Phóng to |
Lấy cảm hứng từ phần hai bộ tiểu thuyết Nguyễn Trãi (Bức huyết thư) của nhà văn Bùi Anh Tấn, Thiên mệnh anh hùng ngay từ lúc chuẩn bị kịch bản đã xác định đây sẽ là một phim võ hiệp, và được làm một phim võ hiệp Việt Nam cũng là ước mong của đạo diễn Victor Vũ. Vụ án Lệ Chi viên được nhắc đến trong lịch sử như một nỗi oan khuất ngàn năm của bậc trung thần Nguyễn Trãi - người đã bị tru di tam tộc bởi một sự kết tội khủng khiếp: giết vua. Câu chuyện đó đã đi vào văn chương, sân khấu và với Thiên mệnh anh hùng, có thể nói thảm kịch này đã lần đầu tiên chính thức được nhắc đến trên màn ảnh rộng.
Người anh hùng với mệnh trời phó thác
Ðúng vào ngày gia tộc Nguyễn Trãi bị hành hình sau án tru di, con kỳ lân đá ở ngôi chùa Kỳ Lân bỗng nhiên nổi giận vùng ra khỏi bệ đá trước sự chứng kiến của nhà sư trụ trì (Minh Thuận). Kiềm chế cơn giận bất ngờ của kỳ lân bằng một chuỗi tràng hạt, sư phụ biết đó là một điềm báo từ trời xanh bởi dưới chân con kỳ lân hiện ra một chữ: Oan. Và điềm báo ấy là Nguyên Vũ (Huỳnh Ðông) - người hậu duệ duy nhất còn sót lại của dòng họ Nguyễn Trãi được một gia nhân cõng đến chùa Kỳ Lân... 12 năm sau, được sư phụ kể cho nghe thảm kịch của dòng họ, Nguyên Vũ quyết định rời chùa, xuống núi. Hành trình tìm cách giải nỗi oan và báo thù cho gia tộc của Nguyên Vũ cũng chính là hành trình tìm kiếm bức huyết thư của một thái giám đã chết. Bức thư viết bằng máu được đồn đại rằng ai có nó người đó có thể sẽ xé toang bức màn bí mật chốn cung đình, tất nhiên trong đó có cả vụ án Lệ Chi viên. Bức huyết thư có thật hay không? Ai đang sở hữu nó và ai đang săn đuổi nó?
Nhưng bức huyết thư hay vụ án Lệ Chi viên cũng chỉ là cái cớ. Câu chuyện về một người anh hùng được phó thác bởi mệnh trời cho nền thái bình trong thiên hạ mới chính là câu chuyện mà các nhà làm phim muốn gửi gắm. Và trong chính những pha võ hiệp đẹp mắt và đẫm máu ấy, sau những xác người bỏ lại bởi oán thù và sự truy sát tàn bạo là khát vọng của sự bình yên dường như đã được nhóm lên. Ai sẽ là người biết bỏ lại quá khứ sau lưng, ai sẽ là người biết bước qua thù riêng bởi "nếu gia tộc đã mất có hiển linh, ắt cũng thấu hiểu"? Nữ hiệp Hoa Xuân (Mi Du) với bi kịch gia đình, thiếu hiệp Nguyên Vũ với đại tang của dòng họ hay Tuyên Từ thái hậu (Vân Trang) với quyền nhiếp chính đang bị bủa vây bởi những cơn ác mộng?
Và những bất ngờ
Các diễn viên được đạo diễn Victor Vũ lựa chọn vào phim không phải là những "khách lạ". Vân Trang đã quen mặt với Cô dâu đại chiến, Huỳnh Ðông với Vó ngựa trời Nam, Minh Thuận với Cô gái xấu xí, Khương Ngọc của Long ruồi, Văn Anh được nhớ nhiều đến vai Hàn Mặc Tử hay Mi Du - cô gái được biết đến như một hot girl của giới trẻ. Nhưng bước vào phim của Victor Vũ, họ hóa thân thành những nhân vật khác hẳn, bất ngờ với chính họ và bất ngờ với khán giả.
Thiện cảm đặc biệt phải dành cho Mi Du với tuổi đời còn rất trẻ, lại lần đầu tiên đóng phim võ hiệp cổ trang nhưng Mi Du đã là một nữ hiệp Hoa Xuân vừa ngây thơ, nữ tính vừa rất mạnh mẽ trong các trận giao chiến (dù hình mẫu nhân vật nữ hiệp kiểu này không lạ đối với những ai quen xem dạng phim võ hiệp kỳ tình). Ðiểm cộng cho vai Tuyên Từ thái hậu của Vân Trang và vai Trần tổng quản của Khương Ngọc có lẽ nằm ở việc hóa trang. Hóa trang đã khiến cô diễn viên Vân Trang quen mặt với cách diễn trẻ trung trở thành bà thái hậu "nhìn đã thấy ghê gớm, mưu mô đến sắc lạnh" và Khương Ngọc với vết sẹo dài cùng một con mắt hỏng trên khuôn mặt luôn nở nụ cười tàn ác. Trần tổng quản của Khương Ngọc mỗi khi xuất hiện là báo trước những trận chiến một mất một còn...
Ðược Johnny Trí Nguyễn (đạo diễn võ thuật của các phim Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Khát vọng Thăng Long) chỉ đạo diễn xuất võ thuật, võ thuật của Thiên mệnh anh hùng là võ thuật kỳ ảo (võ thuật kết hợp với các yếu tố kỹ xảo ly kỳ) và khán giả sẽ mãn nhãn với những màn võ thuật được diễn bởi các diễn viên Việt với một câu chuyện Việt nhưng không thua kém những phim võ hiệp đến từ các nước khác. Bối cảnh trong phim được quay chính ở ngoại ô Hà Nội, Ninh Bình và Củ Chi. Hình ảnh núi non, sông nước, làng mạc, cung đình đậm chất Việt đã là một nền tảng lý tưởng cho câu chuyện phim diễn ra.
Có lẽ sẽ có nhiều chữ giá như với những khán giả khó tính khi hình ảnh cuối cùng của phim khép lại. Giá như đạo diễn dành nhiều đất hơn nữa cho mối quan hệ của nữ hiệp Hoa Xuân - Nguyên Vũ, giá như Hoa Xuân đừng bất ngờ thuyết giảng khi nguy khốn, giá như những sự tình cờ của mỗi cái cớ phim được tiết giảm, thay vào đó bằng những kịch tính logic thì mạch phim hẳn sẽ thuyết phục hơn. Nhưng tổng thể, phải thừa nhận rằng Thiên mệnh anh hùng là một phim cuốn hút về dòng phim võ hiệp, dòng phim hứa hẹn sẽ mở ra một con đường - con đường quen thuộc với khán giả nhưng còn xa lạ với những người làm phim Việt Nam!
CÁT KHUÊ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận