Với một cuộc đổi mới, thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn, thiếu bản lĩnh trong việc phản biện, bảo vệ quan điểm thì ắt sẽ chẳng khác gì “đẽo cày giữa đường”. Và thực chất, Bộ GD-ĐT đã “đẽo cày” từ những năm đầu. Sau môn lịch sử và một loạt môn học đang được yêu cầu chuyển về “bắt buộc”, sự thất bại của chương trình phân hóa ở THPT đang ở trước mắt. Những người đang bàn luận sôi nổi, phản ứng rần rần đã lãng quên hoặc cố tình lãng quên mục tiêu ban đầu khi thiết kế chương trình, cũng quên luôn rằng đã có cả một cuộc trường kỳ góp ý xây dựng chương trình này.Ông Trần Kiều, chủ tịch hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (dựa trên chương trình tổng thể, mới xây dựng các chương trình môn học, hoạt động), cho biết hội đồng này đã trải qua 3 vòng thẩm định. Mỗi vòng cách nhau một khoảng khá xa để ban phát triển chương trình đủ thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa.Ông Kiều cũng cho biết GS sử học Phan Huy Lê (từng là chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) là 1 trong 2 nhà sử học đã tham gia hội đồng thẩm định. Hội đồng này cũng từng cân nhắc đến nhóm môn học nào đưa vào diện bắt buộc và lựa chọn ở bậc THPT, trong đó có môn lịch sử. Sau thuyết minh, giải trình của ban biên soạn chương trình, hội đồng quyết định môn lịch sử nằm trong nhóm môn học lựa chọn.Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng thực hiện các quy trình lấy ý kiến các hội nghề nghiệp, các ban, ngành và công bố công khai để trưng cầu ý kiến rộng rãi. Đây cũng là điều đã bị lãng quên trước làn sóng phản đối trong một tháng qua.Người duy nhất có tiếng nói đi ngược với phản ứng về môn lịch sử trong cuộc họp của Ủy ban Văn hóa giáo dục Quốc hội khóa 15 - bà Nguyễn Thị Kim Thúy (ĐBQH Đà Nẵng) nhắc lại nghị quyết 29/NQ-TW và nghị quyết 88/2014/QH13 để nhấn mạnh với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học, điều quan trọng là xây dựng chương trình môn học thế nào để học sinh yêu thích lịch sử. Và việc sửa chương trình môn lịch sử không đơn giản như gõ bàn phím đổi từ “lựa chọn” thành “bắt buộc”. “Nếu sửa chương trình thành bắt buộc thì phải sửa cả chương trình môn học này ở cấp THPT vì hiện nay chương trình phân môn lịch sử ở cấp THCS đã đưa toàn bộ những nội dung nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi về lịch sử Việt Nam và thế giới”, bà Thúy phân tích.Sau môn lịch sử, lại có những ý kiến tiếp tục cho rằng môn địa lý, môn giáo dục kinh tế và pháp luật cũng quá quan trọng, cũng giáo dục lòng yêu nước, ý thức pháp luật, trách nhiệm công dân. Môn tin học càng cần hơn trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Cần thiết thì lại phải đưa về “bắt buộc”.Ai chịu trách nhiệm?Vấn đề rất lớn cần được đặt ra là “Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu chương trình phải chỉnh sửa vào lúc chưa thực hiện?”.Nếu chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã trải qua các vòng lấy ý kiến, thẩm định để đi tới đồng thuận cao mới triển khai thì việc chỉ trong 1 tháng, dựa trên những ý kiến phản đối mà thay đổi thì rất không hợp lý. Thậm chí đó là cách xây dựng, điều chỉnh chương trình phản khoa học.Nhưng nếu những ý kiến phản đối xác đáng (dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn) thì cần phải truy lại giai đoạn “trưng cầu ý kiến” mà Bộ GD-ĐT đã triển khai để xem thực chất có sự đồng thuận cao không, quy trình thẩm định đã chặt chẽ, đúng trách nhiệm chưa. Nếu hội đồng thẩm định chốt sai, Bộ GD-ĐT quyết sai thì phải có người chịu trách nhiệm về việc này.Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai với kinh phí 80 triệu USD, trong đó bao gồm 77 triệu USD từ vốn vay ODA ưu đãi và 3 triệu USD vốn đối ứng. Cuộc đổi mới chương trình được kỳ vọng tác động đến toàn hệ thống giáo dục Việt Nam.Đây là một chương trình thiết kế mở và cho phép điều chỉnh, hoàn thiện trong quá trình thực hiện để phù hợp với thực tiễn. Nhưng khi nó chưa thực hiện mà đã phải sửa lại là câu chuyện hoàn toàn khác.■ Tags: Giáo dụcMôn sửĐổi mới giáo dụcChương trình phổ thôngDạy sửChương trình lớp 10Thpt
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Truyện ngắn: Trích đoạn Chiến tranh (J. M. G. Le Clézio) J. M. G. Le Clézio (trích) 15/11/2024 2561 từ
Tin tức sáng 20-11: Hôm nay Quốc hội họp đợt 2, thảo luận Luật Nhà giáo và đường sắt tốc độ cao TUỔI TRẺ ONLINE 20/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Hôm nay Quốc hội họp đợt 2, thảo luận Luật Nhà giáo và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Hơn 700 bác sĩ đăng ký thực hành tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế ở TP.HCM...
Hết trend 'túi mù', giờ lại đua nhau chi tiền triệu 'đập hộp mù' Đoàn Nhạn 20/11/2024 "Hộp mù" Baby Three không chỉ gây sốt trên các kênh bán hàng trực tuyến, gần đây trào lưu này đã tràn ngập trên các vỉa hè, thậm chí xuất hiện những xe máy, ô tô chất đầy "hộp mù" dừng bán ngay trên đường ở Đà Nẵng và TP.HCM.
Trước khi làm thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải từng bị tuyên án treo về tội 'đầu cơ' TUYẾT MAI 19/11/2024 Trong vụ án Xuyên Việt Oil mà Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ đưa ra xét xử từ ngày mai (20-11), có 2 bị cáo trước khi được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo tại Bộ Công Thương đã từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các ngoại trưởng châu Âu tố Nga đang tấn công ‘có hệ thống’ vào cấu trúc an ninh châu Âu UYÊN PHƯƠNG 19/11/2024 Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha và Anh đồng loạt cho biết trong một tuyên bố chung hôm 19-11 rằng Nga đang mở cuộc tấn công ‘có hệ thống’ nhằm vào cấu trúc an ninh châu Âu.