Một fanpage giả danh công ty luật, công an hay các tổ chức phi lợi nhuận quảng cáo "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo"; một bài viết cùng nội dung kêu gọi từ thiện được đăng đi đăng lại trên hàng trăm hội nhóm, hay những tấm ảnh thời sự được chèn thông tin quảng cáo cá độ, cờ bạc online... đang xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội.
Từ những lời mời quảng cáo... lừa đảo
Đầu năm 2024, fanpage và một nhóm Facebook do tôi lập ra đã đạt cột mốc hơn 40.000 lượt người theo dõi. Và đây cũng là thời điểm tôi bắt đầu nhận được nhiều lời mời quảng cáo.
Ban đầu, những lời mời quảng cáo đến từ các nhãn hàng, các chương trình tiếp thị liên kết, đều là những "người thật việc thật". Nhưng sau đó bắt đầu xuất hiện những tài khoản ảo mời gọi đăng quảng cáo với vô số nội dung lừa đảo người dùng, chẳng hạn như tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà, xuất khẩu lao động, tuyển dụng việc làm ngay lương cao, bài viết kêu gọi từ thiện...
Điều đáng nói, những tài khoản này luôn chấp nhận quảng cáo với giá cao và sẵn sàng thanh toán trước. Cụ thể, tôi chỉ cần phê duyệt nội dung để tài khoản kia đăng lên nhóm là có "tiền tươi thóc thật".
Hoặc nếu đăng lên fanpage thì phí quảng cáo sẽ cao hơn, hấp dẫn hơn.
Nhưng khi vào tận các trang cá nhân để "xem mặt", kiểm tra thông tin thì tất cả những tài khoản liên hệ kia đều ảo. Và tất cả thông tin quảng cáo bên kia đưa ra đều không thể kiểm chứng.
Ví dụ, quảng cáo về xuất khẩu lao động của công ty nào đó nhưng không thể tìm ra công ty, địa chỉ... Quảng cáo tuyển cộng tác viên làm việc nhưng chỉ liên hệ qua kênh Zalo hoặc Telegram... Điều này có nghĩa nếu tôi nhận đăng quảng cáo thì tôi đang tiếp tay cho lừa đảo người dùng ở cộng đồng mình.
Tôi từ chối rất nhiều lời mời quảng cáo kiểu này nhưng trên nhóm vẫn xuất hiện những bài viết, bình luận có tính chất tương tự. Và để "làm sạch" trang của mình, tôi phải thao tác thủ công: lọc, rà soát, xóa và cấm những tài khoản có dấu hiệu lừa đảo qua mạng.
Khi xem các cộng đồng khác tương tự trang và nhóm của mình, tôi bắt gặp những bài viết của các tài khoản liên hệ quảng cáo trước đó. Và những bài viết lừa đảo người dùng có đủ loại nội dung, hình ảnh: kêu gọi từ thiện, giả công an hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo, xuất khẩu lao động các nước, tuyển cộng tác viên, cá độ cờ bạc qua mạng...
Phía dưới những bài viết này sẽ có hàng loạt tài khoản ảo khác "hùa theo" để tạo độ tin cậy, tăng độ phủ sóng nhằm tiếp cận người dùng thật để lừa đảo.
Giữa thế giới mạng xã hội mênh mông, các nhóm lừa đảo đang ngày càng "táo tợn" hơn khi họ sẵn sàng bỏ tiền ra chạy quảng cáo để "câu" nạn nhân mới. Và cũng có rất nhiều cá nhân, tổ chức sáng tạo nội dung số trên nền tảng mạng xã hội đang tiếp tay cho những tổ chức lừa đảo này khi họ chấp nhận cho đăng thông tin hình ảnh nhằm mục đích lừa đảo.
Trách nhiệm trên không gian mạng
Điểm thú vị nhất của các nền tảng mạng xã hội, theo tôi, chính là cho phép người dùng sáng tạo nội dung có thể kiếm thêm thu nhập từ đây. Nhưng đây đồng thời cũng có nhiều cám dỗ, dễ khiến chúng ta "lạc đường" từ đó vô tình (hoặc cố ý) tiếp tay cho các tổ chức lừa đảo.
Trên nền tảng mạng xã hội, nhiều người tạo trang và sau đó cho thuê để người khác làm quảng cáo (có không ít trường hợp trang bị cướp quyền quản lý hoặc bị mạo danh). Nếu không quản lý kỹ, các trang này dễ trở thành nơi lừa đảo người dùng trong cộng đồng.
Ở nhóm Facebook của chúng tôi, mỗi ngày nhận hàng trăm bài viết khác nhau. Trong số này, nhiều bài viết lừa đảo một cách... khôn khéo. Ví dụ, sau trận bóng đội tuyển Việt Nam thua Indonesia, hình ảnh vị huấn luyện viên trưởng được chia sẻ rất nhiều, trong đó có nhiều ảnh được chèn quảng cáo cá độ, cờ bạc hoặc tìm cộng tác viên ngay dưới chân ảnh.
Những người lừa đảo sẽ có rất nhiều tài khoản ảo và có nhiều cách "lách kiểm duyệt" bài đăng. Vì cộng đồng của tôi đa số là người xa quê, đã có tuổi, nên đôi lần có những thành viên bị lừa đảo mà chính họ không biết. Giải pháp của tôi là kiểm duyệt thủ công hằng ngày, đăng các bài viết khuyến nghị để bà con phân biệt thật giả...
Công việc này khá tốn thời gian, nhưng tôi nghĩ rằng nếu đã lập trang, nhóm phải có trách nhiệm. Trong những lần "lướt mạng", tôi cũng bắt gặp nhiều trang được lập ra để lừa đảo người dùng. Tôi chọn cách báo cáo lên Facebook, chụp màn hình đăng lên thông báo cho bà con trong nhóm... Đây cũng là cách mà tôi nghĩ sẽ góp phần làm sạch không gian mạng, giúp người dùng nhận diện các thủ đoạn lừa đảo.
Có thể nói lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi hơn. Người dùng nên chuyên nghiệp trong cách sử dụng mạng xã hội bằng cách giúp mọi người nhận biết các dấu hiệu lừa đảo...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận