01/08/2018 08:37 GMT+7

Chương Mỹ ngập sâu, sẵn sàng di dân

VŨ TUẤN - CHÍ TUỆ - MẠNH HÙNG
VŨ TUẤN - CHÍ TUỆ - MẠNH HÙNG

TTO - Mực nước sông Bùi, sông Tích, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vượt mức báo động 3 từ ngày 27-7 đến 31-7.

Chương Mỹ ngập sâu, sẵn sàng di dân - Ảnh 1.

Nước ngập sâu nhiều đoạn đường ở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - Ảnh: VŨ TUẤN

Chiều 31-7, nước sông Bùi rút được 2 gang tay, nhưng nhiều điểm xung yếu, đê tả sông Bùi vẫn bị đe dọa. Trong hai ngày vừa qua, TP Hà Nội cấp 10.000 bao tải, huy động 600 chiến sĩ cùng đông đảo lực lượng dân quân các xã dọc tuyến đê tả sông Bùi tham gia hộ đê. 

Hơn 3.500m đê thuộc các xã Thanh Bình, Tốt Động, Trung Hòa, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ được gia cố. Tuy nhiên, ở những chỗ xung yếu, lực lượng dân quân và người dân túc trực 24/24 giờ đề phòng tình huống xấu.

Hơn 14.000 hộ dân sẵn sàng di dời

Các đoạn đê cao hai bên sông Bùi đã trở thành nơi trú ngụ của gia súc, gia cầm. Người nông dân vùng ngập Chương Mỹ di chuyển đàn gia cầm lên đê trong đêm, làm lều ngay trên mặt đê để giữ nguồn sống của gia đình. 

Bà Nguyễn Thị Nhung ở xóm Đừn, xã Tốt Động, cho biết nhà bà bị ngập gần một tuần nay. Cả gia đình 11 người đã chuyển đến ở nhờ nhà anh em. Cuộc sống đảo lộn, đồ đạc trong nhà hư hỏng nhiều.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội, trước mắt các công ty thủy lợi đang vận hành hết công suất các trạm bơm tiêu chống úng, chính quyền địa phương tiếp nhận và cung ứng cứu trợ cho người dân. Nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó để nhanh chóng ổn định cuộc sống, sản xuất cho người dân.

Diễn biến thời tiết vẫn khó lường, lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo các địa phương theo dõi sát sao tình hình thời tiết, trực ban 24/24 giờ và tăng cường kiểm tra, gia cố kịp thời những vị trí đê xung yếu. Hơn 14.000 hộ dân vùng trũng ở Chương Mỹ cũng sẵn sàng rời nhà khi có tình huống xấu xảy ra.

Quy trình đóng, mở cửa đáy hồ Hòa Bình rất từ từ, cho đến hôm qua đã đóng cửa cuối cùng. Cho nên lưu lượng nước xuống hạ du không tăng, giảm đột ngột để dẫn tới sạt lở ở bờ sông Đà

Ông Nguyễn Trường Sơn (phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai)

Chương Mỹ ngập sâu, sẵn sàng di dân - Ảnh 3.

Một ngôi nhà bị sập xuống sông - Ảnh: MẠNH HÙNG

Bơm cưỡng bức cho nước thoát nhanh

Trả lời báo chí ngày 31-7, phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho rằng khu vực các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai... là vùng trũng nên khi lũ tràn vào thì mất rất nhiều ngày để nước rút hết.

"Hà Nội đang lắp các hệ thống bơm tiêu và bơm cưỡng bức ra ngoài sông, nhưng việc này còn phụ thuộc vào mực nước ở lòng sông hoặc tự tiêu tự chảy cho đến khi nào hệ thống tiêu xung quanh rút hết. 

Để nước rút nhanh hiện nay rất khó vì chỉ có 2 cách là bơm tiêu, tự chảy hoặc bơm cưỡng bức. Đây là giải pháp duy nhất nên việc nước rút nhanh, chậm phụ thuộc vào công suất bơm. Đặc biệt các vùng trũng phải có bơm cưỡng bức hoặc làm đê bao triệt để không cho nước lũ tràn vào" - ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng bác bỏ thông tin cho rằng việc một số huyện như Chương Mỹ, Quốc Oai... ở Hà Nội bị ngập là do thủy điện Hòa Bình xả lũ. 

"Nước lên không phải do xả lũ hồ Hòa Bình, hiện nay hồ Hòa Bình đóng toàn bộ cửa xả. Đây là tình huống do mưa ở rừng và từ trên núi đổ về. Đây là tình huống đặc biệt nhưng không phải tình huống bất thường, bởi năm ngoái đã xảy ra" - ông Sơn khẳng định.

Chương Mỹ ngập sâu, sẵn sàng di dân - Ảnh 4.

Nước ngập sâu nhiều đoạn đường ở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - Ảnh: VŨ TUẤN

Sông Đà "nuốt chửng" nhiều nhà dân

Chiều 31-7, phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến hiện trường kiểm tra thực địa và chỉ đạo công tác xử lý tại khu vực sạt lở ở phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Trước đó, rạng sáng 30 và ngày 31-7, nhiều nhà dân ở đây bị sông Đà "nuốt chửng".

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hòa Bình, tính đến chiều 31-7 có 28 hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa. Trong đó có 9 nhà bị sập hoàn toàn xuống lòng sông, 10 nhà sập một phần, 9 nhà bị nứt, có nguy cơ sạt lở cao. TP đã di dời 35 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm và triển khai lực lượng túc trực 24/24 giờ.

Đáng nói, vị trí sạt lở ở ngay sát tuyến quốc lộ 6 đoạn chạy qua TP Hòa Bình, hiện chỉ còn cách hành lang an toàn của tuyến đường này khoảng 10m.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo phải ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng, ổn định cuộc sống người dân. Theo phó thủ tướng, sự cố sạt lở tại vị trí này là rất nghiêm trọng, làm thiệt hại rất nặng nề tài sản của người dân. 

Ông đề nghị chính quyền không để người dân quay trở lại khu vực này để bảo đảm an toàn tính mạng, đồng thời tập trung tạo mọi điều kiện cho người dân có nhà ở an toàn. Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh chủ động dùng nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ người dân xây dựng lại nhà cửa để có cuộc sống ổn định...

Về vụ sạt lở ở Hòa Bình, ông Nguyễn Trường Sơn cho hay hiện chưa được xác định nguyên nhân cụ thể. Theo ông Sơn, nguyên nhân có thể do thời gian qua tại Hòa Bình mưa kéo dài gần một tuần nên đất đá ở bờ sông, bờ suối bị xói mòn, bở rời, còn mực nước sông lên xuống ảnh hưởng không đáng kể.

Hơn 2.700ha bị ngập

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội, khu vực ngoại thành Hà Nội có hơn 2.700ha bị ngập. Nước đã tràn vào hơn 2.300 hộ dân ở 10 xã trong huyện Chương Mỹ. Cá biệt ở một số xã như Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Nhân Lý... nhiều nơi nước vẫn ngập đến ngang hông.

Nhiều tuyến phố Hà Nội ngập sâu sau mưa

TTO - Sáng 21-7, nhiều tuyến phố của Hà Nội ngập nặng sau trận mưa kéo dài, xe cộ đi lại khó khăn.

VŨ TUẤN - CHÍ TUỆ - MẠNH HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên