Phóng to |
Quả chuối tiêu chín rất tốt cho trẻ nhỏ, trẻ đang độ lớn, người dưỡng sức, người già, người lao động trí óc và tay chân. Chuối tốt cho hệ xương, sự sinh trưởng và cân bằng thần kinh. Người suy nhược nên ăn chuối hằng ngày.
Vỏ quả chuối tiêu chữa lỵ, đau bụng, thổ tả, ngày dùng 15-30 g sắc uống; hoặc sắc lấy nước rửa những chỗ mẩn ngứa, lở loét. Bột quả chuối tiêu xanh để phòng và chữa loét dạ dày. Vỏ quả chuối xanh có tác dụng làm se, diệt nấm, nhựa của quả chuối xanh chữa hắc lào.
Lá chuối tiêu non còn ở trong thân đem giã nát, đắp làm thuốc cầm máu vết thương, làm dịu vết bỏng. Củ và rễ chuối tiêu giã lấy nước cốt hoặc dịch thân cây uống chữa sưng tấy, nhọt sưng đau, nóng quá phát cuồng, mê sảng, co giật, kiết lỵ tiêu chảy.
Các bài thuốc có chuối tiêu:
Chữa trúng độc do ăn uống: Củ chuối tiêu thái miếng, cho đầy nồi, đổ ngập nước, lấy một bát cho uống để làm nôn mửa.
Chữa nhọt, sưng tấy, mụn nhọt: Củ hoặc rễ chuối tiêu giã nát đắp.
Chữa phế nhiệt, đàm suyễn: Rễ chuối tiêu 60 g, rau sam 30 g, giã nát, ép lấy nước, đun ấm, bỏ bã uống nước.
Chữa đái ra máu: Rễ chuối tiêu tươi 120 g, cỏ nhọ nồi 30 g, sắc nước uống.
Chữa sốt cao phát cuồng, mê sảng, co giật: Dùng một lóng trúc hoặc nứa vót nhọn đầu, chọc vào giữa thân cây chuối tiêu cho nước chảy ra. Hứng lấy một bát uống. Có thể dùng củ và rễ, giã nát vắt lấy nước cốt uống.
Chữa hắc lào: Rửa sạch chỗ hắc lào bằng nước nóng, gãi cho sượt da ra, lau khô. Lấy một quả chuối xanh còn non trên cây, bẻ hoặc cắt cho nhựa chảy ra, chấm bôi vào chỗ có nấm, làm 4-5 lần.
Phòng và chữa viêm loét dạ dày: Thịt quả chuối tiêu xanh, phơi sấy khô ở nhiệt độ dưới 50 độ C, tán bột, ăn hằng ngày với liều 20-30 g.
Chữa phụ nữ ít sữa và người già táo bón: Hoa chuối tiêu thái nhỏ, luộc chín, trộn với muối vừng hoặc muối lạc rang, ăn 2-3 bữa liền.
Chữa táo bón: Chuối 2 quả, để cả vỏ, nấu chín ăn, dùng nhiều lần.
Chữa tăng huyết áp: Vỏ và cuống quả chuối tiêu 30-60 g, sắc uống, dùng nhiều lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận