01/01/2020 17:44 GMT+7

Chúng ta giờ đây phải chung sống với cháy rừng tàn khốc

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Cháy rừng đang xuất hiện thường hơn và kéo dài hơn với mức độ tàn khốc ở nhiều nơi trên thế giới. Điều này có ý nghĩa gì với con người và hệ sinh thái?

Chúng ta giờ đây phải chung sống với cháy rừng tàn khốc - Ảnh 1.

Lính cứu hỏa của bang New South Wales, Úc chật vật đối phó với cháy rừng - Ảnh: FRANCE 24

2019 - Năm kỷ lục về cháy rừng

Mùa cháy rừng ở Úc bắt đầu sớm, từ tháng 9-2019 thay vì giữa tháng 1 năm sau và hiện là mùa cháy rừng tồi tệ nhất kể từ năm 2003.

Năm 2019 vừa qua, cháy rừng sớm và kéo dài diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Mặc dù các vụ cháy rừng xảy ra theo chu kỳ tự nhiên của một số vùng sinh thái, nhưng tần suất và quy mô tăng lên của chúng đã gây hại đến sức khỏe cộng đồng và môi trường với những hậu quả động đáng báo động.

Hơn 1.600 vụ cháy, hơn gấp ba số vụ trung bình của thập kỷ qua, đã tàn phá các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong năm qua. Pháp và Tây Ban Nha có số vụ hỏa hoạn cao hơn bình thường.

Trong tháng 6-2019, Hệ thống giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) giám sát phát thải từ cháy rừng trên toàn cầu đã ghi nhận các vụ cháy dữ dội ở Siberia và Bắc Cực, trên một diện tích rộng bằng kích cỡ 100.000 sân bóng đá.

Tiến sĩ Mark Parrington, chuyên gia tại CAMS, cho biết: "Mặc dù xảy ra vào mùa cháy bình thường, các vụ hỏa hoạn kéo dài hơn và cháy rộng hơn bao giờ hết".

Ở khu vực rừng Amazon, 70.000 vụ cháy, đốt rừng đã xảy ra trong năm qua.

Ở Indonesia, cháy rừng vào tháng 9-2019 có cùng mức độ tàn phá so với vụ cháy từng xảy ra năm 2015, tạo ra 884 triệu tấn khí thải cacbon.

Ở bờ tây nước Mỹ, theo Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), số vụ và diện tích rừng bị cháy tăng không ngừng kể từ những năm 1950.

Chúng ta giờ đây phải chung sống với cháy rừng tàn khốc - Ảnh 2.

Cháy rừng trên một sườn đồi ở Geyserville, California tháng 10-2019 - Ảnh: AFP

Một đám cháy rừng phải hội đủ các điều kiện thời tiết khô, vật liệu cháy và mồi lửa. Trong đó, thời tiết là yếu tố quan trọng nhất và cũng thay đổi nhất đối với các vụ cháy rừng - các yếu tố của thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa và tốc độ gió đều ảnh hưởng đến tốc độ và cường độ lây lan của đám cháy. Những đám cháy lớn nhất xảy ra khi thời tiết nóng, khô và gió mạnh.

Phân tích dữ liệu thời tiết 35 năm do hai cơ quan khí tượng hàng đầu là của Trung tâm châu Âu về dự báo thời tiết tầm trung (ECMWF) và Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), các nhà khoa học nhận thấy mùa cháy đã kéo dài hơn ở 1/4 đất trồng trên toàn cầu, một số khu vực ở Nam Mỹ và Đông Phi mùa cháy dài hơn một tháng so với gần 4 thập kỷ trước đây.

Tiến sĩ Parrington cho biết đã có cảnh báo về những bối cảnh cháy rừng mới, trong đó các đám cháy thay đổi không thể dự báo, cháy mạnh, diễn biến nhanh và phát tán tàn lửa trong phạm vi lớn hơn, cháy trên diện tích rộng hơn. 

Mặc dù các vụ cháy rừng là một phần của chu kỳ thiên nhiên, các hệ sinh thái và người dân có thể không thích nghi được với những thay đổi này.

Thách thức về dự báo

Với công nghệ hiện nay và với mức độ biến động rất cao giữa các năm về cháy rừng trên toàn thế giới, việc đưa ra mô hình dự báo diễn tiến của cháy rừng là một thách thức. 

Các yếu tố có thể cải thiện là đồng bộ các quan sát năng lượng bức xạ cháy từ cảm biến vệ tinh để đưa ra ước tính hằng ngày về phát thải do đốt sinh khối, sử dụng bản đồ che phủ mặt đất có độ chính xác cao và cảm biến các yếu tố phát thải chỉ thị đặc trưng cho cháy rừng như khói, tàn tro, khí CO, CO2, mêtan, oxit nitơ (NxOy), muội than…

Chúng ta giờ đây phải chung sống với cháy rừng tàn khốc - Ảnh 4.

Sự kết hợp của nhiều vật liệu ô nhiễm bị cháy khiến các vụ cháy rừng gây ô nhiễm không khí nhiều hơn so với phát thải công nghiệp - Ảnh: ASIASENTINEL

Các dữ liệu mở về nguy cơ cháy rừng của một số cơ quan khoa học hiện nay có thể giúp tìm hiểu những thay đổi về đặc điểm của cháy rừng - bất thường hay bình thường so với trước, tuy nhiên các nghiên cứu này cần thời gian.

Tuy nhiên, khi nào còn chưa dự báo được diễn biến của cháy rừng, sức khỏe con người, tài sản công trình, xã hội môi trường đều bị cháy rừng đe doạ. 

Cháy rừng gây ô nhiễm không khí do phát tán một lượng bụi siêu mịn vào không khí. Ngoài ra, sự kết hợp của nhiều vật liệu ô nhiễm bị cháy khiến các vụ cháy rừng gây ô nhiễm không khí nhiều hơn so với phát thải công nghiệp.

Rủ nhau ngắm sao băng, đôi tình nhân ở tù 15 ngày vì làm cháy rừng Rủ nhau ngắm sao băng, đôi tình nhân ở tù 15 ngày vì làm cháy rừng

TTO - Đôi tình nhân này rủ nhau lên núi Khuyết Nha với hi vọng thấy được sao băng. Không rõ họ có thấy được sao băng hay không, nhưng để chụp lại một khoảnh khắc trên núi, cặp đôi này đã bắn pháo hoa làm cháy cả một vùng...

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên