Các cầu thủ nhí PVF đi cổ vũ cho các đàn anh ở giải trẻ quốc gia - Ảnh: TÚ ANH
HLV Phạm Minh Đức (Hà Nội):
Giáo dục đạo đức là ưu tiên hàng đầu
Ở CLB Hà Nội, bầu Hiển đặt ra một tiêu chí: "Chưa biết đá hay hay không, đạo đức trước đã". Nên CLB Hà Nội thời gian qua đã trình làng một lứa cầu thủ trẻ tài năng và ngoan, trình diễn thứ bóng đá đẹp mắt. Làm đào tạo trẻ, không ai dạy cầu thủ mình chửi bậy hay đá láo cả.
Chỉ là mỗi một lứa cầu thủ sẽ có vài em có cá tính mạnh mẽ hay chơi bóng quyết liệt quá mức mà thôi. Khi đó thì vai trò của HLV rất quan trọng. HLV phải dạy cho các cầu thủ trẻ không được vào bóng thô bạo, phi thể thao và uốn nắn ngay khi thấy cầu thủ có biểu hiện như thế.
Phải cho cầu thủ thấy rằng không có anh thì sẽ có người khác chứ đừng tưởng rằng mình là ngôi sao của đội bóng.
HLV Đặng Thanh Phương (Trung tâm thể thao Viettel):
Bóng đá kỷ luật, có chất lính
Ở môi trường quân đội như Trung tâm thể thao Viettel, bóng đá không chỉ đẹp mà còn phải kỷ luật, có chất lính. Vì thế, đội ngũ HLV chúng tôi luôn dạy các cầu thủ trẻ phải chơi đúng luật, tôn trọng cuộc chơi và tôn trọng đối thủ.
Tất nhiên là các em còn nhỏ, nhiều khi ham bóng, ham muốn chiến thắng nhiều quá nên dễ vào bóng quyết liệt quá mức.
Với cầu thủ mắc lỗi đó, chúng tôi sẽ nhắc nhở. Và nếu tiếp tục vi phạm, chúng tôi cho cầu thủ đó dừng tập luyện, viết kiểm điểm. Vì không giáo dục ngay, các em sẽ đua nhau đá xấu, rất nguy hiểm. Chơi tiểu xảo, phạm lỗi thô bạo chỉ có lợi trước mắt chứ không có lợi lâu dài.
Đào tạo một cầu thủ lành tính nhưng tương lai phát triển chuyên môn tốt hơn là một cầu thủ cá tính.
HLV Hứa Hiền Vinh (Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN - PVF):
Trao đổi nhiều để các em hiểu
Các em 14, 15 tuổi đang ở độ tuổi thay đổi về tâm sinh lý nên cần phải trao đổi nhiều để các em hiểu và thực hiện tốt yêu cầu của ban huấn luyện. Ở PVF, chúng tôi nói hằng ngày và thường xuyên với các cầu thủ trẻ là không được đá xấu, vào bóng quyết liệt quá mức. Vì tất cả đều là đồng nghiệp với nhau và đều là tương lai của bóng đá VN.
Cụ thể, tình huống mặt đối mặt với nhau thì có thể vào bóng mạnh mẽ, nhưng bên hông hoặc phía sau thì không được. Mỗi nơi có cách giáo dục cầu thủ trẻ khác nhau. Với PVF, cầu thủ nếu thi đấu xấu trên sân tập sẽ không được cho thi đấu đối kháng trong buổi tập nữa.
HLV Lê Văn Hùng (SLNA):
Phải giúp đỡ, bảo vệ đồng đội
Chúng tôi luôn dạy các em phải giúp đỡ nhau, bảo vệ đồng đội và bảo vệ đôi chân của đối thủ. Nghĩa là vào bóng mạnh mẽ nhưng phải đúng luật. Ở SLNA, các cầu thủ đều ra sân thi đấu với một tinh thần mạnh mẽ. Nên chỉ cần không biết cách vào bóng hay không kiềm chế sự nóng nảy thì sẽ dễ xảy ra chấn thương không đáng có cho đồng nghiệp.
Tôi làm việc ở lứa U-11 và U-13. Mỗi ngày tôi đều nhắc các em thi đấu không được chơi xấu và cần phải thi đấu đẹp mắt. Các em dĩ nhiên đều hiểu. Nhưng nhiều khi các em ham bóng và vào bóng không biết cách thì thành ra thô bạo. Với những trường hợp này, chúng tôi phân tích cho các em thấy như vậy là sai và cấm tập mấy ngày. Cấm vậy cho các em nhớ để đừng tái phạm.
HLV Chu Ngọc Cảnh (Hoàng Anh Gia Lai):
Quán triệt tuyệt đối việc thi đấu fair play
Tôi xuất thân từ lò đào tạo trẻ Sông Lam Nghệ An, nhưng ghét nhất là cách thi đấu triệt hạ bằng cách đạp vào đầu gối hay vào người đối thủ. Vì thế, khi nắm đội U-15 và U-17 HAGL, tôi luôn dạy các cầu thủ không được đá xấu, không được trả đũa khi bị đá xấu. Họ có thể thi đấu quyết liệt trong khuôn khổ chứ không được bỏ bóng đá người. Chúng tôi luôn quán triệt tuyệt đối việc thi đấu fair play, không được chơi xấu.
Ở vòng 3 V-League 2018, CLB HAGL từng có trường hợp vào bóng thô bạo của Tăng Tiến (trung vệ được mượn từ Đắk Lắk) với Duy Mạnh (Hà Nội). Bầu Đức khi đó đã rất giận dữ, yêu cầu CLB kỷ luật Tăng Tiến không cho thi đấu đến hết lượt đi, và cuối mùa thì chia tay luôn với trung vệ này. Cách xử lý Tăng Tiến cũng là bài học cụ thể cho các cầu thủ trẻ HAGL.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận