11/06/2012 05:00 GMT+7

"Chúng tôi như tát nước giữa biển"

VÂN TRƯỜNG thực hiện
VÂN TRƯỜNG thực hiện

TT - Sau khi Tuổi Trẻ thông tin nông dân Bến Tre đang ồ ạt chặt dừa do giá dừa “xuống đáy”, đã có hàng trăm ý kiến của bạn đọc cả nước gửi về đề nghị phải có giải pháp cứu người trồng dừa.

KFvh0855.jpgPhóng to
Vựa dừa của chị Võ Thị Lan ở xã Tân Thành, huyện Giồng Trôm, Bến Tre tồn đọng 700.000 trái dừa khô không bán được suốt ba tháng qua -Ảnh: Hiền Trần

Ngày 10-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN VĂN HIẾU - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - nói:

- Tình trạng nông dân đổ xô chặt dừa là có nhưng tôi cho rằng đó chỉ là thiểu số chứ không phổ biến. Trồng cây dừa cực khổ mấy chục năm, đâu phải nói chặt là được. Chặt dừa rồi trồng gì, vốn ở đâu, trong mấy năm chờ thu hoạch cây mới họ sẽ sống bằng gì? Do đó tôi tin dân Bến Tre sẽ không chặt dừa dù giá dừa thấp như hiện nay làm họ rất khổ. Người dân Bến Tre sẽ không đói vì giá dừa thấp, nhưng tôi đã thấy nhiều người bệnh đau không có tiền đi bệnh viện, không có tiền gửi cho con học đại học ở TP.HCM. Gia đình tôi cũng giống những người trồng dừa khác.

* Là người đứng đầu của tỉnh trồng dừa nhiều nhất VN, ông đã có những giải pháp nào cứu người trồng dừa?

- Ở góc độ địa phương, lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp đã nhiều lần ngồi lại với nhau. Doanh nghiệp đã rất cố gắng giữ giá thu mua dừa nhưng chỉ được một thời gian rồi đuối sức. Các giải pháp trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa cũng đã làm nhiều năm nay. Nhưng thị trường dừa ảm đạm không chỉ ở Bến Tre hay VN mà cả các nước khác trên thế giới. Vì thế những việc chúng tôi làm chẳng khác nào “tát nước giữa biển”.

Trong thời gian họp Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh trồng dừa đã gặp nhau bàn bạc tìm giải pháp. Tôi và lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đã gửi câu hỏi chất vấn lãnh đạo Bộ Công thương về giải pháp bình ổn giá dừa, giúp người trồng dừa sống được với cây trồng đặc thù này. Hi vọng bộ và Chính phủ sẽ có giải pháp.

* Có ý kiến cho rằng thị trường dừa uống nước nhu cầu lớn, tỉnh nên quy hoạch vùng trồng dừa uống nước và vùng trồng dừa chế biến riêng biệt?

- Cây dừa không giống những loại cây khác, không thể quy hoạch ngắn hạn theo thị trường. Trồng dừa mất nhiều năm mới thu hoạch. Chưa chắc đến lúc đó dừa uống nước trụ được. Tuy nhiên tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia và nỗ lực để giải quyết đầu ra cho trái dừa trong tương lai.

* Bến Tre hiện có hơn 50.000ha dừa. Theo ông, con số này là vừa hay nhiều so với nhu cầu thị trường?

- Thị trường có lúc này lúc khác. Những tháng cuối năm 2011 thị trường thiếu dừa nghiêm trọng, thương lái Trung Quốc mua dừa tới 120.000 đồng/chục, tức 10.000 đồng/trái. Còn bây giờ chỉ có 1.000 đồng/trái. Chưa có căn cứ nào để nói Bến Tre trồng dừa như vậy là ít hay nhiều. Tôi biết hiện nay giá dừa ở Indonesia cao hơn ở VN nhưng thương lái Trung Quốc vẫn qua đó mua. Đây là chiến lược thị trường của họ, mình đâu thể can thiệp được. Rồi họ cũng sẽ quay lại mua dừa VN thôi.

* Có dư luận nói rằng thay vì dùng hơn chục tỉ đồng tổ chức festival dừa hồi tháng 5-2012 để hỗ trợ nông dân trồng dừa thì tốt hơn?

- Kinh phí tổ chức festival dừa là nguồn xã hội hóa chứ không sử dụng ngân sách. Hoạt động của festival dừa có mục đích quảng bá hình ảnh trái dừa Bến Tre và VN, xúc tiến thương mại... Việc làm này không thể đem lại kết quả trong ngày một ngày hai được.

Nên hỗ trợ dân trồng xen cây khác

Ngày 10-6, trao đổi với chúng tôi, ông Phan văn Dư (cục phó Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Cây dừa không phải như cây cam, cây quýt, cây nhãn mà muốn đốn thì đốn. Tỉnh Bến Tre phải có biện pháp ngăn chặn, không để người dân đốn dừa nữa”.

* Nhiều người dân nói giá dừa thấp, nếu giữ dừa thì dân sẽ càng khổ, thưa ông?

- Mặc dù giá dừa liên tục giảm từ đầu năm 2012 đến nay và đang ở mức “thấp không tưởng”, nhưng đây là chuyện nóng lạnh của thị trường. Một thời gian ngắn nữa thôi, kinh tế thế giới hồi phục thì sức tiêu thụ tăng trở lại, giá dừa sẽ tăng. Chính vì thế, người dân Bến Tre cần bình tĩnh, cố gắng chịu đựng thêm một thời gian. Một cây dừa trồng 4-5 năm mới bắt đầu có trái và 10 năm trở đi mới cho trái nhiều. Gần 100.000ha dừa ở Bến Tre và các tỉnh khác đều có tuổi 30, 40 năm, thậm chí nhiều hơn. Cây dừa không chỉ là biểu tượng của tỉnh Bến Tre mà còn là loại cây gắn liền với lịch sử kháng chiến của nước ta.

Thời gian qua Cục Trồng trọt đã khuyến cáo người dân nên trồng xen cây cacao và các loại cây khác trong vườn dừa để tăng thu nhập. Người dân cũng đã làm, những hộ trồng xen cacao có thu nhập khá. Hiện tỉnh đang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Cục cũng khuyến cáo nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa, trồng dừa không phun thuốc trừ sâu. Và đặc biệt là phải tận dụng ưu thế môi trường trong lành để phát triển du lịch sinh thái. Tôi nghĩ tỉnh phải hỗ trợ dân trồng xen, nuôi xen để khi giá dừa thấp thì còn có cái khác đảm bảo thu nhập.

* Theo ông, cần làm gì để người dân không đốn bỏ dừa ồ ạt?

- Ngay bây giờ tỉnh Bến Tre phải hỗ trợ cho những hộ trồng độc canh cây dừa vì giá 800 đồng/trái thì không ai sống nổi. Thứ hai, khuyến khích và hỗ trợ vốn cho nông dân trồng xen cây cacao, bưởi da xanh hay các loại cây khác phù hợp xen trong vườn dừa. Nếu trồng bưởi da xanh thì chỉ tỉa, đốn bỏ vài cây dừa trong vườn để tạo khoảng trống cho bưởi quang hợp chứ không đốn hết.

Ngành công thương phải hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, tìm đầu ra cho các sản phẩm từ dừa để tăng tiêu thụ dừa nguyên liệu. Quan trọng là phải điều tra và công bố cho dân biết trồng bao nhiêu hecta dừa là đủ cho sản xuất và xuất khẩu, tránh tình trạng trồng quá nhiều, cung vượt cầu như hiện nay. Một điều làm tôi lo lắng là ngành chế biến dừa ở Bến Tre hiện còn lạc hậu và quá ít sản phẩm so với Thái Lan, Sri Lanka, Philippines. Do đó doanh nghiệp phải chủ động đầu tư công nghệ chế biến nhiều sản phẩm hơn để tăng tính cạnh tranh, chứ chỉ sản xuất vài loại sản phẩm như hiện nay thì rất khó.

Đã có hàng trăm ý kiến gửi về Tuổi Trẻ bày tỏ bức xúc khi giá dừa đang rớt “xuống đáy”, đồng thời hiến kế nhằm tìm cách cứu người trồng dừa. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến:

* Cây dừa Bến Tre (loại dừa ta) có thể làm được nhiều thứ: trái dừa, gáo dừa làm hàng mỹ nghệ, thực phẩm tạo béo, chế biến dầu, xơ dừa... đặc biệt dừa Bến Tre làm than hoạt tính với tỉ lệ cao và được ưa chuộng nhất trên thế giới. Nói chung từ gốc đến ngọn cây dừa đều có thể khai thác được. Các vị lãnh đạo tỉnh nên tìm cách để khai thác cây dừa theo hướng trên, tránh tình trạng buông lỏng để thương lái nước ngoài thao túng giá cả. Đừng để đánh mất danh hiệu xứ dừa của quê hương.

ananhminh@...

* Giá tại gốc có 800 đồng/trái, một chục dừa 12 trái chưa mua được 1kg gạo. Đọc mà thấy đau xót cho người nông dân xứ dừa. Thử hỏi giá như vậy làm cách nào dân có thể sống và bảo tồn giống dừa được? Điều đáng nói là dừa ở Bến Tre thừa sản lượng, giá không thể rẻ hơn, nhưng vào quán uống nước kêu một trái dừa thì giá 10.000-15.000 đồng/trái.

Quang Minh (nhqminh@...)

* Tỉnh nhà vừa tổ chức một festival dừa hoành tráng. Xong, cây dừa lại bị chặt ồ ạt. Do vậy, tỉnh Bến Tre cần tính biện pháp hỗ trợ ngay lập tức (tinh thần, kỹ thuật trồng, đặc biệt con đường tiêu thụ ổn định lâu dài và bền vững). Bởi vì bên cạnh giá trị kinh tế, cây dừa còn mang giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật. Cây dừa luôn gắn liền với con người Bến Tre.

Huỳnh Phương Bình (hpbplan2011@...)

* Cây dừa hiện nay rất hiếm ở nhiều nơi và giá có khi lên đến 20.000-30.000 đồng/trái. Vì vậy xin bà con Bến Tre đừng chặt cây vội, bởi chỉ cần các vựa trái cây liên kết được một mạng lưới tiêu thụ từ Bắc vào Nam thì dừa bán ra thấp nhất cũng 2.000-3.000 đồng/trái.

thuanlinhthanh@...

* Chúng ta cần bình tĩnh suy xét tìm cách giải quyết rốt ráo. Thứ nhất: trái dừa theo phân tích có rất nhiều công dụng: làm nước giải khát, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm, kẹo bánh... Tuy nhiên thực tế đáng buồn là chúng ta trồng dừa chỉ để bán nguyên trái cho thương lái Trung Quốc mà không tự sản xuất chế biến mỹ phẩm, thực phẩm...

Thứ hai: có cái gì đó trong vấn đề phân phối lưu thông đến người tiêu dùng khi trái dừa ở Bến Tre giá bán chỉ 800 đồng/trái (dừa khô, dừa nước cao hơn một chút), nhưng dừa nước tại TP.HCM giá 10.000-12.000 đồng/trái? Lợi nhuận vô túi ai?

Thứ ba: cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết vấn đề giá dừa trên để cứu người dân trồng dừa? Nên có sự phối hợp giữa bốn nhà: nhà nước, nhà kinh doanh - sản xuất, nhà khoa học, nhà nông giải quyết vấn đề cây trồng nói chung và cây dừa nói riêng.

Trần Ngọc Long (tranngoclong3@...)

VÂN TRƯỜNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên