Hạn chế xe buýt có kích thước lớn đi vào đường hẹp và phải tăng số lượng xe buýt có kích thước trung bình. Trong ảnh: xe buýt trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh - Ảnh: Hữu Khoa |
Đầu tư thêm xe buýt nhỏ
Nhiều tuyến đường ở TP.HCM rất hẹp, đôi khi nguyên nhân ùn tắc lại xuất phát từ chính những chiếc xe buýt có kích thước to lớn.
Do đó, để phát triển hệ thống xe buýt công cộng, ngoài câu chuyện đổi mới tác phong phục vụ phải thay đổi kích cỡ phương tiện, hạn chế xe buýt có kích thước lớn đi vào đường hẹp và phải tăng số lượng xe buýt có kích thước trung bình, với tần suất hoạt động cao hơn.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch những trục đường chính để ưu tiên cho xe buýt hoạt động với chất lượng tốt nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu nhanh chóng, đúng giờ và thuận lợi cho người dân; từ đó tạo niềm tin, thu hút dần sự tham gia đông đảo hơn của người dân đối với phương tiện công cộng.
Về lâu dài, chính quyền TP cần có biện pháp tạo việc làm, khuyến khích người lao động dần di chuyển ra ngoại thành để sinh sống và làm việc, đảm bảo với mức lương phù hợp.
Các trường đại học có đông sinh viên nhất thiết phải dời ra khỏi nội thành. Nếu các cơ sở giáo dục - đào tạo này không được di dời, tình trạng ùn tắc giao thông rất khó giải quyết, bởi không chỉ có sinh viên tập trung đông mà những nhóm lao động khác, làm những ngành nghề khác có liên quan cũng tập trung đông đúc theo.
Trương Thế Nguyễn (Sóc Trăng)
Phát triển xe buýt hai cấp
Trong khi chờ đợi TP tạo hệ thống metro ngầm, metro trên cao, tăng cường tuyến xe buýt..., chúng tôi đề nghị một mô hình giao thông công cộng phù hợp với TP hiện nay, được gọi là hệ thống xe buýt hai cấp.
Cấp một: dùng xe buýt để đưa hành khách trên các tuyến đường chính, khu vực đông dân cư của TP từ các trạm chờ xe. Cấp hai: dùng xe đạp để người dân tự đi đến các nơi mà mình mong muốn.
Có thể mô tả việc đi lại của mọi người trong hệ thống giao thông này như sau. Mỗi người khi tham gia giao thông cần đăng ký mua một xe đạp đặc chủng và được cấp một thẻ vạch, trong đó có ghi rõ thông tin cá nhân để thanh toán tiền khi tham gia hệ thống xe buýt này.
Hành khách sẽ đi xe đạp tới trạm xe buýt gần nhất và gửi xe đạp lại bằng cách quét thẻ vạch, hệ thống máy tính sẽ lưu lại người hành khách đó đã gửi một chiếc xe đạp số đó vào trạm chờ xe, tất cả các trạm chờ xe buýt được nối mạng với nhau.
Sau đó hành khách lên xe buýt đi tới trạm gần nhất mà mình muốn tới, lúc xuống hành khách chỉ cần quét thẻ vạch ở trạm đến và có thể lấy bất kỳ một chiếc xe đạp khác để đi đến nơi mình mong muốn.
Mô hình này tuy có một số khó khăn trước mắt cần giải quyết, như phải đầu tư các trạm xe buýt có chỗ giữ xe đạp, nhưng người dân sẽ thấy thuận tiện hơn khi sử dụng xe buýt để đi đoạn đường dài và dùng xe đạp cho những đoạn đường ngắn hoặc vào những con đường nhỏ. Từ đó sẽ giảm bớt lượng xe máy, ôtô cá nhân lưu thông trên đường. Đó là chưa kể hệ thống này sẽ phù hợp với một TP thông minh hiện đại cho hôm nay và mai sau.
Xe buýt phải đổi mới Dù có áp dụng phương cách nào đi nữa, phải thừa nhận rằng phát triển vận tải hành khách công cộng nói chung và vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nói riêng vẫn là giải pháp tối ưu trong bối cảnh phát triển của một đô thị cực lớn như TP.HCM. Tuy nhiên, mặc dù có sự nỗ lực rất lớn của chính quyền TP và ngành giao thông vận tải trong việc thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong thời gian qua, kết quả cho đến nay vẫn chưa đạt như mong đợi và sản lượng hành khách đi xe buýt đang có chiều hướng giảm sút. Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để thu hút hành khách đi xe buýt trong giai đoạn hiện nay? Theo dự thảo đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ nay đến năm 2025 trên địa bàn thành phố của Sở Giao thông vận tải TP.HCM (vào năm 2015), để thu hút hành khách đi xe buýt từ nay đến năm 2025, sẽ có hai nhóm giải pháp lớn cần được triển khai song song: 1. Nhóm giải pháp “đẩy”, bao gồm hai giải pháp chính. Thứ nhất là hạn chế xe cá nhân (cần tiến hành hạn chế sự đi lại của xe cá nhân trên một số tuyến đường, hạn chế sử dụng xe cá nhân như thu phí lưu thông, thu phí đậu xe...). Thứ hai là tái cấu trúc đô thị và không gian kinh tế (chủ yếu quy hoạch, bố trí các khu thương mại, khu nhà ở sao cho phù hợp trong giao thông, đi lại; phát triển các trung tâm cấp theo quy hoạch, sắp xếp lại trật tự vỉa hè, bố trí trạm dừng xe buýt hợp lý...). 2. Nhóm giải pháp “kéo”, bao gồm năm giải pháp chính: đổi mới đầu phương tiện và sắp xếp luồng tuyến; cải thiện hạ tầng xe buýt (tập trung thu hồi đất quy hoạch giao thông, phát triển bến bãi và trạm trung chuyển, phát triển các làn đường dành riêng cho xe buýt theo hình thức xe buýt nhanh...); cải tiến công tác quản lý điều hành (ưu tiên tinh gọn bộ máy và sắp xếp, phủ kín luồng tuyến); tiếp tục triển khai cơ chế chính sách (như vay vốn đổi mới đầu tư phương tiện, tăng cường vận động người dân đi xe buýt...) và cuối cùng là nhanh chóng hoàn thành, khai thác các tuyến đường sắt đô thị, kết nối với các tuyến xe buýt hiện có. Nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận