Hãy tưởng tượng, bạn thức dậy vào nửa đêm và đi xuống bếp. Trong ánh sáng leo lét của tủ lạnh hay phòng vệ sinh, bạn nhận ra một con người có gương mặt của bạn đang đứng chờ. Vâng, gương mặt của bạn, một bản sao của bạn chứ không phải một kẻ trộm hay con ma nào. Bộ phim Us của Jordan Peele là một câu chuyện như vậy. Một gia đình Mỹ phát hiện ra những bản sao của họ trong chính căn nhà quen thuộc và dường như những kẻ lạ này không hề đến với thiện chí. Giống như mọi bộ phim kinh dị khác, Us là hành trình tự vệ của cả một gia đình trong khi nỗ lực hiểu nguồn cơn của những kẻ đáng sợ khác thường kia. Quay trở lại với ý tưởng mở màn cho câu chuyện kinh dị này, tại sao việc nhìn thấy một bản sao của bản thân lại gây hoảng sợ? Chúng ta thường xác quyết rằng mình biết rõ về bản thân, ta có thể biện minh cho sự tỉnh táo của mình bằng hiểu biết về nhân dạng, tính cách hay bất cứ đặc tính nào. Cho đến khi một bản sao xuất hiện trước mặt ta, ta sẽ bàng hoàng và những kinh nghiệm thuộc về chính mình trước đó dường như sụp đổ. Ta hoài nghi về chính mình, rồi từ trong sâu thẳm đã kịp đặt một câu hỏi: “Đâu là bản thể của ta thật sự?”. Những tưởng câu chuyện của Trang Tử và bướm trong Nam Hoa Kinh vốn mang đầy màu sắc hoài nghi của chủ nghĩa thần tiên phương Đông sẽ chỉ xuất hiện trong các câu thoại của những sư phụ ẩn tu, nhưng nay lại được Jordan Peele đặt vào một xã hội Mỹ đang bị chia rẽ và chịu nhiều tổn thương. Dù chính đạo diễn nói rằng Us là một bộ phim kinh dị thuần túy nhưng sự thật là người ta đã đến xem Us như xem một tuyên cáo chính trị được kịch tính hóa hơn là một bộ phim điện ảnh. Có lẽ Peele không ngờ rằng khán giả lại đón nhận bộ phim kinh dị có chất hài hước rất “lầy lội” của anh một cách trịnh trọng như vậy. Nói về sự bí ẩn của những biểu tượng, sự mã hóa dày đặc các trường đoạn, Peele có lẽ sẽ đồng ý rằng đó là thủ pháp để nói những điều không thể nói. Ở khía cạnh này, chúng ta buộc phải tìm một cách hiểu cho chính mình. Chính năng lực mã hóa thông điệp trong một bầu không khí trịnh trọng kịch tính đã góp phần khiến khán giả khó lòng xem Us như một bộ phim kinh dị thông thường. Us đã bị vỡ ra thành từng mảnh nhỏ, trong đó những tín hiệu thời sự và giai thoại nổi trội chèn ép nỗi sợ thuần túy mà một bộ phim kinh dị thường mang lại. Nhưng thực sự thì, nếu không có yếu tố chính trị và sự cưỡng chế người xem liên tục giải mã các thông điệp chính trị trong đó, Us có lẽ còn kém duyên hơn ma sơ Valak (phim The Nun của đạo diễn Corin Hardy). Ở đó người xem có thể suy đoán ra những câu chuyện về chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bất bình đẳng giới, hệ thống phân phối giá trị bất cập, toàn cầu hóa... và bất kỳ thứ gì mà chúng ta quan tâm. Có lẽ với người Mỹ trong thời đại Trump, với những gì xảy ra qua cuộc bầu cử 2016 đã khiến họ nhìn lại mình. Hẳn là sự chia rẽ giữa những nhóm cử tri đã hiện lên như là một bản thể khác của nước Mỹ, khi mà tất cả người Mỹ đã phải tự hỏi: “Đâu là ta?”. Sự hoài nghi tạo ra cảm giác mất an toàn và kích hoạt xu hướng cực đoan. Chỉ 7 tháng sau khi Trump đắc cử, bạo loạn ở Charlottesville như một trình hiện nổi cộm của sự hoài nghi chính mình của nước Mỹ. Một cảnh trong phim Us Với Us, chúng ta được một cơ hội để nhìn lại chính mình và tra vấn mức độ hiểu biết bản thân. Chúng ta thường cảm thấy mất an toàn vì một người xa lạ. Ở cấp độ một khu phố, chúng ta cảm thấy mất an toàn vì một nhóm người xa lạ. Ở cấp độ một thành phố, chúng ta lại cảm thấy mất an toàn vì những kẻ đến từ vùng khác. Hẳn nhiên, ở cấp độ quốc gia chúng ta sẽ cảm thấy mất an toàn vì những đất nước thù địch nào đó, đôi khi chúng ta thù hằn cả phần còn lại của thế giới. Lịch sử đã cho thấy những thảm họa diệt chủng khủng khiếp thường đến từ những nỗi sợ hãi bản thể cực đoan như vậy. Us khơi gợi cho chúng ta nỗi sợ hãi lớn nhất bắt đầu hoài nghi về chính bản thể của mình, nói cách khác là bắt đầu từ chính mình. Sau vụ xả súng ở Christchurch, chúng ta đã thấy được một phiên bản ngược của Us trong đó, người dân New Zealand đã tình nguyện giao nộp súng đạn và hỗ trợ tối đa để đảm bảo an toàn cho những người Hồi giáo. Khi chúng ta có một niềm tin xác tín về bản thể và những giá trị của mình, chúng ta có thể chiến đấu và chiến thắng những kẻ mang gương mặt chúng ta, những phiên bản của sự yếu đuối, thù hằn và ngu muội.■ Tags: Điện ảnh MỹJordan PeelePhim UsPhim kinh dị Us
Tuyên bố của Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam TTXVN 21/02/2025 Việc xác định đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ là nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của Việt Nam theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và phù hợp với Luật Biển Việt Nam năm 2012.
Công nhân dệt may làm thêm sấp mặt, thu nhập vẫn dưới mức trung bình VŨ THỦY 21/02/2025 Dù kỹ thuật may tốt, đẹp hơn các 'cường quốc may mặc' Bangladesh, Ấn Độ và phải làm việc trong điều kiện bụi bặm, nhiều tiếng ồn, tăng ca kéo dài... nhưng lương công nhân dệt may Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Thưởng nóng tập thể phá nhanh vụ án bà bán bún riêu giết người giao thịt heo CHÍ HẠNH 21/02/2025 Công an tỉnh An Giang và UBND huyện Chợ Mới thưởng nóng cho tập thể, cá nhân phá nhanh vụ án bà bán bún riêu giết người đàn ông giao thịt heo để cướp vàng.
Singapore phạt tù một phụ nữ Việt Nam vì livestream khiêu dâm nơi công cộng THIÊN MINH 21/02/2025 Tòa án Singapore tuyên phạt cô L. và chồng 3 tuần tù giam vì một người thực hiện hành vi khiêu dâm nơi công cộng, một người đứng canh chừng.