Học sinh Thái Bình trong một lớp học về giáo dục giới tính do dự án Lớn lên an toàn tổ chức - Ảnh: X.HƯỜNG
Tỉ lệ trẻ em bị xâm hại trong năm 2019 không hề giảm đi cho dù truyền thông về vấn đề này chưa từng xuất hiện nhiều đến vậy.
Rủi ro của trẻ đến từ đâu?
Trong 6 tháng đầu năm 2019, con số trẻ em bị xâm hại là 1.400 trẻ. Nếu tính trong ba năm từ 2017-2019 là trên 5.000 trẻ. Nghĩa là mỗi ngày trung bình có 5 trẻ em bị xâm hại. Tức là cứ 5 giờ trôi qua sẽ có một trường hợp trẻ bị xâm hại. Và như rất nhiều người sẽ nói, đó chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Trẻ em phải đối mặt với những hiểm nguy từ chính gia đình mình. Nhưng không cần phải bị đánh đập, bị xâm hại tình dục, bị chửi mắng thì mới gây nguy hiểm. Rủi ro của trẻ em còn đến kể cả khi người lớn đã không làm gì cả. Ta gọi đó là sự sao nhãng, một trong bốn dạng xâm hại trẻ em theo định nghĩa của UNICEF.
Hằng ngày ta vẫn thấy các phụ huynh chở con em trên xe máy mà không có một chiếc đai bảo vệ nào cả. Tay phải rồ ga, tay trái ôm con. Những chiếc đầu tròn nhỏ không được đội mũ bảo hiểm phơi ra giữa nắng gió. Hi vọng chúng ta không cần phải có một tai nạn thương tâm nào để biết rùng mình vì nguy hiểm khi những chiếc xe như thế chạy trên đường.
Những người đó họ có thương con mình không? Có chứ, tất nhiên rồi. Nhưng họ chắc đã quá chủ quan, hoặc đã không ý thức đủ. Nói như thế là để hiểu tình thương với con trẻ rất cần phải có thêm cả những hiểu biết. Muốn thế thì cha mẹ cần phải học không ngừng. Chúng ta nợ trẻ em một thời thơ ấu an toàn. Sự an toàn đó chỉ có thể tồn tại nếu như từng người trong chúng ta đồng lòng.
Và không chỉ đồng lòng về mặt ý niệm thôi, mà còn phải liên tục học tập trong từng cách hành xử, không chỉ với con em mình mà còn con em của người khác nữa.
Phải có trách nhiệm với thời thơ ấu của trẻ
Không phải ai cũng biết rằng ý niệm về quyền trẻ em chỉ xuất hiện từ khi công ước về quyền trẻ em được Liên Hiệp Quốc thông qua ở Geneva năm 1924. Tức là chuyện trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc một cách đặc biệt chỉ mới tồn tại khoảng 100 năm trong lịch sử vạn năm của loài người. Trước đó, khái niệm "thời thơ ấu" đã không hề tồn tại.
Vì thế, nếu như thực sự tin vào quyền trẻ em, chúng ta cần phải thường xuyên nhắc nhau rằng người lớn cần có trách nhiệm với thời thơ ấu của trẻ. Đó là một phần lý do tại sao làm người lớn, nhất là làm cha mẹ, thật chẳng dễ dàng gì. Nhưng đó phải chăng chính là điều khiến cho đời sống này có ý nghĩa?
Tháng 6, nghĩ về thơ ấu, tôi ước gì chúng ta dịu dàng hơn, trách nhiệm hơn.
Thiếu những bàn tay dắt dìu
Giữa tháng 5 vừa rồi, tôi về quê ở Sơn Viên, Nông Sơn (Quảng Nam), vẫn còn nghe dư âm vụ "thiếu nữ 14 tuổi tố bị nhóm bạn giở trò đồi bại" dù vụ việc xảy ra hồi tháng 3. Hẳn mọi người vẫn còn chưa tin được chuyện động trời này xảy ra ở chính vùng quê bình yên của mình, nhất là khi cả nạn nhân lẫn người gây ra vụ việc đều ở tuổi vị thành niên.
Thời gian vài chục năm trôi qua, làng quê đã khác xưa nhiều, phát triển về mọi mặt. Vì thế, những đứa trẻ lớn lên cũng đầy đủ vật chất hơn. Chúng lớn nhanh hơn so với lứa tuổi chúng tôi ngày đó và cũng "biết" nhiều hơn những thứ lứa tuổi các em cần biết. Phụ huynh nhiều khi mù tịt với công nghệ trong khi các em rất nhạy. Đời sống phát triển nên để con cái bằng bạn bằng bè, việc sắm cho con mình một chiếc điện thoại thông minh không khó.
Khi phương tiện được trao tay, bằng nhiều cách, các em đã tiếp cận với thế giới mênh mông trong điện thoại có kết nối mạng, nhưng ngoài tầm kiểm soát của phụ huynh. Ở đó, có thể có những người lạ, những cuộc làm quen để rồi dẫn lối các em vào con đường người lớn quá sớm. Những hình ảnh, phim và các sản phẩm không phù hợp cũng có thể đã "tiếp cận" các em qua sự tò mò của tuổi trẻ sớm được tự do trong không gian mạng (nhưng thiếu những kỹ năng cần thiết).
Trẻ cần sự dìu dắt của người lớn. Gia đình là bến bờ để các em tin cậy chia sẻ, lắng nghe và tôn trọng, để mỗi khi muốn làm gì, tốt hay xấu, đều nghĩ về để phát huy hay dừng lại kịp thời.
TẤN KHÔI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận