Người dân tổ 4, thôn Long Bình 2, xã An Hải, huyện Ninh Phước luôn “khát” nước sạch - Ảnh: M.TRÂN
Chuyện ở tổ 4, thôn Long Bình 2, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), nơi người dân phải đi hàng cây số mua từng bình nước sạch mỗi ngày.
Tiết kiệm nước từng giọt
Dòng kênh Nam chảy qua đây luôn dơ bẩn, đục ngầu nhưng lại là dòng nước mát cho những đứa trẻ trong làng dùng gàu múc tắm vì không còn nguồn nước nào khác.
"Không có nguồn nước sạch, bọn trẻ đành phải tắm chung dòng nước tắm cho đàn gia súc, tưới cho cây trồng" - một người dân cho hay.
Chị Lê Thị An, có hai con nhỏ dưới 10 tuổi, cho biết nước tưới cho cây trồng ở đây lúc nào cũng có. Vào mùa khô, nếu kênh Nam cạn, người dân dùng giếng bơm lấy nước tưới. Nhưng nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh để tắm giặt thì không có, từ nhiều thế hệ rồi.
Thiếu nước sạch, người dân chở từng can nước về uống, nấu ăn - Clip: MINH TRÂN
"Nước kênh dơ bẩn, ô nhiễm. Còn nước giếng luôn nhiễm phèn, chỉ dùng để tắm giặt. Mỗi lần tắm nước giếng xong, vợ chồng tui và hai cháu nhỏ đều bị mẩn ngứa, còn dùng để giặt thì áo trắng dần ngả sang áo vàng" - chị An nói.
Mỗi sáng, mỗi chiều, vợ chồng chị An xách bình nước (loại 20 lít) chạy ra đường liên huyện (cách xa hơn một cây số) mua nước chở về nhà. Nước này dùng để dành nấu nước uống, nấu ăn và chỉ giội lại sau khi tắm nước giếng cho khỏi mẩn ngứa.
"Vì phải đi xa mua nước sạch nên cả nhà tiết kiệm từng giọt nước sạch để đủ sử dụng trong ngày" - chị An kể.
Mong chờ nguồn nước sạch
Hơn 80 hộ dân tổ 4 nhà nào cũng ước ao có được đường ống nước sạch dẫn đến nhà, nhưng kinh phí quá lớn so với khả năng của họ nên đành phải chịu cảnh thiếu nước sạch bao năm qua.
Bao năm cũng đi mua nước về cho nhà nấu ăn, nấu uống, chị Trịnh Thị Ngọc Thư (tổ 4) cho hay nhà chị và nhà người anh kề bên định hùn tiền lắp đồng hồ nước ngoài đường liên huyện, kéo ống nước vào hai nhà (gần cây số) nhưng khi tính toán kinh phí lên đến 15 triệu đồng thì tá hỏa, không thể lo nổi.
"Lấy đâu ra đủ tiền để có nước sạch trong khi gia cảnh mẹ góa hai con côi, chạy ăn từng bữa" - chị Thư nói.
Theo ông Huỳnh Văn Sang - trưởng thôn Long Bình 2, trước tình trạng hơn 80 hộ dân tổ 4 thiếu nước sạch nghiêm trọng, vào năm 2006 một giếng đào công cộng đường kính 3m được thi công tại chợ thôn gần tổ 4, nhưng nguồn nước mạch khu vực này không dùng được vì nước nhiễm phèn, đục ngầu.
Ông Bùi Thế Ly, phó chủ tịch UBND xã An Hải, cho biết trước nay người dân tổ 4, thôn Long Bình 2 không có nguồn nước sạch sử dụng. Các nguồn nước từ giếng đào, giếng bơm vùng này đều nhiễm phèn không dùng được.
Người dân mong được nguồn nước sạch, xã ghi nhận làm tờ trình lên huyện, huyện trình tỉnh.
Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận trả lời chưa có kinh phí đưa hệ thống đường ống lớn về tổ 4, người dân ở đây còn phải tiếp tục chờ nguồn nước sạch.
"Nay hay tin chương trình "Sẻ chia nước sạch" của báo Tuổi Trẻ sẽ hỗ trợ đưa hệ thống nước sạch từ đường liên huyện về tận tổ 4, thôn Long Bình 2, bà con nơi đây vui mừng lắm" - ông Ly nói.
Chương trình "Sẻ chia nước sạch" do báo Tuổi Trẻ phát động với sự đồng hành của nhãn hàng Comfort 1 lần xả, Công ty Unilever nhằm hỗ trợ nước sạch cho người dân vùng sâu vùng xa, vùng hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt.
Tại tỉnh Ninh Thuận, chương trình sẽ hỗ trợ kinh phí kéo đường nước về tổ 4, thôn Long Bình 2, xã An Hải, huyện Ninh Phước. Công trình sẽ thi công và hoàn thành trong tháng 1-2019.
Chương trình "Sẻ chia nước sạch" đã thực hiện vào năm 2017 và 2018. Đợt này, chương trình hỗ trợ kinh phí các công trình nước sạch cho vùng sâu, vùng cao 8 tỉnh cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận