"Chúng tôi đã là một đất nước khác"

MINH NHIÊN 29/08/2013 21:08 GMT+7

TTCT - Trong số ra ngày 12-8, nhật báo Đức Der Spiegel thừa nhận sự cạnh tranh của mạng truyền hình đa ngôn ngữ Russia Today (RT, do (ANO) TV Novosti thành lập): ở thủ đô Mỹ, số khán giả theo dõi các chương trình của RT Mỹ nhiều hơn kênh truyền hình Đức Deutsche Welle tới 13 lần. Ở Anh, có hơn 2 triệu người theo dõi RT.


RT quảng cáo talk show “Larry King now” trên truyền hình cáp RT Mỹ từ mùa hè 2013. Cùng với talk show này, “Politics with Larry King”, một show mới do ông Larry King chủ trì và Ora TV sản xuất, cũng sẽ được RT Mỹ phát sóng - Ảnh: RT

Các thống kê cho thấy trong năm 2011, RT Mỹ trở thành kênh nước ngoài được người Mỹ xem nhiều thứ hai, sau BBC World News. Trong năm 2012, RT Mỹ trở thành kênh nước ngoài số 1 tại năm đô thị Mỹ. 

Không chỉ thế, tài khoản của RT trên Facebook đã có hơn 1 triệu người đăng ký. Và trong tháng 6-2013, các video clip của RT trên YouTube đã vượt ngưỡng 1 tỉ lượt xem, trở thành kênh truyền hình đầu tiên giữ kỷ lục này!

Ðạt được những con số thuyết phục trên là nhờ một đội ngũ các nhà báo, biên tập viên tuổi đời bình quân không quá 30. Tổng biên tập kênh RT Margarita Simonyan khi nhận nhiệm vụ cách đây tám năm mới 25 tuổi!

Không biết gì về quá khứ Xô viết

Khi Margarita Simonyan được giao lãnh đạo kênh RT đã có nhiều nghi ngại. Ðơn giản vì cô còn quá trẻ trước một nhiệm vụ nặng nề.

Tuy nhiên, tiểu sử nghề nghiệp của Simonyan thì không "nhẹ cân" chút nào. Cô đã viết báo từ khi còn học ở Ðại học Tổng hợp Kuban (Krasnodar, miền nam nước Nga). Từ năm 19 tuổi cô đã làm việc cho đài phát thanh địa phương, và năm 2000, khi mới 20 tuổi, nhờ loạt phóng sự chiến trường (trong cuộc chiến tranh Chechnya) cô đã giật được giải thưởng của Hội Nhà báo Kuban "Vì dũng cảm nghề nghiệp".

Năm 2001, cô trở thành phóng viên của kênh Vesti và chỉ một năm sau đó được đưa vào "nhóm nhà báo Kremlin" (tức các nhà báo chuyên tháp tùng đưa tin về tổng thống Nga).

Margarita Simonyan kể lại điều này như sau: "Mọi việc thật ra khá đơn giản: khi đó tôi là phóng viên chuyên trách miền nam nước Nga của truyền hình Vesti. Tôi đưa được nhiều tin nóng khu vực: máy bay rơi do tên lửa Ukraine tấn công, cuộc nổi dậy của phiến quân trong hẻm núi Kodorski, lụt lớn ở Novorossisk. Có lẽ nhờ đó mà tôi được gọi về Matxcơva".

Năm 2004, do vô tình có mặt tại Mineralnye Vody, cô được giao tường thuật vụ bắt cóc các học sinh làm con tin ở Beslan (*). Sự Thật Komsomol khi đó đã có bài phỏng vấn Margarita Simonyan.

Tờ báo viết: "Trong số các nhà báo tường thuật vụ bắt cóc con tin ở Beslan hầu hết là nam giới, thật ngạc nhiên khi có một cô gái. Và trong một lần cô tường thuật trực tiếp từ hiện trường, khán giả tận mắt thấy người ta phải lấy áo chống đạn che làn đạn bay sau lưng cô", mặc dù trả lời cuộc phỏng vấn này, Margarita thú nhận đã khóc không kiềm chế khi tường thuật về những đứa trẻ bị giết chết.

Sau đợt tác chiến Beslan, cô được đích thân Bộ trưởng quốc phòng Nga Ivanov trao huy chương "Vì sự khích lệ tinh thần chiến đấu".

Tháng 3-2005, cô được giao phụ trách hệ thống truyền hình "RT" cho đến nay. Truyền thông Nga không che giấu sự ưu ái của ông Vladimir Putin với Margarita Simonyan: tháng 4-2005, trong một lần đưa tin về cuộc gặp giữa Tổng thống Tagikistan Emomali Rakhmonova với Tổng thống Nga V. Putin ở Sochi, Margarita Simonyan đã nhận được bó hoa chúc mừng sinh nhật của Tổng thống V. Putin.

Giải thích sự chọn lựa nhằm vào mình, Margarita Simonyan cho biết với mục đích đưa một hình ảnh khách quan hơn, tích cực hơn về nước Nga, ban lãnh đạo Nga nhắm vào những nhà báo trẻ, "những người chưa từng thấy hoặc không nhớ gì về truyền hình Xô viết, về những phương tiện truyền thông Xô viết".

Chỉ hai năm sau đó, Margarita đã trở thành tổng biên tập của kênh truyền hình tiếng Ả Rập của RT, rồi RT tiếng Tây Ban Nha. Ðến năm 2010, RT đã nổi tiếng hơn nhiều kênh phương Tây khác như France 24, Deutsche Welle, Euronews, Al Jazeera tiếng Anh. 

Nguyên nhân, theo Margarita Simonyan, là RT "đưa một cái nhìn khác về thế giới" và quan tâm tới những đề tài mà các kênh khác không chú trọng đúng mức. Không bình phẩm về công việc của các đồng nghiệp, Margarita Simonyan chỉ cho rằng: "Thật kỳ lạ là những sự thật khác nhau lại khá nhiều trong nghề báo. Cái mà anh nhìn thấy phụ thuộc vào việc anh đứng ở đâu".

Tháng 12-2009, Margarita Simonyan được đưa vào danh sách 500 người của nguồn dự trữ cán bộ của tổng thống Nga.

Ba chân trụ

RT bắt đầu phát sóng vào ngày 10-12-2005 với đội ngũ gồm 300 nhà báo, trong đó khoảng 70 nhà báo ngoài nước Nga. Từ những ngày đầu, trả lời về tính báo chí và quan điểm chính trị của RT, Margarita Simonyan đã nói cô muốn RT có một "format chuyên nghiệp tương tự BBC, CNN và Euronews", nhưng phản ảnh quan điểm nước Nga về thế giới và giới thiệu "một bức tranh quân bình hơn về nước Nga".

Cô cũng có lần nói "chính quyền không định đoạt nội dung cho báo chí và ở Nga, hiến pháp ngăn cấm kiểm duyệt báo chí", và rằng nhiệm vụ của RT không phải là "đánh bóng danh tiếng của Matxcơva". Mặc dù vậy, Der Spiegel cho rằng hoạt động của RT chẳng khác nào "Bộ quốc phòng truyền thông Nga" mà công thức thành công của nó, vẫn theo Der Spiegel, là ba chân trụ chính: "tuyên truyền thông minh, hấp dẫn giới tính và tiền".

Ðến nay, RT đang trả lương cho 2.500 người, mà chỉ riêng ở Washington DC, RT đã có 100 nhân viên. Từ ngân sách hằng năm 30 triệu USD của 10 năm trước, nay Kremlin đã tăng ngân sách cho RT tới 300 triệu USD/năm và RT không có gì phải lo ngại cho tương lai khi Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh cấm Bộ Tài chính cắt giảm ngân sách RT. Theo bà Natalya Timakova - thư ký báo chí của Thủ tướng Dmitry Medvedev, đây là một khoản "đầu tư tốt" của Chính phủ Nga.

Với sự tài trợ thoải mái này, RT dễ dàng gây tiếng vang. Tháng 8-2007, RT trở thành kênh truyền hình đầu tiên đưa tin trực tiếp từ Bắc cực khi tham gia chương trình thám hiểm vùng cực của đoàn Nga Artika 2007.

Năm 2008, RT gây được sự quan tâm khi tường thuật về cuộc chiến tranh Nam Ossetia. RT nói chính tổng thống Gruzia khi đó là Mikhail Saakashvili là người khởi xướng chiến tranh chống lại các chính quyền Nam Ossetia và Abkhazia ly khai được Nga bảo vệ, chứ không phải Nga là người nổ súng đầu tiên như các hãng tin phương Tây khẳng định.

Khi đó, RT là nguồn tin duy nhất ở phương Tây đưa quan điểm của Nga, mà như Simonyan nói: "Chúng tôi là phương tiện duy nhất trong số các phương tiện truyền thông tiếng Anh đưa về phía khác của câu chuyện - phía Nam Ossetia". Những cuộc điều tra độc lập sau này của EU đã xác nhận điều RT quả quyết khi đó.

Ngày 17-4-2012, RT bắt đầu phát sóng "World Tomorrow", một chương trình phỏng vấn tin tức do giám đốc WikiLeaks Julian Assange thực hiện. Vị khách mời đầu tiên của chương trình là thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah. Cuộc phỏng vấn ngay lập tức trở thành tin vedette toàn cầu đơn giản vì rất ít khi Hassan Nasrallah trả lời phỏng vấn các hãng tin phương Tây.

Một trong những điểm cộng mới nhất của RT là đã mời được huyền thoại truyền thông Larry King, từng được mệnh danh là "gương mặt của CNN trong 25 năm", về cộng tác. Từ hè 2013, RT sẽ thực hiện talk show "Politics with Larry King" phát sóng toàn thế giới, đồng thời Larry King cũng sẽ mang chương trình "Larry King now" từ Hulu TV sang RT Mỹ.

Trong một quảng cáo trên RT về quyết định của mình, Larry King nói: "Tôi thà đặt câu hỏi cho những người nắm quyền lực hơn là nói thay cho họ". Và ngày 13-6-2013, RT đã duyệt trước talk show đầu tiên "Politics with Larry King", với cuộc thảo luận về việc Edward Snowden rò rỉ chương trình do thám PRISM của Mỹ.

Phương tây chưa vượt qua được định kiến chiến tranh lạnh

* Spiegel Online: Truyền hình của bà được Chính phủ Nga tài trợ. Sứ mệnh của nó là gì?

- Simonyan: Nếu anh bật CNN hay BBC vào một ngày đều đặn thì 80-90% câu chuyện của chúng giống nhau. Chúng tôi muốn chỉ ra rằng có nhiều hơn chỉ 10 câu chuyện một ngày mà các bạn gặp phải đó. Tôi không nói các bạn chỉ nên xem một chương trình của chúng tôi mà tôi nói bạn cũng nên xem nó.

* Chẳng có gì không bình thường khi thấy Nga trong vai trò của kẻ tấn công?

- Tôi phản đối! Nga chưa từng khơi mào chiến tranh với một nước nào khác trong 20 năm qua. Thế nhưng Mỹ đã dính líu vào bao nhiêu cuộc xung đột vũ trang trong thời gian đó? Có bao nhiêu cuộc chiến mà châu Âu đã dự phần?

* Vậy bà giải thích thế nào về hình ảnh tiêu cực của nước Nga?

- Đó là vì phương Tây chưa vượt qua được định kiến chiến tranh lạnh. Có một điều mà chỉ rất ít nhà báo hiểu ra, là nước Nga đã chính mình bắt đầu giải tán Liên Xô. Chúng tôi là những người nhận thức được rằng mình đã sai khi áp đặt ý chí của mình lên các dân tộc khác. Chúng tôi đã để cho khối Đông Âu được tự do. Chúng tôi nay đã là một đất nước khác, với một tâm thế khác - một điều mà các nhà báo phương Tây đôi khi khó lòng nhận thức thấu đáo. Thí dụ, các bạn vừa cho rằng Nga đã hành động khiêu khích mà không có dữ liệu để chứng minh luận cứ của mình.

* Vậy có phải mục tiêu của RT là cung cấp thông tin khách quan? Hay mục tiêu đầu tiên và trước nhất là cung cấp một góc nhìn khác với phương Tây?

- Vậy thì các ông có thấy nhiều ví dụ về tường thuật khách quan nói chung không?

* Có những nỗ lực để làm nó khách quan. Nhưng kênh của bà thường chỉ đưa từ một phía, cung cấp cho nhà độc tài Syria diễn đàn cho thông điệp chính trị của ông ta.

- Có người gọi các đối thủ chính trị của ông Assad là “phe đối lập dân chủ”, kể cả (đó là) những kẻ nổi loạn, hãm hiếp phụ nữ và giết hại trẻ em. Lấy Saakashvili làm thí dụ, ông ta được BBC coi như người hùng. Nhưng với những người khác, ông ta là đại diện cho kẻ đàn áp tự do. Không có sự khách quan, chỉ có những điều gần đúng sự thật (được nói) bởi càng nhiều tiếng nói khác nhau càng tốt.

(Trích trả lời phỏng vấn của tổng biên tập RT Margarita Simonyan cho tờ Spiegel Online)

Margarita Simonyan - Ảnh: Spiegel 

 


____________

(*): Vụ khủng hoảng con tin Beslan: Tháng 9-2004, bọn khủng bố Chechnya đã ập vào Trường phổ thông số 1 của Beslan (Bắc Ossetia), bắt 1.100 người làm con tin, trong đó có 777 trẻ em. Ðến ngày thứ ba của cuộc khủng hoảng, quân đội Nga đã tấn công bọn khủng bố để giải thoát con tin. Kết quả: 334 con tin chết, trong đó có 186 trẻ em. (Wikipedia)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận