Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa trái) cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm hỏi, động viên một bệnh nhân đang điều trị gãy chân do nhảy từ đám cháy quán karaoke An Phú - Ảnh: BÁ SƠN
Cho tôi xin một phút lặng để cảm thương và chia sẻ nỗi đau đến thân nhân của những người mất trong vụ cháy.
Vào thời điểm xảy ra vụ cháy tại Carina, vợ chồng chúng tôi vẫn ngủ bình thường, không hay chuyện gì xảy ra bên ngoài cả. Tôi có nghe được tiếng còi hú của xe cứu thương, cứu hỏa nhưng cứ nghĩ là bình thường vì chung cư nằm sát mặt đường Võ Văn Kiệt thì những âm thanh đó hình như quen thuộc hằng ngày.
Em tôi đập cửa phòng la rất lớn: "Cháy, cháy. Cháy chung cư rồi, chạy thôi...". Lúc đó hốt hoảng quá, tôi chỉ cầm được điện thoại rồi chạy ra ngoài hành lang xem đám cháy ở đâu.
Tôi đã nghĩ điều cần thiết nhất là phải bình tĩnh xác định đám cháy xuất phát từ đâu để tìm cách thoát thân. Ra hành lang nhìn xuống thấy có rất đông người dân bên dưới, tiếng xe, tiếng la hét, tiếng kêu gào...
Có hai lối thoát hiểm cách nhà tôi khoảng 10 bước chân và một lối thoát hiểm đối diện bên kia thang máy.
Chúng tôi không kịp suy nghĩ nên chạy hướng nào, mọi người theo sự hướng dẫn của một người, cùng chạy qua lối thoát hiểm bên kia và bắt đầu cảm giác sặc sụa, ngạt thở vì khói độc. Chúng tôi chỉ nhìn thấy nhau qua đèn flash của điện thoại nhưng không thấy được mặt nhau. Hành lang và thang bộ thoát hiểm đầy khói...
Chúng tôi chạy đi tìm nơi nào ít khói nhất. Tôi chợt nhớ ra còn chỗ đổ rác có tới hai lớp cửa, chạy vào đó có lẽ đỡ khói hơn, nên tôi bảo mọi người chạy vào đó để ẩn nấp. Nhưng giữa vùng khói đen, không ai định hướng nổi thùng rác nằm ở đâu.
May sao chúng tôi tìm được cánh cửa hằng ngày mình đi đổ rác. Khi mọi người chạy vào đó, tôi lại nghĩ "nếu mình cứ đứng ở đây chờ chết thì không cam tâm", lúc hoảng loạn này cần có một người dẫn dắt, trấn an mọi người và thậm chí chấp nhận hy sinh để cứu mọi người.
Tôi nghĩ cách làm sao có thể cứu sống được hơn 20 người (trong đó có gia đình mình) và tôi một mình tự chạy đập cửa các nhà cạnh đó để kêu cứu. Tôi xác định được hướng khói, nghĩ chỉ cần vào nhà các hộ dân và chạy ra hành lang phía đại lộ Võ Văn Kiệt sẽ không bị ảnh hưởng của khói. Nhưng cửa không mở. Tôi quay lại chỗ cũ, chúng tôi hỏi nhau giờ chạy xuống hay chạy lên cho an toàn?
Khói từ dưới ùn ùn lên. Tôi trấn an mình không được hoảng loạn lúc này. Ai cũng cần sống, những đứa trẻ vô tư nhìn mọi người mà không hiểu chuyện gì, người lớn thì hoảng sợ và hoang mang. Tôi cảm thấy hơi thở yếu hơn, có thể ngạt thở trong ít phút nữa nếu không thoát được.
Tôi nhớ về những đám cháy khi đốt cỏ rác, giấy tiền vàng bạc..., khói sẽ bốc lên trên rất nhanh và bên dưới ít khói. Chúng tôi quyết định cùng chạy xuống. Xung quanh tối đen và chúng tôi thoát chết trong vài phút ngắn ngủi.
Mấy hôm nay đêm về tôi không ngủ được vì nghĩ về vụ hỏa hoạn ở Bình Dương. Dù nguyên nhân nào đi chăng nữa thì thiệt hại đến tính mạng là sự mất mát rất lớn đối với mỗi người, mỗi gia đình của người thân còn ở lại.
Từ vụ cháy ở Carina, ban quản trị, ban quản lý và cư dân chung cư nhận ra tầm quan trọng của việc trang bị các thiết bị PCCC, thường xuyên kiểm tra thiết bị báo cháy (ngày hôm đó đã không hoạt động).
Mọi sự chu đáo đến đâu thì ý thức phòng cháy của từng người cũng là quan trọng nhất. Những bạn bè tôi đang sinh sống tại chung cư vẫn hay nhắc nhau về sự thờ ơ, vô tâm và những hành động nguy hiểm gây ra cho cộng đồng.
Từ chuyện sạc điện cho xe đến việc bật lửa trong tầng hầm, việc chấp hành quy định phòng cháy (như việc khép cửa lối thoát hiểm chẳng hạn). Chúng ta đang ở nhà, làm việc ở cơ quan hay ở bất cứ đâu thì phải có trách nhiệm phòng cháy nổ. Hỏa hoạn không dự đoán được, cũng không chừa ra bất cứ một ai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận