30/09/2019 09:26 GMT+7

Chuốc họa vì tin người nổi tiếng quảng cáo bán thuốc trị bệnh, mỹ phẩm trên mạng xã hội

HOÀNG LỘC - LAN ANH
HOÀNG LỘC - LAN ANH

TTO - Hàng loạt người nổi tiếng đang tận dụng các kênh trên mạng xã hội để quảng cáo. Nhiều người tiêu dùng tin tưởng đã tá hỏa khi sự thật được phơi bày.

Chuốc họa vì tin người nổi tiếng quảng cáo bán thuốc trị bệnh, mỹ phẩm trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Bà L.T.H.T. (ngụ Q.4, TP.HCM), nạn nhân của lô thuốc “tiên dược” trắng da lên đến 120 triệu đồng - Ảnh: H.LỘC

Từ cuối năm 2018, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã liên tục cảnh báo nhiều loại thực phẩm đang "giăng bẫy" trên mạng, "dựa hơi" người nổi tiếng. Bộ này cũng "cầu cứu" Bộ Thông tin và truyền thông vào cuộc, xử lý. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn mắc bẫy.

Hãy nhắm mắt dùng...

Cuối tháng 8 vừa qua, mạng xã hội xôn xao khi trang cá nhân mang tên doanh nhân L.A.T. quảng cáo "văcxin phòng và điều trị ung thư". 

Đánh trúng tâm lý người dân lo sợ căn bệnh ung thư, hình ảnh doanh nhân T. đã khiến quảng cáo văcxin trên trang của chị T. trở nên rất "hot", với nhiều ngàn lượt bình luận và chia sẻ. 

Nữ doanh nhân nổi tiếng khẳng định văcxin Hasumi có thể ngừa ung thư bằng cách tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể và không gây ra tác dụng phụ.

Ngày 24-9, trên website của đơn vị đang được giới thiệu là độc quyền hợp tác cùng Bệnh viện Shukokai (website có địa chỉ World Medical, 17A Hồ Xuân Hương, P.6, Q.3, TP.HCM, chính là địa chỉ doanh nhân T. giới thiệu) cho biết văcxin Hasumi hoàn thiện 100% trong điều trị ung thư giai đoạn 1, 2, 3, ung thư giai đoạn 4 tỉ lệ thành công là 70-80%.

Điều kỳ lạ là nội dung quảng cáo văcxin ngừa và điều trị ung thư của doanh nhân T. hết sức nhảm nhí. Chị T. nói sau tiêm văcxin ngừa và điều trị ung thư Hasumi chị thấy... giảm stress, giảm viêm mũi họng (!). Khi bị phản pháo rằng sản phẩm không có tác dụng, lừa đảo, doanh nhân T. đã xóa bài viết.

Từ đầu năm 2019, thị trường chăm sóc sắc đẹp cũng "dậy sóng" khi xuất hiện một loại thuốc có tên FOY (Fountain of Youth), được quảng cáo như "tiên dược" giúp trắng da và rao bán rầm rộ. Theo xác minh của Tuổi Trẻ, nhân vật nổi tiếng đứng ra nhập khẩu và phân phối "tiên dược" trắng da này là một hoa hậu áo dài tên N.T.H.D..

Từ khoảng tháng 3 đến tháng 6-2019, sản phẩm này liên tục được người này quảng cáo rầm rộ trên trang Facebook cá nhân của mình, với nội dung sản phẩm chiết xuất từ nhau thai cừu, sản xuất tại Mỹ và được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận về an toàn và chất lượng.

Hoa hậu D. nhiều lần khẳng định đây là một sản phẩm "tử tế" và khuyên người mua hãy "nhắm mắt" dùng: "Mọi người nên đầu tư cho sản phẩm xuất sắc nhất thế giới này vì thời gian không thể quay trở lại"... 

Theo người này, hiện có hàng ngàn khách hàng mua theo "tin tưởng" và chỉ cần uống sau 3 tuần là da dẻ "sáng chói". Đặc biệt nếu kết hợp vừa uống và tắm, chỉ qua một ngày là da "mướt rượt".

Từ lời quảng cáo có cánh và sự tiếp tay của khá nhiều MC, người mẫu, diễn viên, ca sĩ... mà sản phẩm này nhanh chóng "phủ sóng" ở nhiều nơi. Bà L.T.H.T. (49 tuổi, ngụ Q.4) từ năm 2018 sử dụng liệu trình kết hợp trị giá đến trên 120 triệu đồng. 

Nhưng sự thật không như quảng cáo. "Mỗi lần truyền tôi bị bầm, sưng và không có tác dụng gì cả, kể cả sản phẩm uống được quảng cáo là chiết xuất từ nhau thai cừu" - bà T. bức xúc và cho biết đã làm đơn tố cáo gửi Bộ Công an, Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn ở TP.HCM.

Kết quả xác minh của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế mới đây xác định từ năm 2014 đến nay, sản phẩm nêu trên chưa được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. 

"Như vậy, sản phẩm này chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam" - ông Nguyễn Thanh Phong, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, nói. Và trong một email trả lời nghi vấn về sự hợp pháp của sản phẩm, FDA khẳng định: "Tuyên bố các sản phẩm nêu trên được FDA chấp thuận là sai".

Chuốc họa vì tin người nổi tiếng quảng cáo bán thuốc trị bệnh, mỹ phẩm trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Phương thức tạo văcxin điều trị ung thư chỉ có vài phòng khám của Nhật đang thử nghiệm, chưa tổ chức nào công nhận. Quảng cáo sai sự thật để người bệnh bỏ điều trị các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị là có tội với người bệnh.

Ông Đỗ Văn Dũng (trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM)

Hoàn toàn sai sự thật!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư ở California, Hoa Kỳ) cho hay sau khi quảng cáo văcxin Hasumi được doanh nhân T. thực hiện, có nhiều người nhắn tin vào các group của bệnh nhân ung thư hỏi về văcxin này. 

Điều nguy hiểm, theo TS Vũ, là khi bệnh nhân ung thư sử dụng văcxin, họ tin rằng có cơ hội điều trị từ 70-100% như quảng cáo, họ không sử dụng biện pháp điều trị khác trong khi văcxin chưa được chứng minh tác dụng, có thể bệnh nhân sẽ mất "cơ hội vàng" chữa bệnh, chưa kể mất đi số tiền rất lớn tới cả trăm triệu đồng.

"Hiện nay không có văcxin nào phòng và điều trị được ung thư như quảng cáo Hasumi. Ngay văcxin ngừa ung thư cổ tử cung hiện đang được sử dụng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, cũng mới ngừa được một số type virút HPV, tức là làm giảm được nguy cơ mắc bệnh chứ không phải tiêm văcxin là 100% không mắc bệnh" - TS Vũ nói.

Ông Nguyễn Thanh Phong từng nhiều lần đề cập: "Quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, thậm chí như "thần dược" là vi phạm pháp luật. Có những nhân vật nổi tiếng, nhân vật của công chúng tận dụng sự ảnh hưởng đối với cộng đồng đứng ra để quảng cáo cho sản phẩm trong khi không biết rõ bản chất sản phẩm"...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Phan Tấn Thuận (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) khẳng định việc quảng cáo văcxin Hasumi hoàn thiện 100% trong điều trị ung thư giai đoạn 1, 2, 3, ung thư giai đoạn 4 tỉ lệ thành công

70 - 80% là hoàn toàn sai sự thật và cực kỳ nguy hiểm. "Quảng cáo này khiến người bệnh bỏ các điều trị đặc hiệu, có hiệu quả cao, thậm chí có khả năng khỏi bệnh để theo văcxin này. Hậu quả là người bệnh mất đi cơ hội được điều trị và dẫn đến mất mạng. Đó là chưa kể vấn đề về chi phí" - bác sĩ Thuận phân tích.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc xác minh, kiểm tra.

Chuốc họa vì tin người nổi tiếng quảng cáo bán thuốc trị bệnh, mỹ phẩm trên mạng xã hội - Ảnh 4.

Quá trình xác minh mã vạch sản phẩm “tiên dược” trắng da này, người sử dụng chỉ nhận được kết quả “chưa rõ nguồn gốc” - Ảnh: H.L.

Xử lý "quảng cáo nổ": chưa có quy định!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã làm việc với các trang bán hàng trực tuyến và mạng xã hội Facebook, để các trang này gỡ các "quảng cáo nổ" khi cục phát hiện. 

"Chúng tôi cũng đã làm việc với Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương và các trang mạng xã hội, có mẫu thông báo mỗi khi ghi nhận quảng cáo sai. Nhưng riêng quảng cáo của người nổi tiếng trên trang cá nhân của họ thì chưa xử lý được" - vị này cho biết.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, người nổi tiếng thường quảng cáo trên trang cá nhân là họ dùng sản phẩm, họ thấy thế nọ thế kia, thực chất có thể họ không dùng nhưng là phát ngôn cá nhân nên không thể xử phạt. Chỉ có thể xử phạt nếu sản phẩm chưa có đăng ký tiêu chuẩn, là hàng giả, hàng nhái, nhưng cũng chỉ phạt được nhà sản xuất/kinh doanh.

"Có thể phạt tờ báo, đài truyền hình, nhưng họ quảng cáo trên trang cá nhân của mình thì lại chưa có quy định. Vì vậy người tiêu dùng vẫn phải theo dõi kỹ thông tin và lựa chọn kỹ càng, không nên tin tưởng để mua theo thần tượng nếu quảng cáo sai phạm như văcxin ngừa ung thư vừa rồi" - đại diện Cục An toàn thực phẩm nói.

Bác sĩ Phan Tấn Thuận (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Tiêm văcxin không phải an toàn tuyệt đối

Hiện nay văcxin trong ung thư có hai nhóm gồm điều trị và phòng ngừa. Loại văcxin của Nhật được quảng cáo gần đây chưa được cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Nhật chấp thuận.

Tiêm văcxin không phải là an toàn tuyệt đối, sẽ có những độc tính và các bảng phản ứng thuốc trong giới hạn kiểm soát được. Và cho đến nay chưa có một nơi nào trên thế giới chấp thuận cho một loại văcxin nào được áp dụng trong điều trị và phòng ngừa trực tiếp ung thư được sử dụng rộng rãi, đại trà.

Ngoài ra, tiêm loại văcxin Hasumi có thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây ra các bệnh lý miễn dịch, một số trường hợp kích hoạt các tế bào miễn dịch tăng sinh và phát triển, điều này vô cùng nguy hiểm, bởi có khả năng gây nguy cơ sinh ung thư.

Do đó hiện nay các nhà khoa học vẫn phải khuyến cáo thận trọng khi đưa văcxin điều trị hoặc phòng ngừa nêu trên cho các bệnh nhân khỏe mạnh.

Dễ dàng... lờ tịt

Nhiều diễn viên, người nổi tiếng quảng cáo họ đang dùng kem trộn, mỹ phẩm loại không ai biết trên thị trường. Và khi xảy ra lỗi sản phẩm, cơ quan chức năng "sờ gáy", người nổi tiếng liền xóa bài quảng cáo trên trang cá nhân, thế là xong.

Như doanh nhân T. quảng cáo văcxin ngừa ung thư hiện đã xóa bài, hay diễn viên V., á hậu A. quảng cáo cho mỹ phẩm của TS Group, sau đó lô hàng bị quản lý thị trường thu giữ vì vi phạm chất lượng, nhãn hiệu thì diễn viên và á hậu này cũng xóa ngay bài đăng, nhưng cơ quan chức năng chẳng thể xử phạt vì quy định hiện hành chưa tính đến những vi phạm quảng cáo như vậy.

Chưa kể do quảng cáo trên trang cá nhân là tiền mặt trao tay nên cơ quan thuế cũng chưa thể thu thuế từ các thu nhập này của người nổi tiếng. Họ có lợi đủ đường, còn người tiêu dùng thì lãnh đủ.

Nghệ sĩ phải thử nghiệm sản phẩm trước khi quảng cáo Nghệ sĩ phải thử nghiệm sản phẩm trước khi quảng cáo

TT - Sắp tới các nghệ sĩ Trung Quốc nào quảng cáo loại thuốc gì thì phải uống thuốc đó... để thử chất lượng sản phẩm trước.

HOÀNG LỘC - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên