Tháng 4-2019, cách nhau 17 ngày, hai tê giác con ra đời ở Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Phú Quốc. Chỉ riêng năm 2018, đã có 380 con hà mã, hổ Bengal, sư tử trắng, linh dương Bongo, lợn lòi châu Phi, linh dương sừng xoắn, linh dương sừng kiếm Ả rập… ra đời tại đây.

Chúng tôi sinh ra ở Safari - Ảnh 1.
Chúng tôi sinh ra ở Safari - Ảnh 2.

Hai cá thể tê giác trắng (tên khoa học là Ceratotherium simun) một đực, một cái chào đời tháng 4-2019, sau gần 1 năm rưỡi nằm trong bụng mẹ. Đây là sự kiện chưa từng có ít nhất 10 năm qua ở Việt Nam.

Tuy có tên tê giác trắng nhưng toàn thân chúng màu xám đen. Tê giác trắng là một trong 5 loài tê giác hiếm hoi còn tồn tại trên thế giới với đặc điểm có hai sừng trên đầu và bướu lớn sau cổ.

Chúng tôi sinh ra ở Safari - Ảnh 3.

Ước tính trọng lượng mỗi tê giác con lúc chào đời khoảng 40-50kg, tương đương cân nặng một người trưởng thành.

Tê giác anh sinh ngày 3-4 được đặt tên Hakuna Matata, trong ngôn ngữ Swahili ở Đông Phi có nghĩa là "Không lo âu". Đây cũng là tên một bài hát trong bộ phim Lion King (Vua sư tử) rất được yêu thích.

Cô em gái sinh ngày 20-4 vẫn đang chờ được đặt một cái tên thật ý nghĩa.

Trong một tuần đầu tiên sau sinh, mẹ con tê giác sinh hoạt trong chuồng riêng được lót rơm khô và sân chơi lớn có mái che.

Tê giác anh Hakuna Matata đã được theo mẹ ra khu vực ngoài trời được hơn 10 ngày. Khu vực này có hố bùn để tắm mát, có bóng râm khi cần nghỉ ngơi và có khoảng sân rộng để tê giác con chạy nhảy. Hakuna Matata có đôi chân khỏe và chạy rất nhanh.

Tê giác con rất tò mò. Dù chỉ bú mẹ, Hakuna Matata vẫn thích chúi mũi vào thức ăn của mẹ rồi hít hà mùi thơm của cám hay cỏ xay. Ngày đầu thấy nước chú bỏ chạy nhưng 2-3 ngày sau, mỗi khi thấy nước xịt, chú lại nhanh nhẹn chạy đến tắm mát.

Thấy người lạ, Hakuna Matata tiến đến gần hơn. Tuy nhiên, chú cũng biết cảnh giác, tự biết dừng lại thậm chí còn bắt chước mẹ gầm lên đe dọa và chúi đầu về phía trước trong dáng vẻ tấn công. Đó cũng là lúc tê giác mẹ phát ra những âm thanh đe dọa thực sự và lao về phía con.

Tiếng bước chân rầm rầm như muốn làm nứt mặt đất của mẹ tê giác cũng đủ khiến những người lạ (chúng tôi) giật mình vội vàng lùi xa song chắn.

Chúng tôi sinh ra ở Safari - Ảnh 4.
Chúng tôi sinh ra ở Safari - Ảnh 5.

Trong hai tháng đầu đời, nguồn dinh dưỡng của tê giác con hoàn toàn là sữa mẹ. Tê giác con luôn luẩn quẩn bên mẹ hay đúng hơn, tê giác mẹ luôn bám sát gót con.

Theo anh Bùi Phi Hoàng, tổ trưởng tổ chăm sóc Động vật (bộ phận Thú dữ), bản năng bảo vệ con non của tê giác mẹ mạnh đến nỗi nó luôn đi theo con không rời nửa bước.

Chúng tôi sinh ra ở Safari - Ảnh 6.

Chỉ khi thật sự tin tưởng môi trường an toàn, tê giác mẹ mới yên tâm ăn, còn không nó sẽ canh chừng cả ngày, cả đêm không màng ăn uống để bảo vệ con. Khi thấy phía trước có nguy hiểm, mẹ tê giác sẽ chặn đường để con không thể tiến lên.

Cách nhau 17 ngày nhưng hai anh em tê giác con mới sinh ở Safari Phú Quốc rất năng động. Với dáng vóc còn nhỏ nhắn, hai bé tung tăng chạy nhảy khắp khu vực sân chơi khiến các bà mẹ với thân hình nặng nề lên đến 1,5 tấn phải vất vả đuổi theo.

Chúng tôi sinh ra ở Safari - Ảnh 7.

Hai cặp mẹ con tê giác được chăm sóc riêng và nghỉ ngơi trong chuồng đối diện nhau. Tuy nhiên, vào ban ngày, mẹ con tê giác sinh hoạt ở khu sinh hoạt chung có song thưa. Qua các chấn song, tê giác con và cả tê giác mẹ có thể quan sát đồng loại và làm quen để về sau tái nhập đàn.

Trong thời gian nuôi con nhỏ, tê giác mẹ cảnh giác với tê giác đực còn hơn với người lạ. Chỉ cần thấy con lại gần chấn song nơi có tê giác đực đứng là đủ để tê giác mẹ gầm lên và lao đến thủ thế tấn công từ phía bên kia hàng rào.

Chúng tôi sinh ra ở Safari - Ảnh 8.
Chúng tôi sinh ra ở Safari - Ảnh 9.
Chúng tôi sinh ra ở Safari - Ảnh 10.

Vườn thú tôn trọng bản năng tự nhiên và hạn chế can thiệp vào các quá trình tự nhiên của con vật. Vì vậy, không giống hình dung của nhiều người về những ca sinh có bác sĩ, y tá, hộ sản, các loài vật ở Safari Phú Quốc vượt cạn một mình.

Một số ít trường hợp sinh khó như sinh ngược ngôi, sinh chậm mới được các bác sĩ thú y can thiệp.

Môi trường sống và việc cho ăn được thiết kế trên cơ sở tôn trọng tập tính tự nhiên của các loài thú. Ví dụ hà mã cần không gian rộng với nhiều hồ nước có độ nông sâu khác nhau để ngâm mình, bơi lội. Chuồng hắc tinh tinh phải có dây đu, sạp nghỉ, võng để hắc tinh tinh leo trèo, đu bám hoặc nằm nghỉ ngơi.

Khu đất cho tê giác phải rộng, dạng đồng cỏ savan và có vũng tắm bùn. Đối với hổ, thức ăn phải được treo cao hoặc giấu kín để chúng phát huy bản năng săn mồi.

Thay vì nhốt trong chuồng, môi trường nuôi bán tự nhiên lợi dụng chính những hạn chế của con vật để giới hạn chúng trong khuôn viên. Chẳng hạn, hắc tinh tinh, vượn không biết bơi thì có thể đào hào nước rộng để chúng không thể vượt qua.

Ông Nguyễn Đình Cao, trưởng bộ phận chăm sóc động vật vườn thú Safari Phú Quốc, cho biết: "Các yếu tố đảm bảo phúc trạng động vật gồm đảm bảo môi trường sống gần với điều kiện tự nhiên, dinh dưỡng, đảm bảo phát huy tập tính tự nhiên của loài, con thú khỏe mạnh, ổn định về tâm sinh lý với biểu hiện da lông bóng mượt, mắt long lanh, bình tĩnh thoải mái".

Những điều kiện này góp phần khiến dân số các loài động vật tại Safari Phú Quốc ngày càng gia tăng.

Chúng tôi sinh ra ở Safari - Ảnh 11.
Chúng tôi sinh ra ở Safari - Ảnh 12.
Chúng tôi sinh ra ở Safari - Ảnh 13.

HỒNG VÂN
TƯỜNG VY
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên