Báo Tuổi Trẻ số 10 (từ 9-3-1979 đến 15-3-1979)
Đêm nay chúng ta tiễn những người con đầu tiên của thành phố lên đường chiến đấu bảo vệ .
Hãy bắt đầu câu chuyện về những người đi bằng câu chuyện tình yêu của "dũng sĩ bắn tỉa" ĐINH GIẢNG HIẾU.
Anh và người yêu đang chuẩn bị làm lễ cưới thì anh quyết định lên đường đi chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam.
Anh là con một người thợ xây nhà ở quận Tân Bình. Hôm nay anh lại xung phong đi đánh giặc ở biên giới phía Bắc. Thế là ngày cưới lại dời tới lần thứ hai, vì hai người yêu nhau ấy cùng nghĩ rằng "còn giặc ngoại xâm thì chưa có hạnh phúc riêng".
Cũng như ĐINH GIẢNG HIẾU, tất cả những chiến sĩ, sĩ quan được vinh dự lên đường đi chiến đấu ở biên giới phía Bắc hôm nay đều là những dũng sĩ vừa lập chiến công vẻ vang ở biên giới phía Tây Nam trở về. Nhiều đồng chí đã được thưởng Huân chương Chiến công. 100% đạt danh hiệu dũng sĩ.
Đó là HOÀNG VĂN HÁN, hơn 4 năm trước đây từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đã lên đường "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
Khẩu B.40 anh mang theo hôm nay là khẩu súng đã giúp anh trở thành dũng sĩ diệt xe cơ giới thời đánh Mỹ rồi trở thành chiến sĩ thi đua ở biên giới Tây Nam và nay lại theo anh lên đường...
Nhìn những người chiến sĩ vừa từ biên giới Tây Nam trở về nay lại lên đường ra phía Bắc ta chợt nghĩ tới hình ảnh người tráng sĩ "chí làm trai dặm nghìn da ngựa" đi "đánh đông dẹp bắc" để gìn giữ Tổ quốc mình.
Đêm nay, những bà mẹ miền Nam ở Củ Chi, Gò Vấp, Bình Chánh đem gửi núm ruột của mình ra bảo vệ biên giới phía Bắc khi lòng còn mang nặng nghĩa tình đối với những bà mẹ miền Bắc suốt 20 năm qua đã gửi đến đứa con cuối cùng của mình vào chiến đấu giải phóng miền Nam.
Má NGUYỄN THỊ NHÌN, mẹ của 9 đứa con trong đó có 5 con đi bộ đội, là cô ruột của anh hùng PHẠM VĂN CỘI, đã chia các con ra, gửi đi chiến đấu ở cả hai đầu Tổ quốc, hôm nay cũng có mặt để tiễn thượng sĩ HÀ THANH TÙNG là đứa con thứ 6 của mình.
Đưa tiễn các chiến sĩ hôm nay còn có hàng vạn bạn trẻ thành phố đang thực hiện những "công trình quyết thắng chủ nghĩa bành trướng".
Hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp, công trình đã biến thành những pháo đài thép.
Ở đó, mỗi người thợ trẻ đều là những chiến sĩ đang thực hiện lời kêu gọi của đồng chí Tổng bí thư mỗi ngày làm mười giờ để mỗi sản phẩm sẽ là một viên đạn bắn vào đầu bọn xâm lược.
Ở Câu lạc bộ thanh niên trong đêm chia tay, các cô gái đã trao cho người đi (mà trước đó chưa quen biết) những địa chỉ ghi vội, những chữ ký đằng sau tấm ảnh và... những lời hẹn hò:
- Thư về là có chiến công nghen!...
- Ở đây đợi tin các anh từng ngày!
Những chiến sĩ ra đi hôm nay còn đại diện cho hàng vạn lá đơn xin đi chiến đấu của tuổi trẻ thành phố.
Có nhiều lá đơn được viết bằng máu, có những lá đơn mang theo cả chữ ký của những người cha, người mẹ, người vợ, xin cho người thân được đóng góp cho đất nước vào những giờ phút thiêng liêng trọng đại này.
Với tình cảm "kẻ thù giết một người dân vô tội ở biên giới phía Bắc là gây một thương tích trong lòng cả dân tộc", mỗi người chiến sĩ ra đi hôm nay đều mang theo trong lòng niềm tin yêu mãnh liệt của cả ba triệu rưỡi dân thành phố với lời hứa sắt đá: "Quyết chiến quyết thắng!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận