31/07/2011 09:11 GMT+7

Chúng tôi sợ sử từ lâu!

HOÀNG NGỌC LỮ
HOÀNG NGỌC LỮ

TT - Với tư cách là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy lịch sử trong trường phổ thông và là một cán bộ chấm thi môn sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, nên tôi có thể cảm nhận được thêm nhiều điều.

Ngay khi đề thi môn sử (khối C) năm nay được công bố, những chuyên viên - giảng viên đại học đều khen đề thi... hay. Với giáo viên dạy phổ thông cũng có nhận định hơi khó nhưng hay. Và đúng là với những ai đang giảng dạy, nghiên cứu lịch sử hằng ngày thì hay thật.

Nhưng với học sinh vừa thi tốt nghiệp THPT năm 2011 (trong sáu môn thi không có môn sử) thì không ít em chỉ cần đọc đề xong là... run sợ liền. Và khi chúng tôi trực tiếp chấm trên 700 bài thi tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, ngoài cảm giác thất vọng cho thí sinh khối C mà thi điểm sử quá thấp, còn trào dâng cảm giác thương cảm cho các em. Bởi không ít em nắm rất vững kiến thức lịch sử, có nhiều em làm đến ba tờ giấy thi, viết không sai một sự kiện lịch sử nào nhưng cuối cùng cũng chỉ... 0,25 điểm vì lạc đề!

Khi chấm những bài thi như thế, mỗi cán bộ chấm thi đều cảm thấy tiếc rẻ, nhất là nghĩ đến hình ảnh các em thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng hân hoan bao nhiêu thì khi so sánh với đáp án lại đau khổ, thất vọng bấy nhiêu.

Nếu những người ra đề thi hiểu được tâm trạng như thế, liệu có ra một đề thi hay mà làm cho thí sinh... run sợ? Và cứ năm này thấp, năm khác “thấp hơn không ngờ” thì liệu học sinh nào dám chọn môn sử để thi?

Ngay cả đề thi năm nay, nếu những người có trách nhiệm soạn đáp án “mở” hơn thì nhiều thí sinh không phải bị mất điểm một cách nghiệt ngã như đã xảy ra. Cụ thể câu số III, đáp án yêu cầu thí sinh phải trả lời hiệp định Paris mới có điểm. Trong khi thực tế rất nhiều học sinh đã viết kiến thức từ phong trào Đồng Khởi đến chiến thắng các loại hình chiến tranh (đặc biệt, cục bộ, VN hóa - Đông Dương hóa) rồi cuộc tiến công chiến lược 1972, đỉnh cao là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” 1972.

Rất nhiều em đã hoàn thành một cách xuất sắc các kiến thức trên, nhưng lại không nhắc đến hiệp định Paris thì coi như không có điểm. Nếu xét theo quy luật của lịch sử thì muốn có được hiệp định Paris phải có những thắng lợi quân sự như nêu trên. Và như thế có thể cho một đáp án mở hơn để học sinh có điểm.

Vào nghề dạy học và giảng dạy môn sử mười mấy năm nay, tôi nhận ra học sinh đã thật sự... sợ môn sử từ lâu rồi. Nói như vậy không có nghĩa các em không thích học môn sử, ngược lại là đằng khác. Nếu giáo viên giỏi, có phương pháp truyền đạt kiến thức lịch sử, học sinh vẫn mê sử.

Nhưng việc thích thú học sử với việc bắt học sinh phải nhớ, phải thuộc sử là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nhất là bước vào các kỳ thi, từ thi hết học kỳ cho đến thi tốt nghiệp THPT hay thi tuyển sinh ĐH-CĐ.

Dù các chuyên viên phụ trách bộ môn từ cấp bộ đến các sở ở địa phương luôn phát động giáo viên giảng dạy môn sử phải phát huy tính tích cực của học sinh, nhưng khi ra đề thi (nhất là đề thi tốt nghiệp, đề tuyển sinh) kiến thức thuộc - nhớ vẫn chiếm tỉ lệ trên 80% tổng số điểm. Chính vì thế trong giảng dạy học sinh lớp 12 vẫn chú trọng đến việc học sinh nắm kiến thức theo kiểu thuộc - nhớ hơn là các phương pháp nâng cao khác.

Vì vậy có một thực tế là không những học sinh sợ sử khi thi mà cả giáo viên dạy môn sử cũng sợ môn mình được chọn môn thi tốt nghiệp THPT. Chính vì thế điểm sử ngày một “thấp không ngờ” không có gì khó hiểu đối với những ai đang học và dạy sử!

HOÀNG NGỌC LỮ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên