Chuỗi cung ứng chip và cuộc đua địa chính trị

QUÂN ANH 19/09/2023 07:57 GMT+7

TTCT - Việc tạo ra các hệ thống chuỗi cung ứng chip không dễ do đòi hỏi điều phối giữa từng chính phủ, cũng như trong nội bộ từng nền kinh tế, giữa khối công lập và tư nhân, vốn không phải lúc nào cũng có lợi ích song trùng.


Ảnh: Foreign Policy

Ảnh: Foreign Policy

Ngành công nghiệp bán dẫn vốn không lạ gì các chạy đua địa chính trị nước lớn. Những năm 1980, Nhật Bản chiếm tới hơn 50% sản lượng chip toàn cầu. 

Lo ngại ảnh hưởng của Nhật và sợ Tokyo vượt mình, Mỹ thúc đẩy thỏa thuận về chip nhằm hạn chế ngành công nghiệp này của Nhật. Các đối thủ từ Hàn Quốc và Đài Loan sau đó vươn lên với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền nội địa. Mỗi nơi lại phát triển một thế mạnh khác nhau trong mảng này.

Hiện Mỹ rất mạnh về thiết kế chip, trong khi Đài Loan thống trị hoàn toàn thị trường chip xử lý dữ liệu cấp cao (logic chip). 

Hàn Quốc thì vượt trội về chip bộ nhớ, trong khi Nhật Bản lợi thế một ngách nhỏ về cảm biến quang học và các thiết bị phụ trợ cho sản xuất chất bán dẫn. Trung Quốc, nước đổ rất nhiều tiền vào ngành này, đang tiến bộ nhanh với các loại chip xử lý dữ liệu cấp thấp.

Theo báo Anh The Economist, mối lo ngại về chính sách ngày càng cứng rắn của Trung Quốc với Đài Loan - nơi sản xuất những loại chip hiện đại nhất hiện nay - đang đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn. Mỹ đẩy nhanh quá trình đó bằng cách hạn chế khả năng Bắc Kinh tiếp cận với các loại chip tối tân, trong khi gây sức ép và thu hút các hãng chip lớn mở nhà máy ở Mỹ và các nước thân thiện.

Liên minh "Chip 4"

Chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện đang thúc đẩy thành lập liên minh "Chip 4" gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để phối hợp chính sách liên quan. Nhưng các đồng minh của Mỹ ở châu Á hiện đều theo đuổi chiến lược chip riêng. 

Mô hình của họ dù có những điểm cần và cộng sinh nhau, nhưng cũng có những căng thẳng và cạnh tranh trực tiếp. "Có hai mặt ở đây: mạng lưới chip và chiến tranh chip", Kuroda Tadahiro, của Đại học Tokyo, giải thích.

Các đồng minh của Mỹ như Đài Loan và Nhật Bản cũng lo ngại Trung Quốc có lợi thế công nghệ trong phát triển vũ khí quân sự. "Trung Quốc đã trở nên quá mạnh, các nước phương Tây buộc phải hợp tác và phối hợp về công nghệ", Seki Yoshihiro, quan chức phụ trách về chiến lược bán dẫn của đảng cầm quyền LDP ở Nhật, nói.

Đầu tháng này, việc Huawei công bố loại điện thoại Mate 60 Pro đã gây chấn động với giới quan sát phương Tây khi công nghệ mà hãng này dùng vượt qua các ngưỡng mà Mỹ đang tìm cách hạn chế xuất khẩu với Trung Quốc. 

Trả lời The New York Times, giáo sư Douglas Fuller, của Đại học Copenhagen (Đan Mạch), nói SMIC dường như đã sử dụng thiết bị mua gom trước khi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực.

Sau rất nhiều đàm phán, Nhật và Hà Lan đầu năm nay ký thỏa thuận về siết cấm vận với Trung Quốc. Nhưng lợi ích quốc gia liên quan tới kinh tế phức tạp hơn các vấn đề về an ninh thuần túy. "Rất khó để có thể có mặt trận chung về kinh tế trong những lĩnh vực như thế này", Robert Ward, chương trình địa chính trị kinh tế và chiến lược của Viện Nghiên cứu IISS ở Anh, nói.

Mỹ đã đưa ra các gói hỗ trợ tài chính lớn cho ngành công nghiệp chip: đạo luật CHIPS năm 2022 giảm thuế 25% với đầu tư mới cho bán dẫn và gói 50 tỉ USD đầu tư công. Các nền kinh tế châu Á cũng đang đẩy mạnh các khoản trợ cấp này.

Rất nhiều lợi ích xung đột

Xung đột còn diễn ra trong nội bộ từng nước. Hàn Quốc đã thông qua gói hỗ trợ của riêng họ - đạo luật "K-CHIPs", dù quy mô nhỏ hơn nhiều: giảm 8% thuế cho các hãng lớn đầu tư vào hạ tầng trong nước. 

Áp lực cạnh tranh với các nước xung quanh đang tăng. Samsung và SK Hynix, hai tập đoàn chip lớn của Hàn, đang đầu tư mạnh vào Mỹ. Điều đó có thể giúp các hãng này mạnh hơn, nhưng Seoul thì lo ngại ngành công nghiệp tối quan trọng này bị rút ruột ở trong nước, theo Lee Seung Joo, của Đại học Chung Ang, Seoul. Có lẽ vì lý do này, Tổng thống Yoon Suk Yeol dự kiến sẽ tăng phần giảm thuế lên 15% và tăng 10% đầu tư trong năm nay vào mảng này.

Ở Đài Loan, một đạo luật về sáng tạo được thông qua hồi đầu năm sẽ giảm 25% thuế cho chi phí nghiên cứu phát triển của các tập đoàn chip. Tập đoàn TSCM của Đài Loan, ngoài đầu tư vào nhà máy lớn ở Nhật, sẽ xây dựng hai nhà máy khác tại Mỹ. 

Dù đầu tư ra nước ngoài không bao gồm các công nghệ cao cấp nhất của TSMC, việc tập đoàn này chuyển sản xuất ra nước ngoài vẫn gây nhiều dư luận ở Đài Loan. Nhiều giới lo ngại TSMC đầu tư ra bên ngoài sẽ làm giảm động lực để Mỹ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột.

Nhật Bản cũng đang chi mạnh tay cho công nghệ chip. Ngân sách bổ sung hồi tháng 12-2022 bao gồm khoản chi 1.300 tỉ yen (10 tỉ USD) cho chất bán dẫn. Chính phủ Nhật còn cung cấp thêm 70 tỉ yen vốn mồi cho Rapidus - liên doanh mới giữa các công ty Nhật và các tập đoàn quốc tế như IBM và IMEC với hy vọng phát triển cơ sở về R&D và sản xuất chip tối tân trong nước.

Việc tạo ra các hệ thống chuỗi cung ứng chip không dễ do đòi hỏi điều phối giữa từng chính phủ, cũng như trong nội bộ từng nền kinh tế, giữa khối công lập và tư nhân, vốn không phải lúc nào cũng có lợi ích song trùng. 

Các tập đoàn Đài Loan và Hàn Quốc đang cạnh tranh khốc liệt về sản xuất chip thế hệ mới. Các vấn đề lịch sử giữa Nhật và Hàn tác động tới hợp tác về chip. Ngay kể cả liên minh "Chip 4" cũng bị coi là "hạn chế về tầm nhìn", theo Martijn Rasser, một cựu quan chức Mỹ. "Làm sao có thể nói về chuỗi cung ứng bán dẫn mà không nhắc tới Hà Lan hay Bỉ?".

Việc Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc cũng gây khó cho hợp tác. Lệnh kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn tới Trung Quốc hồi tháng 10-2022 khiến nhiều đối tác châu Á của Mỹ bất ngờ. "Thế là anh làm vậy một mình?", một quan chức Nhật nhớ lại. Ahn Cheol Soo, quan chức Hàn, thì ví cách làm của Mỹ giống phim Godfather (Bố già) với "lời đề nghị anh không thể từ chối". Hàn Quốc tới giờ chưa tham gia lệnh cấm này.

Một phần là vì các nhà sản xuất chip châu Á lo sợ sẽ mất thị phần quan trọng ở Trung Quốc. Các nhà sản xuất Nhật có khoảng 20-30% doanh thu từ thị trường này và có thể mất tới 70% dòng tiền vì các lệnh cấm của Mỹ.■

Vấn đề nhân lực

Các chính sách hỗ trợ giống nhau có thể dẫn tới khủng hoảng thừa. KPMG tiến hành thăm dò lãnh đạo các tập đoàn và cho biết tới 65% nói khủng hoảng thiếu chip sẽ kết thúc trong năm nay. Hồi đầu năm, Intel đã cảnh báo về doanh thu giảm càng dấy lên lo ngại về nguy cơ khủng hoảng thừa.

Kể cả khi các chính phủ đổ tiền xây nhà máy sản xuất chip, họ cũng khó tìm đủ kỹ sư, đặc biệt là ở các nước đang giảm dân số ở Đông Bắc Á. Hàn Quốc ước tính sẽ thiếu ít nhất 30.000 công nhân ngành chip trong thập niên tới. C.C. Wei, CEO của TSMC, nói thiếu kỹ sư luôn là điểm nghẽn lớn nhất của tập đoàn: các kỹ sư đã có trình độ căn bản cần ít nhất 8 năm đào tạo để có thể làm ở nhà máy của TSMC. Nhật Bản hiện cũng đang quyết liệt đào tạo nhân lực cho ngành này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận