Chị Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ tại buổi họp mặt tri ân bạn đọc ngày 26-8 - Ảnh: Thanh Tùng |
Và ngay trong buổi họp mặt với mục đích tri ân bạn đọc được tổ chức sau đó, những đòi hỏi của bạn đọc với Tuổi Trẻ lập tức được đưa ra.
Tôi yêu cầu...
“Cậu bé xương thủy tinh” Đỗ Minh Hội, hôm nay vóc dáng vẫn còn thấp bé nhưng đã là sinh viên năm cuối, với những suy nghĩ thật chín chắn: “Tôi nghĩ mỗi bài báo ngoài việc phản ánh sự việc cần phải có thêm nhiều ý kiến của người quản lý, lãnh đạo. Với quyền hạn, chức năng của mình, nhà báo hãy tăng cường chất vấn để có giải pháp thật cụ thể cho mỗi vấn đề, thời hạn cụ thể để giải quyết. Có vậy, đọc báo, ngoài việc động lòng trắc ẩn, bạn đọc mới thấy... đã”.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, mẹ của Hội, góp những lời chân thành mà thẳng thắn: “Tuổi Trẻ nên biết thêm rằng trên cương vị độc giả, nuôi dưỡng và duy trì một lòng yêu với báo chí thật sự là rất khó. Khó mà yêu mãi được nếu người yêu của mình cứ mỗi ngày mỗi nhạt. Thêm vào đó, những người cung cấp tin tức cho báo chí đôi khi lại cũng vì thế mà gặp phải những khó khăn, rắc rối. Tôi mong Tuổi Trẻ mỗi ngày mỗi mạnh mẽ với cái xấu, mỗi ngày mỗi tử tế với cái tốt, giữ tương tác với bạn đọc thường xuyên”.
Là một độc giả của Tuổi Trẻ từ đầu thập niên 1980, ông Thiều Văn Thọ kể một truyền thống trong gia đình mình là quây quần sau bữa cơm tối và... điểm báo Tuổi Trẻ, đọc bài báo hay thì cùng vui, gặp bài chưa tới lại cùng bực bội.
Ông Thọ yêu cầu: “Những năm trước đây, qua theo dõi tôi thấy các cơ quan quản lý tiếp thu góp ý của báo chí rất tốt. Gần đây, sức ỳ của xã hội hình như lớn hơn, góp ý của báo có khi rơi vào hư không, các đề tài không đi được đến cùng, thành ra bí bách, sáo mòn... Tôi mong Tuổi Trẻ thoát ra được điều đó.
"Báo hãy mở thêm chuyên mục Kính thưa Thủ tướng để đăng ý kiến của người dân về những vấn đề nóng của đất nước, và theo dõi sự phản hồi. Hãy làm nóng trang báo hơn bằng dũng khí của mình để giải tỏa sức ỳ của xã hội, thúc bách từ các quan chức đến những em thiếu nhi để sống tích cực hơn, có trách nhiệm hơn với sự phát triển bền vững của đất nước này” là những gợi ý của ông Thọ.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Nhân (đến từ Sa Đéc, Đồng Tháp) bày tỏ nỗi băn khoăn: “Năm nào trên Tuổi Trẻ cũng nóng những tin tức về kỳ tuyển sinh đại học, nhưng câu chuyện các cử nhân ra trường rồi thất nghiệp càng cần làm nóng hơn”.
Và thầy Nhân “đặt hàng”: Báo Tuổi Trẻ hãy viết về sự bất cập, mâu thuẫn giữa sử dụng lao động trong ngành sư phạm. Hãy đặt câu hỏi: Bao giờ mới có cải cách thật sự trong giáo dục để học sinh giỏi dám theo nghề dạy học, để giáo viên trẻ có trình độ, am hiểu công nghệ, tâm huyết có thể đến được với học sinh?
“Viết đi, đừng đợi”
Những đòi hỏi khiến cho không khí buổi họp mặt nóng lên lập tức. Sôi nổi và sẵn lòng “xăn tay áo” vào việc, chị Đỗ Huỳnh Hoa góp ý không chỉ cho báo Tuổi Trẻ mà cho cả những bạn đọc: “Tôi đã theo dõi Tuổi Trẻ trong nhiều năm. Mỗi lần đọc một bài báo giàu sức chiến đấu, cả người nóng lên, lòng yêu nước như rừng rực. Mỗi lần đọc một bài báo cúi xuống với từng thân phận con người, tôi nghe lòng rưng rưng, bồi hồi, quay về những ngày khó khăn thơ bé."
Chị Hoa chia sẻ "Cầm tờ báo tôi cuốn theo từng câu chữ, từng cảm xúc của người viết. Vì vậy, với tư cách một bạn đọc, cộng tác viên có trách nhiệm, tôi nghĩ chỉ đơn thuần đòi hỏi báo mạnh mẽ lên, đừng nhạt đi là không đủ. Hãy thông cảm cho những khó khăn của Tuổi Trẻ và đóng góp cho Tuổi Trẻ bằng chính những bài viết của mình. Với tính kế thừa mạnh mẽ của mình, bản sắc của Tuổi Trẻ sẽ không mất đi đâu, đừng quá lo”...
Chị Nguyễn Thị Hạnh cũng đồng ý: “Là bạn đọc, tôi rất thông cảm và hiểu những thăng trầm mà Tuổi Trẻ đã trải qua. Xã hội bây giờ quá nhiều chuyện để nói, nhưng chỉ nói thôi thì không thay đổi được. Chúng ta cùng lên tiếng với Tuổi Trẻ để có những bài báo tích cực hơn. Là cộng tác viên, nếu muốn đọc báo phản ánh bức xúc của mình, hãy viết trước đi, đừng đợi...”.
Trẻ nhất trong số khách mời, Triệu Ngọc Diệp khiến mọi người ngạc nhiên khi tiết lộ cô mới 23 tuổi nhưng đã cộng tác với Tuổi Trẻ được chín năm, bắt đầu từ một bài báo về lần đầu tiên cô bé 14 tuổi được cha mẹ cho phép xem World Cup.
“Từ đó tôi viết bài cho Tuổi Trẻ như một cách học. Tôi lớn lên cùng với Tuổi Trẻ, và tự hào thấy tiếng nói, suy nghĩ của mình được lắng nghe, được ghi nhận. Tôi mong những diễn đàn trên Tuổi Trẻ sẽ được mở thường xuyên hơn để có chỗ cho người trẻ chúng tôi...” - Ngọc Diệp bày tỏ.
* Chị Ngô Thị Thu An (ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ): Luôn là tờ báo hướng thiện, tử tế "Chúng tôi hiểu rằng để giữ được tình yêu, niềm tin và đáp ứng kỳ vọng của bạn đọc rất khó nhưng chúng tôi luôn cố gắng. Xem báo, mọi người sẽ thấy Tuổi Trẻ luôn cải tiến, luôn làm mới và gìn giữ bản sắc của mình." "Có những lúc chúng tôi chưa làm được, có bài báo chưa hay, còn sai sót, có chương trình chưa chỉn chu, nhưng chúng tôi cam kết Tuổi Trẻ luôn là một tờ báo hướng thiện, tử tế... Viết về cái xấu để chiến đấu với nó, viết về cái tốt cũng là để điều xấu bớt đi. Tất cả là vì những điều tốt đẹp trên cuộc đời này." |
Một diễn đàn đa chiều, một định chế tham khảo
“Tôi không đồng ý với cách các báo đưa về cách xét tuyển đại học năm nay. Chẳng qua là trước kia tất cả những diễn biến được dư luận cho là như “thị trường chứng khoán” này diễn ra trong phòng kín, ít ai biết để có ý kiến. Còn nay khi nó hiện lên trên bảng điện tử trước bàn dân thiên hạ, tức nó công khai, như ta mong muốn thì dường như lại vượt sức chịu đựng của chúng ta”. Ý kiến của nhà báo Lưu Vĩ Lân đã làm cuộc họp cộng tác viên thân tín của Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 21-8 nóng lên. Nóng không phải vì nghĩa đen của ý kiến, mà vì nhà báo đã gián tiếp nhắc đến một tiêu chí Tuổi Trẻ Cuối Tuần nhiều năm đeo đuổi: đưa những tiếng nói đa chiều, nhiều giọng để góp phần cho những giải pháp tích hợp được nhiều chất xám nhất của xã hội. Xuyên suốt cuộc trao đổi, các cộng tác viên Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã thảo luận về những khó khăn của nghề báo hiện nay, làm cách nào để tiếng nói đa chiều đó không phải là “chiều theo ý kiến của số đông độc giả” mà phải là “báo chí dự báo” (nhà báo Nguyễn Vạn Phú), báo chí phản biện nhưng phải có tính hướng dẫn, không chỉ thông tin mà còn “thuyết phục” (giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Úc), và các ý kiến lẫn phản biện phải trên cùng một nền tảng dữ liệu (TS Phạm Thị Ly). Cuộc gặp mặt cũng đã xoay quanh những thách thức của báo in nói riêng và báo chí nói chung thời bùng nổ công nghệ thông tin và mạng xã hội, như nhận định của chuyên gia công nghệ thông tin Vũ Thái Hà: “Nếu trước đây người ta không biết và tìm đến báo chí để biết thông tin, thì nay khi người ta biết hết nhờ mạng xã hội, người ta sẽ đọc báo để tìm thêm những phân tích, lý giải”. Tuy nhiên, việc xây dựng những phương án kỹ thuật và phiên bản điện tử vẫn là điều Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Cuối Tuần cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Những chuyên mục mới đáp ứng với nhu cầu thời đại cũng được các chuyên gia đề nghị mở, như các vấn đề khoa học, môi trường, biến đổi khí hậu... Đi cùng Tuổi Trẻ nói chung và Tuổi Trẻ Cuối Tuần nói riêng qua nhiều năm tháng, các cộng tác viên đã động viên tờ báo hãy tiếp tục là một kênh tham khảo và tiếng nói của giới trí thức. Các ý kiến đã xoay quanh việc sao cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần không chỉ là tờ báo phản ánh những trăn trở và tìm kiếm những giải pháp xã hội tốt đẹp, mà còn vì “sau khi tất cả những khó khăn, bồng bột nhất thời qua đi, người ta cần đọc điều đọng lại” (cộng tác viên Lan Hương). Những chuyên mục nhẹ nhàng hơn nhưng mang tính gia đình, giáo dục như Nhật ký thành phố, Câu chuyện cuộc sống... được các cộng tác viên khuyến khích phát huy. Tư vấn viên học đường Bảo Nhi cho biết một số bài trong chuyên mục Câu chuyện cuộc sống đã được các thầy cô sử dụng như một tư liệu tham khảo trong việc tiếp cận giới trẻ và giảng dạy. Những kỳ vọng đã được đặt ra. Không chỉ duy trì được các tờ báo in trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội và truyền thông đa phương tiện, những người cùng Tuổi Trẻ Cuối Tuần làm báo nhiều năm tháng qua còn hi vọng tờ báo sẽ tiếp tục làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người, trở thành một định chế tham khảo cho tất cả những ai quan tâm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận