Cán bộ Formosa Hà Tĩnh giới thiệu đường ống xử lý nước thải của nhà máy - Ảnh: Văn Định |
Diễn đàn chủ nhật tuần này ghi lại một số ý kiến.
* PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển):
Dứt khoát từ chối các dự án không thân thiện với môi trường
|
Thực tế thấy rất rõ các bài học trong phát triển cần phải được tổng kết.
Thứ nhất, đó là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã yêu cầu trong phát triển phải bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng sống của người dân (Chiến lược biển, Chiến lược tăng trưởng xanh...) nhưng chưa được cụ thể hóa trong triển khai thực hiện và thiếu các quy chuẩn - chế tài để đánh giá mức độ tuân thủ và thực hiện.
Thứ hai, các nhà ra quyết định các cấp vẫn ưu tiên đầu tư phát triển bằng mọi giá, bỏ qua các mục tiêu về môi trường.
Thứ ba, chưa cân nhắc đầy đủ ý kiến, nguyện vọng và lợi ích của người dân khi ra quyết định đầu tư, phát triển.
Thứ tư, các công cụ quản lý để bảo đảm môi trường trong các dự án - phương án phát triển như “đánh giá tác động môi trường” và “đánh giá môi trường chiến lược” còn chưa phát huy được tác dụng tốt trong hỗ trợ ra quyết định, đôi khi chỉ để hợp thức hóa các quyết định đầu tư.
Cả bốn vấn đề trên cần phải được tổng kết cụ thể để có giải pháp, hình thành thói quen biết từ chối và dứt khoát từ chối các dự án đầu tư không thân thiện với môi trường hoặc dự báo có tác động xấu đến môi trường.
Tôi nghĩ đã đến lúc chỉ ưu tiên các dự án “xanh”, loại bỏ dự án “nâu”, chú trọng các dự án phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn thiên nhiên (conservation-based economy) như du lịch lặn, nghề cá giải trí, kinh tế các khu bảo tồn biển. Không chọn xây dựng các dự án công nghiệp nặng, nhiều chất thải ở ven biển, trên các đảo.
* GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN):
|
Không thể vì cái lợi trước mắt
Tôi thấy Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề môi trường, mà quan tâm đến môi trường là quan tâm đến cuộc sống bền vững của người dân, nhưng vấn đề mấu chốt lại ở khâu thực thi.
Chúng ta từng có giai đoạn trải thảm thu hút đầu tư, nhưng trong quá khứ phải nói thẳng có lúc vấn đề môi trường đã không được quan tâm đúng mức, thậm chí có lúc còn thiếu chặt chẽ trong lựa chọn công nghệ, thiết bị máy móc.
Đương nhiên một nước đang phát triển thì việc đó là cần.
Tuy nhiên nếu được về kinh tế mà phải trả giá về môi trường thì dứt khoát cự tuyệt. Những cái mất có cả mất mát hiện tại và mất mát trong tương lai, thậm chí có cả những cái mất tích lũy ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng kéo dài.
Tôi nghĩ ở một số vùng biển của ta hiện nay đang có nhiều vấn đề, đáng lo nhất là vấn đề ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu. Lo như vậy nhưng chúng ta đã nhìn vấn đề môi trường thật sự sâu sắc chưa?
Thủy điện phải hi sinh rừng, sân golf phải hi sinh đất lúa để rồi có vùng đánh đổi thấy trước mắt một vài năm thì được, nhưng sau đó người dân sống khổ, cuối cùng Nhà nước phải hỗ trợ, như vậy lại thành ra mất.
Quan điểm riêng của tôi là đã đến lúc phải chú ý đến lợi ích lâu dài, không thể tư duy quản lý theo nhiệm kỳ. Người quyết định về dự án đầu tư là người có hoặc không thể nhìn vấn đề, nhìn quyết sách của mình trong nhiệm kỳ mà phải nhìn rộng ra.
Vấn đề kinh tế - xã hội - môi trường phải được quan tâm đúng mức, không xem nhẹ và không chấp nhận hi sinh môi trường vì lợi ích kinh tế.
* PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng):
Chấp nhận cái giá quá đắt thì không còn tương lai
|
“Không phát triển kinh tế bằng mọi giá” nói rất dễ, làm thì rất khó. Các địa phương đều muốn có tăng trưởng kinh tế, như vậy rất khó cưỡng lại được sức hấp dẫn của dự án nói chung, trong đó có các dự án luyện thép, đóng tàu, nhiệt điện, thủy điện...
Chính vì vậy lời nói của quan chức phải đi kèm với hành động thì người dân mới tin.
Ví dụ như cách đây gần 10 năm, sau nhiều ý kiến phản đối, Chính phủ đã ngưng dự án đầu tư nhà máy thép liên hợp của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) tại khu vực vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Hay là việc loại bỏ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch.
Chúng ta biết rằng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nếu được triển khai sẽ đem lại những lợi ích về kinh tế nhất định, nhưng cũng gây ra những tác động tiêu cực, lâu dài đến môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đến tài nguyên nước, dòng chảy và hạ lưu cũng như ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên và không gian văn hóa Đồng Nai. Những lựa chọn nêu trên đều khó khăn, nhưng chắc chắn là lựa chọn đúng.
Theo quy luật thì mọi sự phát triển đều phải trả giá, dù là một dự án công nghiệp làm nhà máy hay dự án du lịch làm resort, vấn đề là chúng ta chấp nhận cái giá ở mức độ nào và chọn hướng phát triển như thế nào.
Đất nước chúng ta không còn phải quá nghèo, đã vào ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình thấp, sắp hết thời gian được viện trợ ODA, vì vậy cái giá mà chúng ta chấp nhận không thể như trước đây.
Hơn nữa, chúng ta phải chọn hướng phát triển bền vững dựa trên thế mạnh của đất nước. Nước ta đất chật người đông, không gian phát triển không phải vô tận, nên chú trọng đến công nghệ thông tin, nông nghiệp, du lịch hơn là các dự án công nghiệp nặng.
* Ông Nguyễn Duy Lương (chuyên gia bảo tồn thiên nhiên):
|
Không thỏa hiệp tăng trưởng và môi trường
Từ những năm 1970 đã có làn sóng di chuyển công nghiệp sang “hậu công nghiệp” từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển.
Xu hướng này vẫn đang tiếp tục diễn ra và những nước chậm phát triển luôn là nước thiệt thòi, họ cần đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế nhưng vô hình trung trở thành bãi đáp của công nghệ lạc hậu, của những ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Đến nay, những gì diễn ra ở VN cũng tương tự như thế.
Chúng ta đang trải thảm đỏ đón vốn đầu tư nước ngoài nhưng lại thiếu định hướng thu hút đầu tư lẫn cơ chế giám sát, các quy định lỏng lẻo vô tình trở thành công cụ hợp thức hóa cho các dự án đầu tư vốn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Hiện nay, quy hoạch các khu công nghiệp của VN cũng đang có vấn đề. Đáng lẽ ra khu công nghiệp cần được xây dựng trên những vùng đất cằn cỗi, xa khu dân cư thì ở VN không ít khu công nghiệp được xây dựng trên vùng đất vốn là đất nông nghiệp được chuyển đổi, ruộng đất sản xuất lúa và các sản phẩm nông nghiệp khác bị biến thành nhà xưởng, khu dân cư... bất chấp hệ sinh thái đã tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm.
Trung Quốc là một ví dụ điển hình: sau một thời gian tăng trưởng nóng, nước này đang gánh chịu hậu quả của ô nhiễm môi trường nặng nề. Chúng ta không thể đi theo vết xe đổ đó vì môi trường là thứ không bao giờ lấy lại được.
Chúng ta cần có quốc sách về môi trường và thực thi nó nghiêm minh, quán triệt bảo vệ môi trường trong tất cả lĩnh vực của cuộc sống. Cần xây dựng một cơ chế giám sát môi trường độc lập với các bộ để đảm bảo việc thực thi các quy định, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
Tại Hà Lan, do phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, nhiều kênh rạch sạch không có sinh vật sống. Vì vậy để người dân hiểu rõ và yêu quý bảo vệ môi trường sống, chính phủ đã duy trì những khu vực có hệ sinh thái phát triển tự nhiên, giúp người dân thấy được sự sống khác nhau giữa hai môi trường.
Một trong những tài nguyên được ưu đãi của VN chính là môi trường thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, nhưng chúng ta lại chưa có nhận thức một cách đầy đủ để bảo vệ sự sống này.
Xu hướng phát triển chung của đầu tư, kinh doanh là “tư nhân hóa lợi nhuận nhưng xã hội hóa rủi ro”, trong đó có ô nhiễm môi trường. Do đó không bao giờ có sự thỏa hiệp giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường.
* Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM): Đừng để luật hiểu sao cũng được Câu chuyện phát triển kinh tế hay bảo vệ môi trường luôn đặt những nước đang phát triển vào tình thế khó khăn. Nhưng qua một vài sự kiện ở VN, có thể thấy dù phát triển kinh tế là cần thiết nhưng phải đảm bảo về môi trường. Môi trường không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống của chúng ta hôm nay mà ảnh hưởng lâu dài. Hiện nay, cái chúng ta thấy rất rõ là sự quy định không cụ thể của luật, khiến người áp dụng hiểu sao cũng được. Ví dụ sự hiểu khác nhau là giữa bộ trưởng và thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường trong việc đặt ống xả thải của Formosa. Luật quy định thế nào mà để có hai cách giải thích khác nhau. Do đó hoặc là nghị định để hướng dẫn cụ thể, hoặc là phải có một cơ quan để giải thích pháp luật của Quốc hội làm việc này. Thông thường, mỗi dự án đầu tư đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường (DMT) và hiện nay theo tìm hiểu của tôi, báo cáo DTM này do các cơ quan có thẩm quyền soạn. Nó không khác gì đề bài thầy ra rồi thầy chấm, nên theo tôi cần phải thay đổi cách làm này. Chúng ta cần thuê những đơn vị độc lập để thực hiện. Về lâu dài, mỗi dự án đầu tư quy mô lớn, các cấp có trách nhiệm duyệt phải đánh giá thật kỹ về môi trường, quy trách nhiệm cụ thể nếu xảy ra tác động tiêu cực đến môi trường chung. Còn hiện nay cơ chế thế này, xảy ra việc gì thì cũng chỉ lấy thuế của người dân để bồi thường mà thôi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận