Chúng tôi khao khát tăng tính người cho trí tuệ nhân tạo

QUỐC TUẤN - HẰNG MAI(*) 08/11/2023 11:44 GMT+7

TTCT - "Nếu phần lớn sự tiến hóa của trí tuệ nhân tạo (AI) được dẫn lối bởi logic thị trường, tôi nghĩ nó sẽ là một mối nguy" - Nipun Mehta

"Nếu phần lớn sự tiến hóa của trí tuệ nhân tạo (AI) được dẫn lối bởi logic thị trường, tôi nghĩ nó sẽ là một mối nguy" - Nipun Mehta, đồng sáng lập ServiceSpace (một cộng đồng toàn cầu tiên phong trong việc kết hợp công nghệ với tinh thần tình nguyện và văn hóa trao tặng, có hàng ngàn tình nguyện viên trong các dự án ở các địa phương và trên không gian ảo) nói về cách cộng đồng này đang thử tiếp cận AI theo hướng khác.

Nipun Mehta

Nipun Mehta

Đâu là những cơ hội và mối nguy của AI trong sự tiến hóa của tâm thức con người?

Trong thế giới AI, một từ thông dụng được nhắc đi nhắc lại là sự đồng chỉnh (alignment). Làm thế nào để đồng chỉnh sự tiến bộ của AI với tiềm năng của con người? Nghĩa là làm sao ta đảm bảo được rằng AI sẽ không sử dụng khả năng của nó để đạt những mục tiêu xa hơn mà không qua mặt con người?

Nhưng đồng chỉnh với thể loại người nào? Ví dụ, theo chuẩn của thị trường thì thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng là một mục tiêu tốt. Kích cầu là mục tiêu lớn hơn, nhằm tăng GDP. Nhưng tôi không chắc đấy là thành công.

Nếu phần lớn sự tiến hóa của AI được dẫn lối bởi logic thị trường, tôi nghĩ nó sẽ là một mối nguy. Nếu, thay vào đó, nó được dẫn dắt bởi triết lý của tình yêu thương, của cộng đồng và sự kết nối thì nó có thể mang lại một cơ hội vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của chúng ta.

Tại sao ServiceSpace lại tạo ra phiên bản ChatGPT của riêng mình mà các ông gọi là ServiceSpaceAI? Nó khác gì so với ChatGPT?

Ý định ban đầu của chúng tôi chỉ là tham dự vào cuộc chơi xem có bẻ hướng nó được không. Điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là hoạt động "theo chiều ngang". Nó nạp toàn bộ thông tin trên mạng rồi trả lời theo lối tổng hợp.

Tuy nhiên, việc đó làm mất đi tính ngữ cảnh nên chúng tôi đã bổ sung một lớp ngữ cảnh cho ChatGPT để xem nó khác biệt đến đâu. Hóa ra khác biệt cực kỳ lớn! Điều đó dẫn dắt chúng tôi tạo nên những giải pháp "theo chiều dọc" cho kho dữ liệu 25 năm của ServiceSpace.

AI của chúng tôi có thể thu thập mọi tin tức trong ngày, lựa ra những tin có tính nhân ái, tóm tắt từng tin, gắn từ khóa tìm kiếm rồi đăng lên cổng thông tin KarunaNews.org.

Chúng tôi khao khát tăng tính người cho AI (con người dạy cho máy). ChatGPT đã thuê lao động rẻ mạt để đi trước thị trường, và giờ họ chỉ dùng máy để dạy máy. Kiểu đi tắt ấy dẫn đến đủ loại hậu quả không lường trước được. Thay vào đó, liệu một cộng đồng tình nguyện theo kiểu Wikipedia có thể định hướng sự cách tân này không?

Mục tiêu của chúng tôi là làm thế nào để AI có thể tạo ra những cơ hội tình nguyện, theo cách tái tạo động cơ nội tại, nuôi dưỡng cộng đồng và làm tâm thức của chúng tôi thêm sâu sắc. Nghĩa là chúng tôi nhìn nhận cuộc cách tân này từ thấu kính của sự chuyển hóa nội tâm, không chỉ ở cấp độ sản phẩm mà thậm chí ở cấp độ tiến trình.

Khi học năm thứ ba ngành khoa học máy tính và triết học tại UC Berkeley, Nipun Mehta đã bắt đầu sự nghiệp làm phần mềm của mình tại Sun Microsystems. Nhưng bất bình với lòng tham trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào cuối những năm 1990, ông cùng ba người bạn đến một nhà mở dành cho người vô gia cư để thực hành "cho đi không dính mắc". Và họ lập nên ServiceSpace.

Năm 2001, ở tuổi 25, Nipun nghỉ việc để trở thành "tình nguyện viên toàn thời gian". Ông là người kiến tạo nên các phong trào xã hội quy mô lớn từ những hành động phụng sự nhỏ bé và các sát-na chuyển hóa nội tâm như Smile Card, Awakin Circle, DailyGood, KarmaKitchen… Tổng thống Mỹ Obama bổ nhiệm ông vào ủy ban xử lý tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng tại Mỹ. Đạt Lai Lạt Ma vinh danh Nipun là "người anh hùng thầm lặng của lòng nhân ái".

Năm 2018, Nipun đến Việt Nam để chia sẻ về tinh thần trao tặng với công chúng Việt Nam, gặp gỡ các tổ chức, cá nhân hoạt động vì cộng đồng ở Việt Nam.

Nipun và những người bạn Việt Nam năm 2018 ở Hội An.

Nipun và những người bạn Việt Nam năm 2018 ở Hội An.

Tôi đã hỏi ServiceSpaceAI, "Làm thế nào để giúp ai đó đã mất đi người thân?" và câu trả lời khá kinh ngạc, kết thúc bằng "Rốt cuộc, đấy không phải là xóa đi nỗi đau, vì thật không may, chúng ta không thể làm được, mà là đi bên cạnh họ, chứng kiến nỗi đau của họ và đảm bảo rằng họ không cô đơn trong nỗi đau ấy. Chúng ta chẳng thể khiến cho hành trình của họ bớt khổ đau nhưng chúng ta có thể đảm bảo là họ không phải đi qua nỗi đau một mình". Tôi giật mình khi cỗ máy ấy xưng "chúng ta", cứ như thể nó là một con người vậy. Ông nghĩ sao về điều đó?

Một số người thấy không thoải mái khi một cỗ máy giả đò có nhân dạng, cảm xúc, tình yêu thương… Ta có thể lập trình cho nó không làm điều đó, thế là vấn đề được giải quyết.

Nhưng một cỗ máy làm từ silicon giống một con người làm từ carbon ở điểm nào? Ai quyết định những thông số ấy? Ngay cả trong một hệ sinh thái chỉ toàn con người cũng khó mà phân biệt được ranh giới giữa sự thuộc về với sự chiếm đoạt (văn hóa).

Thường thì ta mua một sản phẩm để giải quyết vấn đề của mình. Rồi các gã khổng lồ công nghệ lên hồ sơ mỗi chúng ta để mang đến những giải pháp phù hợp bối cảnh hơn, thậm chí còn dự đoán những thứ ta muốn trước cả khi ta muốn.

Ngay sau khi tìm kiếm các chuyến bay tới Colombia, tôi liền thấy những quảng cáo học tiếng Tây Ban Nha. Bên dưới tất cả những chuyện này là một giả định vi tế - rằng con người ta muốn đáp án.

Nhưng chúng tôi đang thử nghiệm một giả thuyết khác - rằng các cỗ máy sẽ đồng chỉnh sâu sắc nhất với ý định của con người khi chúng đưa ra các câu hỏi để trực giác bẩm sinh của ta dẫn lối. Thay vì một đáp án, chúng tôi nghĩ công nghệ tốt nhất là khi nó có thể đặt cho chúng ta một câu hỏi hay hơn.

Như khi hồi đáp câu hỏi của anh ở trên, ServiceSpaceAI đã không nhảy tới "bước 1, 2 và 3 để giúp ai đó đang đau buồn" mà thay vào đó lại mời anh bước vào cái bản thể mang tính người của mình một cách trọn vẹn hơn và làm kẻ chứng kiến.

Những câu trả lời của ServiceSpaceAI chứa đựng trí tuệ đã được đưa vào, nhưng chẳng phải đó chỉ là một sự giả lập của minh triết? Ông có nghĩ là AI có thể trở nên thông thái, hoặc hỗ trợ cho con người trở nên thông thái hơn không?

Để tìm kiếm thông tin, ta gõ từ khóa lên Google và xoay xở để tổng hợp nội dung từ hàng tá trang web. AI nâng việc này lên một tầm khác, không chỉ tổng hợp và đáp ứng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của người tìm thông tin, mà còn tương tác. Người ta có thể hỏi vặn và đào sâu vào chủ đề mà mình quan tâm.

Liệu AI có giúp ta thông thái hơn không? Tôi thấy đó không phải là vấn đề. Đó là việc mà những cuốn sách cũng đã làm. Nhưng điều khiến người ta lo ngại là liệu AI có trở nên nhận biết về chính nó không, liệu nó sẽ có trải nghiệm nội tại hay không, liệu nó có trở nên có ý thức?

Tôi không biết câu trả lời cho những câu hỏi này. Tuy nhiên nếu ta nhìn vào bộ não của mình, thì các nơron của chúng ta có hệ số ý thức rất thấp, nhưng ở một mật độ liên kết nào đó, chúng ta trở nên có ý thức. Liệu điều tương tự có thể xảy ra với một cỗ máy không?

Ngay cả khi những câu trả lời của ServiceSpaceAI có cảm động, nhân ái và sâu sắc đi chăng nữa, thì cũng không thể thay thế sự tiếp xúc trực tiếp của con người với nhau - như vậy sự kết nối thực sự từ trái tim tới trái tim mới khả dĩ.

Thực ra thì sự kết nối "từ trái tim tới trái tim" có ý nghĩa gì?

Mạng xã hội đã tiếm đoạt (hack) sự chú ý của chúng ta khiến quãng chú ý trung bình của chúng ta bây giờ còn có 8 giây, ít hơn cả cá vàng. Khi không thể tập trung chú ý, ta khó mà làm được gì xuất phát từ trái tim.

Thứ mà chúng ta gọi là sự kết nối của con người thường chỉ là những mối quan hệ mang tính đổi chác. Các mối quan hệ mang tính đổi chác sẽ tạo ra trạng thái na ná với trạng thái an toàn, và một cỗ máy có thể cho ta điều ấy không? Hẳn là có, khi mà 87% người trẻ đi ngủ cùng chiếc điện thoại.

Vậy con người có khả năng liên hệ với nhau vượt trên sự đổi chác không? Hiển nhiên rồi. Nếu lấy logic "tôi" - chính là logic của thị trường, làm trọng tâm thì chúng ta sẽ bị dẫn dụ bởi những tiện lợi của AI; nhưng nếu lấy logic "chúng ta" làm trọng, thì chúng ta sẽ trân quý các mối quan hệ của mình như là một lối ra cho sự chuyển hóa nội tâm ở cấp độ cá nhân và tập thể.

Ông đã đề cập tới sự khác nhau giữa vũ trụ ảo ) và vũ trụ tâm từ (Metta-verse). Ý ông là gì?

Metaverse là một thuật ngữ thông dụng trong thế giới công nghệ, ám chỉ ngoài vũ trụ vật lý thì còn có một vũ trụ ảo, siêu hình hơn. Nó như một hệ sinh thái thuần những mối quan hệ số. Thế thân (avatar) của tôi kết giao với thế thân của anh.

Metta-verse là một cách chơi chữ, trong đó metta là một từ trong tiếng Pali và tiếng Phạn cổ có nghĩa là từ ái. Thay vì đầu hàng trước những mối quan hệ rối rắm giữa người với người, liệu ta có thể bình tâm mà ở trong "bùn" đủ lâu để hoa sen mọc lên không?

Nếu chúng ta bám chặt vào sự tiện lợi - cái thứ được tối ưu hóa cho lợi ích ngắn hạn, thì metaverse sẽ rất hấp dẫn. Nhưng nhân loại nợ chính mình một luận điểm thuyết phục vì sao metta-verse lại là cuộc chơi hay hơn bội phần!

Phụng sự, cho đi, trắc ẩn và lòng từ ái là cốt lõi trong công việc của ông. Đây là những phẩm tính của con người mà AI không thể có được. Nhưng ông dường như tự tin là AI, được sử dụng một cách đúng đắn, có thể giúp con người - cá thể và xã hội - phát triển những phẩm chất tâm này?

Có khả năng là AI sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ sự chuyển hóa nội tâm của chúng ta, tái kết nối chúng ta với nhau và nuôi dưỡng những hệ thống tái tạo những giá trị vĩnh cửu này. Thế nhưng, chúng ta sẽ phải học cách vạch ra ranh giới. Nếu chúng ta chỉ tham gia một cuộc đua không hồi kết nhằm đi được ngày càng nhanh hơn, tới lúc nào đó chúng ta sẽ gặp sự cố.

Dầu vậy, nếu ta có một trái tim phụng sự thì không thể lựa chọn làm ngơ làn sóng cách tân cực lớn đánh bay mọi thứ này. Hoặc ta bẻ lái được nó, hoặc ta tiếp tục nỗ lực bẻ lái nó. Bất luận thế nào chúng ta phải tham dự.

Ông từng đề cập tới sự khác nhau giữa nội dung và ngữ cảnh. AI rất giỏi tạo ra các thể loại nội dung. Ý của ông là gì khi nói tới ngữ cảnh và làm sao nó lại có liên quan tới phát triển tâm thức của con người?

Trong một lớp học bậc trung học, những bài học đại số là nội dung, nhưng tính cách của người thầy dạy toán là ngữ cảnh. Khi tôi chúc sinh nhật bạn tôi, lời nhắn trên tường mạng xã hội của cậu ấy là nội dung, nhưng cái mong muốn của tôi cho sự an lành của cậu ấy là ngữ cảnh.

Khi mẹ tôi nấu ăn cho tôi, thức ăn là nội dung, nhưng sự quan tâm của bà ấy là ngữ cảnh. Trong một thế giới nặng về nội dung, chúng ta liên tục loại bỏ phần ngữ cảnh nhưng những gì chúng ta làm hay nói thì luôn được gói bọc bởi con người mà chúng ta là.

Có lẽ sự trao tặng lớn lao nhất của chúng ta không chỉ đơn thuần nằm ở những gì chúng ta hoàn thành, mà là con người mà ta trở thành thông qua những việc ta làm.

Ảnh: FoUpax/pIxabay

Ảnh: FoUpax/pIxabay

Ông có tầm nhìn như thế nào để ServiceSpace đóng vai trò bẻ lái hay đào tạo AI hướng tới sự minh triết?

ServiceSpace hướng tới tiến trình hơn là những thành quả cụ thể. Có lẽ tiến trình này sẽ cung cấp một chút lực ma sát đủ để tạo nên một quãng tạm dừng cho cộng đồng và suy xét lại về sự đồng chỉnh ở tầng sâu hơn.

Có lẽ chúng tôi sẽ tạo ra những tập dữ liệu độc nhất xoay quanh những giá trị vì xã hội mà có thể tích hợp vào các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Có lẽ chúng tôi sẽ thu hút được một đội ngũ tình nguyện viên cho tiến trình đào tạo tăng tính người cho AI.

Và khi chúng tôi làm tất cả những việc này, có lẽ điều gì đó mới mẻ sẽ tự hiển lộ trong khoảng trống giữa tất cả chúng ta (để kết nối chúng ta với nhau). Mọi khả năng đều có thể xảy ra.

Dù nói vậy, và dù rằng từ năm 1999, ServiceSpace đã khởi đầu bằng việc xây dựng trang web cho các tổ chức phi lợi nhuận, nhưng chúng tôi chưa bao giờ tin "Internet sẽ thay đổi thế giới và loại bỏ được mọi khổ đau".

Tinh thần cốt lõi của chúng tôi xoay quanh việc tạo ra những cơ hội làm tình nguyện đầy ý nghĩa. Một hành động phụng sự nhỏ sẽ mời gọi ta chuyển từ cái "tôi" sang cái "chúng ta", và sẽ thả ta vào một mối kết ràng sâu sắc hơn với sự sống và canh tác cánh đồng trí tuệ tập thể rộng lớn hơn tổng của các thành phần.

Vậy làm thế nào chúng ta thúc đẩy AI để tạo nên những cơ hội làm tình nguyện đầy ý nghĩa nhằm xây dựng một nền tảng xã hội cho sự phụng sự được thôi thúc từ bên trong? Chúng tôi cảm thấy nền tảng đó sẽ có những lợi lạc trường cửu ngược dòng, vượt xa những biểu hiện của Internet, AI và hơn thế nữa.■

(*) Lược dịch từ trang ai.servicespace.org.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận