14/07/2024 20:19 GMT+7

Chúng ta đều đang mang bệnh?

Trong vở ‘Hồn Trương Ba da hàng thịt’, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama để các nhân vật hạ giới thỉnh thoảng bôi mặt trắng lem nhem, nhằm diễn tả cái nhìn của ông về xã hội kim tiền hiện nay, nơi mà ai cũng như đang mang bệnh.

Cuộc đối đầu gay gắt giữa hồn Trương Ba với xác thân anh hàng thịt - Ảnh: MAI THƯƠNG

Cuộc đối đầu gay gắt giữa hồn Trương Ba với xác thân anh hàng thịt - Ảnh: MAI THƯƠNG

Cái nhìn có phần gay gắt về con người trong xã hội ham tiền tài, nơi tâm hồn thanh cao bị xác phàm lấn lướt này chính là tinh thần chủ đạo trong bản dựng Hồn Trương Ba da hàng thịt của Tsuyoshi Sugiyama, đạo diễn Nhật Bản vài năm qua đã trở thành cái tên quen thuộc trong làng sân khấu Việt.

Trong bản dựng này, Tsuyoshi Sugiyama khá trung thành với nội dung kịch bản của Lưu Quang Vũ nhưng đựng trong một hình thức hoàn toàn mới mẻ và đầy hứng thú. Nhiều thứ trật tự quen thuộc được đảo chiều.

Sau đợt diễn lần thứ nhất hồi đầu tháng 1 thu hút sự chú ý, vở diễn đang trở lại với khán giả Hà Nội tại sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam trong ba đêm từ 12 đến 14-7.

Hương Thủy xuất sắc khi vào vai tiên cờ Đế Thích - Ảnh: MAI THƯƠNG

Hương Thủy xuất sắc khi vào vai tiên cờ Đế Thích - Ảnh: MAI THƯƠNG

Những "phản đề" của Tsuyoshi Sugiyama

Xem Hồn Trương Ba da hàng thịt của đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp làm sản xuất), cái đầu tiên "đập" vào khán giả chưa phải là tư tưởng sâu sắc của vở kịch, mà là những đảo chiều táo bạo của vị đạo diễn rất sáng tạo và luôn hứng thú với những mới mẻ này.

Đầu tiên là đổi giới tính cho tiên cờ Đế Thích. Bấy lâu trong tâm trí người Việt nói chung cũng như tất cả các bản dựng Hồn Trương Ba da hàng thịt trước đây thì nghiễm nhiên tiên cờ Đế Thích là tiên ông.

Vậy mà Tsuyoshi Sugiyama đưa ra một phiên bản tiên cờ Đế Thích là nữ. Đã vậy, bà tiên cờ này không mặc xiêm áo thướt tha mà người Việt vẫn tưởng tượng.

Người nhà trời mặc vest với comple - Ảnh: MAI THƯƠNG

Người nhà trời mặc vest với comple - Ảnh: MAI THƯƠNG

Quan quân nhà trời, như Nam Tào, Bắc Đẩu cũng vậy. Họ mặc… comple. Nhân vật có thế lực trong làng (lý trưởng, trương tuần trong kịch bản của Lưu Quang Vũ) thậm chí còn mặc trang phục như hộ lý, áo blouse trắng mũ trắng.

Tất cả các nhân vật khác đều mặc trang phục rất hợp "mốt" thời nay. 

Nhân vật con trai của Trương Ba được xây dựng trong kịch là một kẻ ăn chơi ngỗ ngược, phường gian thương thì đạo diễn cho diện bộ cánh thật sành điệu.

Vợ Trương Ba (nghệ sĩ Chiều Xuân, trái) được đạo diễn đẩy lên thành một người đàn bà ghê gớm đấu tranh đòi hạnh phúc - Ảnh: MAI THƯƠNG

Vợ Trương Ba (nghệ sĩ Chiều Xuân, trái) được đạo diễn đẩy lên thành một người đàn bà ghê gớm đấu tranh đòi hạnh phúc - Ảnh: MAI THƯƠNG

Trên một cái nền cốt rất hiện đại ấy, âm nhạc cho vở diễn đương nhiên không thể là những nhạc cụ dân tộc. Nhưng chọn guitar điện với những âm thanh khi du dương khi chát chúa như Tsuyoshi Sugiyama chọn cho vở diễn này thì thực sự khiến người xem bất ngờ.

Giống như nhiều vở diễn đương đại gần đây ở Việt Nam, Tsuyoshi Sugiyama cũng đưa nhạc sĩ, nhạc công biểu diễn trực tiếp trên sân khấu, phía sau các nghệ sĩ kịch.

Thậm chí ở cảnh hỗn loạn cuối cùng, đạo diễn cho tất cả các diễn viên gục ngã trên sân khấu, chỉ còn nhạc công bước ra giữa sân khấu ngổn ngang người nằm ấy mà chơi những thanh âm cuối cùng kết thúc một vở nhiều căng thẳng cảm xúc.

Xã hội ưa vật chất trong vở kịch được đẩy lên cực điểm - Ảnh: MAI THƯƠNG

Xã hội ưa vật chất trong vở kịch được đẩy lên cực điểm - Ảnh: MAI THƯƠNG

Dưới hạ giới, ai cũng như mang bệnh

Nếu như Lưu Quang Vũ nói câu chuyện về sự mâu thuẫn giữa phần hồn thanh cao với xác phàm đầy tham dục một cách nhuần nhị, thì Tsuyoshi Sugiyama chọn đẩy lên khá cực đoan về hiện tình xã hội.

Ở đó, con người sẵn sàng biến thành "chó" tuân phục quyền lực, sức mạnh để mưu cầu vật chất.

Ngay cả người vợ thôn quê hiền lành của Trương Ba trong kịch bản gốc cũng được đạo diễn đẩy lên thành một người đàn bà đáo để giành chồng hay thỏa hiệp với những tham vọng tiền tài vật chất của con.

Cuộc vật lộn giữa hồn Trương Ba và thân xác anh hàng thịt cũng rất ấn tượng khi tâm hồn và thể xác trói vào nhau trong sợi xích như đoạn xúc xích dài. 

Tsuyoshi Sugiyama cho biết ông muốn nói về một xã hội thay đổi quá nhanh, đồng tiền chi phối quá lớn mà chúng ta đang sống. Như thể những người sống ở hạ giới đều như đang mang bệnh.

Ở đây, con người quá tôn sùng vật chất mà quên đi việc chia sẻ những niềm hạnh phúc nhỏ bé cùng nhau.

Dù khiến khán giả "hơi mệt" khi xem, Hồn Trương Ba da hàng thịt vẫn là vở kịch đầy thú vị, kích thích khán giả trẻ, những người ưa khám phá những điều mới vẻ, táo bạo và hứng thú với những bất ngờ.

Ngoài việc dàn dựng đầy sáng tạo thì diễn xuất của diễn viên trong vở này cũng rất đáng nể.

Nhiều diễn viên đảm nhận hai vai khác biệt cùng lúc như Hương Thủy diễn Đế Thích và người có chức quyền, Hoàng Tùng vai Trương Ba lẫn Bắc Đẩu, Trường Khang vai con trai Trương Ba lẫn lái lợn 1, Anh Thư vai con dâu lẫn lái lợn 2, Mạnh Hoàng vai Trưởng Hoạt và Nam Tào.

Vở diễn cũng đánh dấu sự trở lại sân khấu sau nhiều năm của nghệ sĩ Chiều Xuân (vai vợ Trương Ba), Xuân Tùng (vai hàng thịt), Mai Huê (vai vợ hàng thịt).

Hồn Trương Ba, da hàng thịt 40 năm vẫn ghê gớmHồn Trương Ba, da hàng thịt 40 năm vẫn ghê gớm

Trời mưa lạnh, khán giả vẫn kéo nhau đến xem kịch. Vì yêu Lưu Quang Vũ và vì cả tò mò rằng Hồn Trương Ba, da hàng thịt năm 2024 do đạo diễn Nhật dàn dựng sẽ ra sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên