04/12/2011 07:00 GMT+7

Chúng tôi sẽ đến với nhau nghìn lần nữa

HÀ THANH
HÀ THANH

TT - Mối tình của những người trẻ trong thời chiến càng thêm đẹp vì sự hi sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc...

m0JGgzT1.jpgPhóng to

Bức hình kỷ niệm trước khi anh Nguyễn Na đi B Ảnh do nhân vật cung cấp

Liệt sĩ Hoàng Lê Kha là tên người đàn ông trong sương của Hoàng Lệ Dần. Nói vậy bởi vì từ khi sinh ra cho đến khi biết tin ông Hoàng Lê Kha mất, cô con gái Lệ Dần chưa từng có cơ hội được hình dung trọn vẹn về cha. Lệ Dần chào đời một thời gian ngắn thì cha rời Thanh Hóa lên Hà Nội học. Năm Lệ Dần 4 tuổi, cha đột ngột vào Nam. Kể từ đó, cô con gái nhỏ chỉ còn được ngắm cha qua bức ảnh cũ... Năm 1957, gia đình cô hay tin cha bị địch bắt. Năm 1960, hi vọng cuối cùng tan vỡ: chiến sĩ cách mạng Hoàng Lê Kha bị xử chém.

Khi lên Hà Nội học Trường bổ túc văn hóa Công nông, Lệ Dần gặp thầy giáo Nguyễn Na. Những bài giảng kéo thầy trò đến gần nhau, ươm trong lòng họ hạt mầm yêu thương. Thỉnh thoảng Nguyễn Na đến nhà Lệ Dần chơi. Cô bẽn lẽn giới thiệu với mẹ: “Đây là thầy giáo của con”. Một năm sau Nguyễn Na chuyển công tác đến huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Mỗi sáng thứ bảy anh lặng lẽ đạp xe về Hà Nội, mãi chập tối mới đến nơi chỉ để tạt qua ký túc xá Trường ĐH Dược khoa, đạp xe lên từ phía sau, vỗ nhẹ vào vai Lệ Dần và cười hiền khi cô đang lững thững trên đường từ phòng ăn về ký túc xá. Qua những lá thư, họ ngượng ngùng thay xưng hô thầy - trò bằng anh - em.

Năm 1964, anh nhận lệnh đi B. Họ lén dẫn nhau đi chụp hình làm kỷ niệm. Anh đặt họ của cô lên đầu bí danh hoạt động: Hoàng Nghĩa. Đám cưới trở thành lời hẹn. Thời chiến, tiễn người đi không ai dám đoan chắc ngày về. Nhiều người nhìn Lệ Dần ái ngại. Con gái 30 tuổi mà cứ mòn mỏi đợi chờ. Người ta nhiều lần nói về những chữ “lỡ như”. Có lúc chống chếnh Lệ Dần nhủ: mình chỉ chờ anh thêm một năm nữa.

Một năm trôi qua, cô lại nhủ: thêm một năm nữa. Để rồi đến ngày cô thanh thản nghĩ: mình đã đợi chờ bấy nhiêu năm, chẳng lẽ thêm một năm nữa mà không chờ được. Năm 1970, anh về. Đám cưới nhỏ lập tức diễn ra: đơn giản, không có vòng tay, hoa tai, chỉ có đôi nhẫn cưới. Cô dâu xúng xính trong chiếc áo dài màu hồng phấn, chú rể cười toe trong bộ đồ giải phóng quân. Khi họ hàng về hết, hai chiếc bàn nhỏ trong gian phòng khách được ghép lại thành giường cưới.

Những cơn đau đầu từ thời sinh viên của Lệ Dần ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Niềm vui chào đón đứa con trai đầu lòng che lấp đi mọi nỗi lo. Ngày sinh con, Lệ Dần rưng rưng. Hình ảnh đứa con nhỏ mờ mờ trước mắt cô. Năm 1993, bác sĩ lắc đầu khi ánh sáng trước mắt Lệ Dần tắt hẳn. Anh Na càng tỏ ra dịu dàng, yêu thương cô. Anh đi chợ, nấu cơm, nuôi heo, đi làm, chăm sóc hai con. Còn Lệ Dần tập làm quen với những công việc trong bóng tối...

Đi cùng nhau đến gần cuối đường đời, họ vẫn không ngại gọi nhau thân thương bằng anh và em. Ông Nguyễn Na nói: “Khi chúng tôi đến với nhau đã có nhiều đau khổ, nhưng nếu có kiếp sau chúng tôi sẽ đến với nhau một trăm lần, một nghìn lần nữa...”

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên