Phóng to |
Ông Phan An Sa |
* Trên thế giới, game online (trò chơi trực tuyến) là trò chơi giải trí phổ biến và mới chỉ xuất hiện ở VN vài năm trở lại đây. Vậy lý do tại sao thanh tra Bộ VHTT gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ VHTT vào thời điểm này, thưa ông?
- Đúng là 2 năm trở lại đây game online mới phát triển rầm rộ nhưng hậu quả thì không phải không có. Như trong báo cáo của chúng tôi, từ khi trò chơi Võ lâm truyền kỳ xuất hiện đến nay đã lôi kéo gần 800.000 người tham gia. Tác hại của trò chơi này khiến người chơi đam mê đến quên ăn, quên ngủ, học sinh, sinh viên bỏ học để la cà chơi.
Đấy là chưa kể đến nó ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm, sinh lý của người chơi… Xuất phát từ những tác hại nhìn thấy đó, chúng tôi thấy mình cần có trách nhiệm ngăn việc này.
* Thực chất là game online chỉ là một trò chơi giải trí, cũng giống như karaoke hay bất cứ loại hình giải trí nào khác tức là nó cũng có mặt tốt…
- Tất nhiên, tôi không bảo game online là xấu. Trò chơi thì cũng giúp cho người chơi giảm stress và thư giãn. Nhưng nếu trò chơi đó lại khiến cho người ta đam mê đến mù quáng thì chúng ta cũng cần phải có những biện pháp để ngăn lại để trò chơi thực sự mang tính lành mạnh.
* Khi kiến nghị này của thanh tra Bộ được dư luận biết đến, thì những công ty thực hiện kinh doanh game online cho rằng đây chẳng khác nào là gây khó cho các doanh nghiệp?
- Tôi phải khẳng định lại rằng chúng tôi không phê phán, không cấm việc chơi game online mà chỉ muốn giảm tác động xấu của trò chơi này đến người chơi đến mức tối thiểu. Vì vậy những kiến nghị đưa ra không phải là cố ý gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Tôi cho rằng, nếu các doanh nghiệp ý thức được những tác động tích cực và tiêu cực của trò chơi giải trí này thì cũng nến phối hợp với chúng tôi để đưa trò chơi đúng nghĩa là giải trí.
* Trong kiến nghị của Thanh tra Bộ có đưa ra là các hàng sử dụng dịch vụ Internet công cộng phải cài đặt phần mềm để không cho người chơi quá 3 tiếng, nếu xét về tình hình quản lý Internet hiện nay của ta thì kiến nghị này có vẻ là không khả thi, thưa ông?
- Tôi cho rằng có thể thực hiện được. Tôi tin là các dịch vụ internet công cộng cũng sẽ thực hiện thôi nếu kiến nghị đó trở thành quy định. Hơn nữa, chúng tôi cũng sẽ phải phối hợp với nhiều cơ quan ban ngành khác như công an, trật tự dân phố… để thường xuyên kiểm tra việc thực hiện này. Nếu phát hiện việc vi phạm thì sẽ có những biện pháp để xử lý.
* Nhưng từ trước đến nay, những việc làm mà chỉ dựa vào sự tự giác của người dân thì rất khó thực hiện được. Thanh tra văn hoá làm thế nào để kiểm soát được hết việc thực hiện của các chủ hộ kinh doanh, thưa ông?
- Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là lực lượng còn quá mỏng. Thế cho nên chúng tôi mới cần nhiều ban, ngành, cơ quan cùng nhau phối hợp thực hiện. Trong trường hợp này biện pháp tuyên truyền rất cần được nâng cao.
Và điều cần thiết nữa là cũng phải đưa ra những chế tài xử phạt cụ thể nếu những kiến nghị của chúng tôi được các cơ quan cấp cao chấp thuận. Khi một hai trường hợp bị phạt nặng thì rồi người ta cũng sợ mà thực hiện thôi.
* Thực tế là những người chơi game online thâu đêm suốt sáng, quên ăn, quên ngủ, tỉ lệ lớn là những thành phần thanh niên lười nhác (học sinh, sinh viên trốn học) hoặc là những người thời gian quá rảnh rỗi. Nhiều người cho rằng, vấn đề ở đây là công tác quản lý, giáo dục trong gia đình và nhà trường chưa tốt chứ không hẳn là do lỗi của các chủ kinh doanh?
- Tôi nhắc lại là những kiến nghị của chúng tôi là nhằm đưa trò chơi này hữu dụng hơn đối với người sử dụng, chứ không phải là nhằm loại bỏ nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận