TTCT - Cuộc trò chuyện của tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu với Phạm Vĩnh Lộc - một Facebooker sinh năm 1990 với những bài viết về lịch sử hết sức thú vị có hơn 25.000 người theo dõi và Nguyễn Phú Cường (sinh năm 1993) - người vừa là diễn giả trong một cuộc trò chuyện về sách với đề tài lịch sử với giới trẻ cho thấy niềm ham thích đọc sử dễ dàng kết nối những thế hệ khác nhau, dù mục đích đọc và cảm nhận khi đọc có nhiều khác biệt. Nguyễn Phú Cường TS Nguyễn Thị Hậu (NTH): Chịu khó theo dõi thị trường sách một, hai năm gần đây, có thể thấy một hiện tượng: sách về lịch sử được xuất bản nhiều hơn trước, nhiều thể loại (chuyên khảo, biên niên, tiểu thuyết, truyện tranh, dã sử...) do nhiều đơn vị xuất bản. Sự nở rộ sách lịch sử gần như trùng hợp với sự kiện Bộ GD&ĐT chủ trương “tích hợp môn lịch sử” và xã hội đồng loạt lên tiếng bảo vệ vị thế độc lập của môn học này trong trường phổ thông, vì những ý nghĩa quan trọng của nó. Là những người trẻ ham thích đọc sách về lịch sử, với các bạn, yếu tố nào sẽ giúp sách lịch sử đến gần bạn hơn? Phạm Vĩnh Lộc (PVL): Yếu tố hình thức cực kỳ quan trọng trong quá trình truyền đạt nội dung lịch sử. Trước khi đọc một cuốn sách, người ta luôn bị thu hút bởi bìa và cách trình bày sách. Nếu bìa đẹp, cuốn hút và chất lượng in ấn tốt, nó sẽ làm tăng đáng kể giá trị của cuốn sách. Người đọc sẽ rất thích một cuốn sách được trình bày tốt. Hình ảnh minh họa các nhân vật và sự kiện lịch sử trước đây chỉ được xem như yếu tố phụ. Nó giống như một gia vị ăn kèm, có cũng được, không có cũng chẳng sao. Với người đọc trẻ thì tư duy ấy đã lỗi thời. Những yếu tố thị giác như hình ảnh hay màu sắc đóng vai trò tối thượng trong việc lan tỏa thông tin ngày nay, gần như là một loại ngôn ngữ riêng. Đừng ngần ngại cách điệu một nhân vật lịch sử cho trẻ trung, hay tạo ra những artwork có phần hư cấu về một bối cảnh lịch sử. Digital art và concept art sẽ là hai vũ khí đắc lực trong hành trình chinh phục tình cảm của giới trẻ với lịch sử Việt Nam. Ai lại chẳng thích một Nguyễn Huệ oai phong đẹp trai, tay cầm ô long đao làm ảnh minh họa cho một cuốn sách hay tựa game nào đó? Sự hiện đại nhưng gần gũi sẽ nhanh chóng chạm đến trái tim vốn có ác cảm với môn lịch sử. Nhật Bản là đất nước thành công nhất trong lĩnh vực này và ta hoàn toàn có thể học tập họ. TS Nguyễn Thị Hậu NTH: Đọc sách - kể cả truyện tranh - là một thao tác hoàn toàn khác xem phim hay chơi game, vốn nặng về yếu tố nghe/nhìn. Đồng ý là trong thời đại truyền thông thì sách lịch sử cũng cần thay đổi để hấp dẫn người đọc. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng hình ảnh minh họa cũng tùy từng loại sách và đối tượng đọc nó. Với sách lịch sử, vẫn quan trọng là “những con chữ” chuyển tải nội dung lịch sử như thế nào để “đọc và suy nghĩ”. PVL: Để lịch sử Việt Nam gần gũi hơn với công chúng, điều quan trọng là người viết phải có tâm hồn trẻ trung và tư duy cởi mở. Người viết sách cũng cần tham khảo tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau để có góc nhìn đa chiều. Lời văn khi diễn giải cần đơn giản, súc tích. Hiện tại em đang phổ cập kiến thức lịch sử trên Facebook. Em sáng tác truyện ngắn dựa trên các nhân vật lịch sử (tập trung vào những nhân vật ít người biết), cung cấp những thông tin lịch sử thông qua hành trình du lịch của em, ví dụ ở Quảng Nam em được biết có một cuốn gia phả ghi về một dòng họ “hoàng tộc triều Lê” mà khi xưa vua Lê đã mang theo khi vào Nam và dòng họ này đã ở lại vùng đất mới. NTH: Gia phả hay truyền thuyết địa phương là những nguồn sử liệu, nhưng cần có thao tác đối chiếu, so sánh hay thẩm định lại từ chính sử, từ tư liệu khác nữa... Liên quan đến việc xử lý tư liệu này cần nắm vững các khái niệm: lịch sử, sử học, sự thật lịch sử, truyền thuyết, huyền thoại... Những loại sử liệu trong dân gian có thể được sử dụng trong văn học, nghệ thuật để phản ánh sự đa dạng, phong phú của xã hội trong quá khứ, nhưng cẩn trọng nếu sử dụng để viết sách sử (học). Nguyễn Phú Cường (NPC): Cùng với sự bùng nổ của truyền thông, hằng ngày các bạn trẻ đang bị bủa vây bởi hàng vạn thông tin, trào lưu hay hình ảnh mà trong số đó không phải tất cả đều có lợi. Nếu như các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đang nắm bắt và vận dụng rất tốt truyền thông nhằm chuyển tải văn hóa, lịch sử đến với công chúng bằng những sản phẩm “nghe nhìn” vô cùng phong phú và dễ tiếp cận thì ở nước ta rất thiếu những điều này. Điều đó làm các bạn trẻ hiện nay thiếu mặn mà với môn sử khô cứng và nghèo nàn qua sách giáo khoa và vài bộ sách sử. Em cho rằng cần có nhiều những cách thức mới hoặc tạo ra những sản phẩm phong phú hơn như phim ảnh, truyện tranh... nhằm đưa lịch sử đến với cộng đồng một cách khéo léo. Phạm Vĩnh Lộc PVL: Lịch sử Việt Nam chính là mỏ vàng để phim ảnh, truyện tranh, game và các ấn phẩm văn hóa khai thác. Cần tìm các đạo diễn có tâm huyết và tài năng, đầu tư một số tiền thích hợp để đưa lịch sử lên màn ảnh. Trước đây đất nước còn thiếu thốn mà phim Đêm hội Long Trì đã xuất sắc như vậy thì với công nghệ hiện nay, em tin chúng ta sẽ làm được dễ dàng. Bản thân em là người đã đi gần hết Việt Nam, nên tình yêu Tổ quốc của em rất lớn. Tình yêu đó tạo nên một động lực mạnh mẽ để em khám phá cội nguồn và mang đến cho mọi người sự hiểu biết bằng những việc cụ thể như làm những video clip lịch sử một cách dễ xem, dễ hiểu. Sắp tới, em sẽ lập một trang blog về lịch sử để mọi người tiện tra cứu thông tin. NPC: Sự phát triển ngày càng nhanh chóng của xã hội công nghiệp khiến các bậc cha mẹ dành ít thì giờ hơn cho con cái mình. Hầu như ngoài thời gian học ở trường, phụ huynh thường ít quan tâm đến việc con mình đang nghe gì, xem gì và đọc gì. Bên cạnh đó, tâm lý thực dụng “học để làm một nghề kiếm được nhiều tiền” cũng như thiên kiến về môn lịch sử của phụ huynh đã dẫn đến việc nhiều bạn trẻ manh nha đam mê với môn sử hoặc muốn đi theo con đường khám phá, nghiên cứu lịch sử đã vấp phải sự cản trở của chính cha mẹ mình. NTH: Tôi biết nhiều học sinh học khá giỏi và yêu thích môn lịch sử được cha mẹ tôn trọng sở thích, không ngăn cản mà còn giúp các em tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn sách báo, tư liệu... Có gia đình thường xuyên cùng con em truy cập những website về lịch sử, bảo tàng, di sản văn hóa thế giới. Rõ ràng gia đình có vai trò quan trọng trong việc khơi mở sự yêu thích lịch sử của người trẻ. Do vậy cần có một thế hệ phụ huynh có suy nghĩ, nhận thức mới về việc học sử, có đủ sự hiểu biết để có thể cung cấp những kiến thức lịch sử ban đầu cho con cái mình. NPC: Hiện nay xã hội đang bàn đến vấn đề người trẻ dần quay lưng với bộ môn lịch sử, thậm chí có nhiều bạn đang còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng mang một lỗ hổng khá lớn về kiến thức lịch sử. Trong việc này, đa số thường có khuynh hướng quy trách nhiệm cho việc dạy và học môn lịch sử trong nhà trường quá khuôn mẫu và đơn điệu, sách giáo khoa nghèo nàn chỉ toàn con số và những nhận định khô cứng... PVL: Điều đó không sai vì em nhận thấy trong việc giảng dạy môn lịch sử hầu như không cho học sinh được quyền phản biện, nêu lên suy nghĩ và tự rút ra nhận định của mình sau mỗi tiết học. Phải bỏ ngay chuyện cô đọc trò chép vì lịch sử là một môn xã hội và giá trị của nó nằm ở nhiều góc nhìn khác nhau. Nhất là việc đánh giá nhân vật lịch sử qua góc nhìn của xã hội khác với đánh giá của chính sử. Nó cho thấy các vĩ nhân cũng là con người có ưu khuyết riêng. Tuy nhiên, cần cẩn thận khi sử dụng ngôn từ để mô tả, đánh giá vì người Việt Nam vẫn thường nhạy cảm khi nói về tiền nhân và nặng tâm lý “đội lịch sử lên đầu để thờ”. Mặt khác, em còn nhận thấy các thầy cô dạy môn lịch sử cũng không được coi trọng và thiệt thòi trong thu nhập. NPC: Em nghĩ cùng với nhà trường, gia đình cũng cần tôn trọng và tạo điều kiện để con cái có đủ tự do phát triển tư duy, nhận thức cũng như theo đuổi niềm đam mê với sử học nếu có. Quan trọng hơn chính là ở bản thân các bạn trẻ. Thay vì phải chờ đợi một sự thay đổi đến từ hệ thống giáo dục hay một phía nào tạo ra thành phẩm đem đến cho mình, chính các bạn phải tự thân thay đổi từ suy nghĩ: dù là môn sử hay bất cứ một bộ môn nào khác, để có thể hiểu biết thì điều quan trọng nhất là sự chủ động và kiên nhẫn để học hỏi và khám phá những điều mới mẻ. Sách hay, phim hay và những nguồn tài liệu khác hiện nay không thiếu. PVL: Để thay đổi việc giảng dạy môn sử, em nghĩ rằng cần thay đổi đầu tiên là sách giáo khoa: nhiều bộ sách lịch sử do nhiều người biên soạn, nội dung lịch sử được viết một cách hấp dẫn về giọng văn, cách trình bày... sẽ kích thích tinh thần ham học của học sinh. NPC: Và ở cấp học cao như trung học, đại học nên đưa ra nhiều cách nhìn nhận, đánh giá lịch sử cho học sinh, sinh viên suy nghĩ, thảo luận, thậm chí khuyến khích người trẻ tìm kiếm tư liệu phản biện. Có như vậy người trẻ mới thấy thích thú khi được tham gia vào lịch sử. NTH: Học, đọc lịch sử không chỉ là để biết quá khứ, mà bài học từ lịch sử có ích vì giúp các em có thái độ và phương pháp đúng đắn trong việc nhìn nhận, đánh giá các hiện tượng xã hội trong quá khứ cũng như hiện tại, là kinh nghiệm cho thế hệ sau lựa chọn và tự định đoạt con đường tương lai. Sách sử và lịch sử, môn lịch sử và học sinh thật sự có mối liên hệ mật thiết. Do đó sách viết về lịch sử, cách giảng dạy lịch sử làm sao phải là con đường ngắn nhất để lịch sử trở thành sự yêu thích và quan tâm của thế hệ trẻ. Nếu không nhận thức được điều này thì chính sách sử, việc dạy sử sẽ là con đường dài nhất cho thế hệ trẻ đi đến tương lai.■ Tags: Lịch sửHọc sửDạy sửSách sửPhạm Vĩnh LộcNguyễn Phú Cường
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.