Thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời người lao động bị thiệt hại do bão
Cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 7-9 với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16. Trước sự mất mát, thiệt hại tài sản, trong ngày 9 và 10-9, ngay sau khi cơn bão đi qua, công đoàn đã tổ chức các đoàn đến các gia đình CNLĐ của các đơn vị tại Quảng Ninh động viên, chia buồn, thăm hỏi, chia sẻ với những gia đình có người thân bị thiệt mạng, gia đình bị thiệt hại về nhà cửa, tài sản do bão sớm khắc phục khó khăn, ổn định tinh thần, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Ngày 10-9, ông Lê Thanh Xuân, ủy viên đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, chủ tịch công đoàn TKV đã đi nắm bắt tình hình thiệt hại do bão, công tác khắc phục, ổn định sản xuất sau bão và thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình công nhân bị thiệt hại do bão số 3 gây nên thuộc các đơn vị: Công ty Than Quang Hanh, Dương Huy, Kinh doanh than Cẩm Phả, Tuyển than Cửa Ông.
Chủ tịch công đoàn TKV Lê Thanh Xuân thăm hỏi, động viên chị Hà Phương Chi - công nhân Than Quang Hanh là mẹ đơn thân, con bị bệnh bẩm sinh, nhà bị tốc toàn bộ mái do bão
Ông Xuân đã chỉ đạo công đoàn các đơn vị phối hợp cùng chuyên môn rà soát, nắm bắt toàn bộ số gia đình công nhân bị ảnh hưởng do bão như nhà đổ, tốc mái, ngập nước, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… để thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời và báo cáo công đoàn và tập đoàn hỗ trợ.
Chủ tịch công đoàn Công ty Than Quang Hanh Nguyễn Văn Long, cho biết ngay sáng ngày 9-9, công đoàn công ty đã trực tiếp đi khảo sát 3 gia đình CNLĐ thuộc phường Quang Hanh bị tốc mái nhà và giao cho công đoàn bộ phận và chuyên môn các đơn vị rà soát, nắm bắt tình hình CNLĐ các đơn vị bị thiệt hại. Công đoàn và chuyên môn công ty thống nhất hỗ trợ ngay những gia đình CNLĐ bị thiệt hại nặng và báo cáo công đoàn để hỗ trợ.
Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân và lãnh đạo Công ty Tuyển than Cửa Ông thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình công nhân Trần Thành Vân - P. KB và Nguyễn Huy Trường - Công nhân PX Cơ khí bị thiệt hại do bão số 3 tại phường Cẩm Thịnh
Tại Công ty cổ phần Kinh doanh than Cẩm Phả, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc công ty Nguyễn Anh Toán - cho biết công ty đã vừa phòng chống, ứng phó với bão, vừa chuẩn bị nguồn than để sẵn sàng cấp cho khách hàng.
Đồng thời, chỉ đạo công đoàn phối hợp với chuyên môn chăm lo cho người lao động, cấp gạo và thực phẩm thiết yếu cho toàn bộ hơn 400 CNLĐ; các trường hợp bị thiệt hại do bão đến thăm hỏi, hỗ trợ và giúp đỡ sửa chữa, khắc phục.
Thăm hỏi CNLĐ các đơn vị bị thiệt hại do bão số 3, tất cả các gia đình đều bị tốc hết mái nhà, đồ đạc ngổn ngang, dầm mưa sau bão, ông Xuân đã chia sẻ, động viên CNLĐ và gia đình khắc phục khó khăn, sớm ổn định chỗ ở, ổn định cuộc sống. Đối với gia đình nhà ở bị hư hỏng nặng do bão, không có khả năng sửa chữa, gia đình đặc biệt khó khăn, ông Xuân giao cho công đoàn các đơn vị tổng hợp, khảo sát để đề nghị xây, sửa nhà từ Qũy "Mái ấm công đoàn" cũng như hỗ trợ CNLĐ từ các nguồn quỹ của đơn vị cho CNLĐ ổn định chỗ ở, yên tâm làm việc.
Trước mắt công đoàn tập đoàn thăm hỏi động viên CNLĐ bị thương 5 triệu đồng/trường hợp; hỗ trợ gia đình bị thiệt hại về nhà ở 2 triệu đồng/gia đình. Đồng thời, giao cho các ban chuyên đề công đoàn và các đơn vị khẩn trương tổng hợp số gia đình bị thiệt hại sau bão để tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người lao động kịp thời - ông Xuân cho hay.
Sớm ổn định sản xuất để người lao động trở lại làm việc
Tại vùng Cẩm Phả, Công ty Than Quang Hanh là đơn vị có điện lưới sớm từ 20h ngày 8-9, công ty đã bố trí bơm nước, thông gió và 1 số đơn vị đã sản xuất trở lại. Đồng thời, hỗ trợ điện cho Than Dương Huy (khi chưa có điện lưới) để tăng cường bơm nước mỏ hầm lò. Ngày 9-9. Công ty cổ phần Than Mông Dương, Khe Chàm cũng đã có điện lưới để phục vụ sản xuất.
Theo báo cáo, Công ty cổ phần Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV do ảnh hưởng của gió bão nên mái tôn toàn bộ khu vực văn phòng của khoảng 30 công trường, phân xưởng trên khai trường bị bay hết cùng với đổ tường, sập trần, nhiều thiết bị máy xúc, máy khoan, ô tô vận tải bị vỡ kính khoang lái.
Ngoài ra, lượng cây xanh gãy đổ khá lớn, khoảng trên 500ha, bao gồm cây trồng ở mặt bằng công nghiệp, tại các bãi thải đã hoàn nguyên và các tuyến đường mỏ. Trưởng phòng KCM Nguyễn Đức Vinh, cho biết công ty đã tích cực khắc phục, ca 1 ngày 8-9, đường lên khai trường đã được thông. Đồng thời, khẩn trương sửa chữa nhà làm việc, khôi phục điện, nước, thông tin liên lạc.
Ngày 9-9, nhiều đơn vị đã trở lại sản xuất bình thường và phấn đấu ổn định sản xuất nhanh nhất khi điện lưới được cấp trở lại.
Chung cư công nhân Cẩm Đông của Công ty Than Hạ Long - TKV tại TP Cẩm Phả trong những ngày bão công nhân không đi làm được, công ty đã bố trí ăn nghỉ chu đáo cho các công nhân ở chung cư và công nhân ngoài vào ở nhờ do bên ngoài không có điện, nước, mạng viễn thông.
Công nhân Nguyễn Văn Anh, quê Quảng Bình cùng vợ yên tâm ở tại khu chung cư Cẩm Đông - Công ty than Hạ Long và mong có điện lưới để trở lại làm việc
Trong căn phòng chung cư khang trang, sạch sẽ có 3 thợ lò thuộc phân xưởng KT10 đến từ Hà Giang là Giàng Vần Vư (38 tuổi), Giàng Mý Tệnh (23 tuổi), Vàng A Tùng (24 tuổi) đang nghỉ ngơi và lướt mạng dù chập chờn lúc có lúc không. Thợ lò Giàng Vần Vư, người dân tộc Mông tâm sự, mỗi tháng làm khoảng 22-23 công thì thu nhập được tầm hơn 23 triệu đồng. Số tiền này đa phần được gửi về quê cho vợ và 3 con.
"Khi có bão, mất điện không đi làm được, công ty bố trí cho chúng tôi ở chung cư được ăn uống, nghỉ ngơi rất chu đáo. Không về được nhà nhưng vẫn gọi điện được về thăm hỏi và nhắn nhủ vợ con cứ yên tâm, hết bão sẽ lại đi làm, cũng mừng vì vợ con, mọi người ở nhà đều ổn cả - Giàng Vần Vư chia sẻ.
Chủ tịch công đoàn Công ty Than Hạ Long Đỗ Văn Hùng cho biết, dù chưa có điện lưới để sản xuất, nhưng công ty vẫn chạy máy phát hằng ngày để bơm nước, thông gió hầm lò. Mỗi ngày, riêng chi phí tiền dầu cho chạy máy phát khoảng 800 triệu đồng. "Quan điểm của lãnh đạo công ty là 800 triệu đồng cũng chấp nhận vì nếu không bơm nước liên tục trong mỏ thì sẽ dẫn tới khả năng ngập mỏ, khi ấy còn thiệt hại hơn rất nhiều", ông Hùng nói.
Hiện, Công ty Than Hạ Long có 2.100 thợ lò trong tổng số 3.700 người lao động, công ty bố trí khoảng 270 CNLĐ làm nhiệm vụ cơ điện, trực máy bơm, thông gió, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng sản xuất ngay khi có điện lưới trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận